Khảo sát tiết lộ thái độ của người Mỹ đối với Ukraine và Nga
- Xuân Thành
- •
Một cuộc khảo sát của Morning Consult và hãng tin Politico gần đây cho thấy chỉ 20% và 3% người Mỹ coi Ukraine và Nga là đồng minh đích thực.
Morning Consult và hãng tin Politico đầu tháng này đã thực hiện khảo sát 2.005 người Mỹ trưởng thành nhằm đánh giá suy nghĩ của họ về nhiều quốc gia khác, trong đó có Nga và Ukraine, cũng như cách họ nhìn nhận về phản ứng của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với tình hình căng thẳng tại châu Âu.
Kết quả khảo sát cho thấy, 20% đáp viên coi Ukraine là “đồng minh” của Mỹ, trong khi chỉ 3% đánh giá Nga như vậy. 36% đáp viên nói Kiev là đối tác thân thiện, và chỉ 10% có cảm nhận tương tự về Moscow.
Khảo sát cũng cho thấy gần phân nửa đáp viên (49%) nhìn nhận Nga là kẻ thù của Mỹ, trong khi chỉ 5% đánh giá Ukraine như vậy.
Trả lời câu hỏi liệu NATO có nên đồng ý yêu sách của Nga về việc không kết nạp Ukraine, 17% nói khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nên đồng ý để “ngăn chặn” Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, 49% tin rằng nỗ lực ngăn chặn xung đột Nga-Ukraine không nên bao gồm bất kỳ thỏa thuận nào về việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO.
58% đáp viên ủng hộ lập trường của NATO cho phép các quốc gia như Ukraine được nộp đơn gia nhập liên minh quân sự này, chỉ có 15% phản đối.
Kết quả khảo sát cho thấy người Mỹ khá chia rẽ về cách Tổng thống Biden xử lý căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine. 40% đáp viên lên án cách tiếp cận đối ngoại của chính quyền Biden, và 39% bày tỏ ủng hộ.
63% đáp viên ủng hộ việc áp đặt các chế tài khắc nghiệt lên Nga nhằm ngăn chặn nước này tiến hành xâm lược Ukraine.
Cuộc khảo sát nêu trên được tiến hành trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây liên tục dấy lên cảnh báo Nga có thể đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine.
Tháng trước, Tổng thống Biden đã đe dọa sẽ chế tài Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông ta ra lệnh tràn quân sang Ukraine.
Nga thời gian qua liên tục lên tiếng bác bỏ cáo buộc từ phương Tây về việc Moscow sẽ sớm xâm lược Ukraine. Điện Kremlin cũng đã theo đuổi đảm bảo an ninh tại châu Âu khi gửi Mỹ và NATO các yêu cầu an ninh, trong đó có 3 điểm quan trọng NATO phải cam kết: không được tiếp tục mở rộng về phía Đông; không được triển khai vũ khí tấn công tại Đông Âu và phải rút quân đội NATO khỏi các nước từng là thành viên của Hiệp ước Warsaw.
Mỹ và NATO đã bác bỏ các yêu cầu trên của Nga, nhưng cũng để ngỏ đàm phán ngoại giao với Nga nhằm giảm leo thang căng thẳng. Tổng thống Pháp Macron hôm 7/2 đã gặp Tổng Nga Putin tại Moscow và ngày 8/2 gặp Tổng thống Ukraine Zelensky tại Kiev. Cùng thời điểm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã công du Mỹ để hội đàm với Tổng thống Joe Biden.
Xuân Thành (Theo RT)
Xem thêm:
Từ khóa khảo sát Quan hệ Mỹ - Nga Quan hệ Mỹ - Ukraine căng thẳng Nga - Ukraine Ukraine