Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada và New Zealand đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hồng Kông, khi mà chỉ những người trung thành với Bắc Kinh mới được chấp thuận tranh cử.

p3062961a484089378
Điểm bỏ phiếu ở Tuen Mun vắng tanh vào buổi chiều Chủ Nhật khi Hồng Kông tổ chức bầu cử Hội đồng Lập pháp (Nguồn: Đài Á châu Tự do).

Bộ trưởng ngoại giao của năm quốc gia, thành viên Liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes) cho biết, họ hết sức lo ngại về “sự xói mòn các yếu tố dân chủ” trong hệ thống bầu cử của Hồng Kông.

Cuộc bầu cử ban đầu dự kiến ​​diễn ra vào tháng 9/2020, nhưng đã bị chính quyền địa phương hoãn lại, với lý do rủi ro sức khỏe cộng đồng do đại dịch COVID-19. Nhưng các nhà phê bình ủng hộ dân chủ cho rằng đó là cái cớ để trì hoãn cuộc bỏ phiếu.

Tháng 3/2021, ‘cơ quan lập pháp bù nhìn’ của Trung Quốc đã phê duyệt các thay đổi bầu cử cho Hồng Kông, theo đó ngăn cấm các đại diện dân chủ chiếm giữ các vị trí chủ chốt một cách hiệu quả.

Khi chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành thẩm tra các ứng cử viên sao cho chỉ có những “người yêu nước” mới có thể tranh cử, các ứng cử viên ủng hộ dân chủ hầu như vắng mặt. Cuộc bầu cử ngày 19/12 vừa qua đã chứng kiến ​​đảng đối lập lớn nhất của Hồng Kông, Đảng Dân chủ, lần đầu tiên không có ứng cử viên nào kể từ Vương quốc Anh bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997.

“Kể từ khi bàn giao, các ứng cử viên có quan điểm chính trị đa dạng vẫn luôn tham gia vào cuộc bầu cử ở Hồng Kông. Cuộc bầu cử hôm qua đã đảo ngược xu hướng này,” các ngoại trưởng nhấn mạnh.

Sau lần ‘đại tu bầu cử’, số đại biểu được bầu trực tiếp đã giảm xuống còn 20 từ 35 và tỷ lệ ghế mà cử tri có thể bầu các quan chức đã giảm xuống từ 50% xuống còn 22%.

Các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh Ngũ nhãn lưu ý, “những thay đổi này đã loại bỏ mọi phản đối chính trị thực thụ”, và rằng nhiều chính trị gia đối lập của thành phố hiện vẫn đang ở trong tù chờ xét xử, trong khi nhiều người khác sống lưu vong ở nước ngoài.

Cuộc bầu cử vừa qua cũng chứng kiến ​​tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục. Chỉ 30% cử tri đã đăng ký hoặc khoảng 1.350.680 người bỏ phiếu – chỉ bằng khoảng một nửa so với cuộc bầu cử lập pháp trước đó vào năm 2016.

Liên minh cũng cho hay, họ “vẫn đặc biệt lo ngại về hiệu lực sâu rộng hơn của Luật An ninh Quốc gia, cũng như những hạn chế ngày càng tăng đối với quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, vốn đang được áp dụng trong toàn xã hội dân sự”.

Họ kêu gọi chế độ Trung Quốc “hành động phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của mình để tôn trọng các quyền được bảo vệ và các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông, bao gồm cả những quyền được đảm bảo theo Tuyên bố chung Trung – Anh”.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: