Lãnh sự quán ĐCSTQ tại Anh đánh đập bạo lực người biểu tình Hồng Kông
- Trí Đạt
- •
Cùng ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 ĐCSTQ) hôm 16/10, người dân Hồng Kông ở Anh đã tập trung tại lãnh sự quán ĐCSTQ ở Manchester để phản đối việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử. Sau đó có người từ lãnh sự quán đi ra phá hoại biểu ngữ và đánh người biểu tình. Vụ việc khiến nạn nhân bị đa chấn thương.
Ngoại giới về cơ bản đều nhìn nhận rằng ông Tập Cận Bình sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội 20 này.
Người Hồng Kông dựng một số biểu ngữ phản đối bên ngoài lãnh sự quán ở Manchester, một trong số đó ghi “Trời diệt Trung Cộng”, còn có một biểu ngữ viết biểu thị sự khinh thường đối việc chúc mừng ngày 1/10 của ĐCSTQ.
Cảnh sát Greater Manchester cho hay, khoảng 30 đến 40 người đã tụ tập bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuyên bố của cảnh sát nhấn mạnh: “Ngay trước 4h chiều, một nhóm nhỏ những người nam giới đi ra từ tòa nhà (Lãnh sự quán ĐCSTQ), và một người đàn ông (người Hồng Kông biểu tình) đã bị kéo vào Lãnh sự quán và bị tấn công.” “Lo sợ cho sự an toàn của người đàn ông này, cảnh sát của chúng tôi đã can thiệp và nạn nhân được kéo ra khỏi phạm vi của Lãnh sự quán.”
Theo video do BBC công bố, một người đàn ông biểu tình đội mũ đen bị kéo qua cổng, nằm trên mặt đất của Lãnh sự quán, sau đó bị 5 người đàn ông đá và đánh. Trong suốt quá trình này, cảnh sát Anh đã nhiều lần xông vào để cứu người.
Trước khi cảnh sát Anh ập vào Lãnh sự quán và kéo người Hồng Kông ra, một người đàn ông tóc trắng đội mũ nồi xanh đậm, đeo kính, đeo khẩu trang và quấn khăn, đang túm tóc người Hồng Kông. “Người đàn ông tóc trắng” trước đó đã bước ra khỏi Lãnh sự quán, đá mạnh một cái vào biểu ngữ “Trời diệt Trung Cộng” và giật biểu ngữ còn lại.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, người đàn ông tại hiện trường là ông Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan), Tổng lãnh sự Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Manchester. RFA đã gửi thư tới Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manchester để tìm hiểu sự việc nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Cảnh sát Anh nêu rõ trong một tuyên bố, người đàn ông khoảng 30 tuổi, đã được điều trị qua đêm tại bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương. Hiện không có ai bị bắt giữ, trợ lý Cảnh sát trưởng Rob Potts lưu ý thêm.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Liz Truss nhận định, các báo cáo nêu trên hết sức “đáng quan ngại”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với báo chí hôm 17/10, ông không biết về tình hình, nhưng tuyên bố “Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Anh luôn tuân thủ luật pháp của nước sở tại”.
Lãnh sự quán sau đó đã trả lời giới truyền thông rằng những người biểu tình là “một số ít các phần tử đòi độc lập của Hồng Kông”, và “treo một bức chân dung của nguyên thủ Trung Quốc để xúc phạm Trung Quốc. Các cơ quan lãnh sự của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể dung thứ.”
Học giả Chung Kiếm Hoa phân tích, 2 câu này của Lãnh sự quán ĐCSTQ đủ cho thấy họ cố tình tấn công người biểu tình: Nghĩa là người biểu tình vừa “một nhóm nhỏ” và cũng lại là “các thành phần độc lập của Hồng Kông”, từ góc độ của ĐCSTQ mà xét, tất nhiên, “không thể chấp nhận được”.
Ông nhắc nhở người dân Hồng Kông ở Anh phải hết sức cẩn trọng với chính quyền lưu manh ĐCSTQ. Nếu lần này người biểu tình không được cảnh sát Anh cứu ra, Lãnh sự quán lại đóng cửa lớn, thì khả năng an toàn của một số người khó đảm bảo.
Giới chính trị Anh lên tiếng
Theo “Mặt trận Bảo vệ người Hồng Kông”, khoảng 60 người biểu tình đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán ĐCSTQ ở Manchester để phản đối “ông Tập Cận Bình tái đắc cử”. Nhà tổ chức cuộc kháng nghị này chỉ trích nhân viên Lãnh sự quán ĐCSTQ có hành vi bạo lực ở Anh, khiến người dân Anh và Hồng Kông lo lắng về an toàn cá nhân của họ, gây lo ngại về an ninh quốc gia của Vương quốc Anh.
Video về vụ xung đột đã được một số nhà lập pháp Anh chia sẻ trên mạng, họ kêu gọi điều tra nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc bị nghi ngờ có liên quan đến vụ đánh người.
“Chính phủ Anh phải yêu cầu một lời xin lỗi đầy đủ từ Đại sứ Trung Quốc tại Anh và đưa những người có trách nhiệm trở về Trung Quốc,” cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ và nghị sĩ Iain Duncan Smith viết trên Twitter. Ông yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman “khẩn trương điều tra việc này”.
Anh La Quán Thông, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông nổi tiếng đang cư trú tại Anh viết trên Twitter: “Nếu không truy cứu trách nhiệm của nhân viên công tác của Lãnh sự quán ĐCSTQ, người Hồng Kông sẽ sống trong nỗi sợ hãi bị bắt cóc và bị bức hại.” Anh thúc giục Chính phủ Vương quốc Anh “điều tra và bảo vệ cộng đồng (Hồng Kông) và người dân ở Vương quốc Anh”.
Nghị sĩ David Lammy (David Lammy) yêu cầu Ngoại trưởng James Cleverly (James Cleverly) triệu tập Đại sứ ĐCSTQ để đưa ra lời giải thích toàn diện. Ông Lammy cho rằng việc những người biểu tình đã “gây lo lắng sâu sắc, nếu (sự thật) là đúng là như vậy, thì việc này hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Trí Đạt (T/h)
Từ khóa người biểu tình Hồng Kông lãnh sự quán ĐCSTQ tại Anh