Lý do phe cánh tả ghét Trump đến mù quáng
Bài viết của David Gelernter, giáo sư ngành Khoa học Máy tính Đại học Yale đã đăng trên báo Wall Street Journal.
Mọi đợt bầu cử lớn ở Mỹ đều thú vị, nhưng đợt bầu cử giữa kỳ thì thu hút vì một lý do phần lớn các bình luận gia quên nói: Đảng Dân Chủ chẳng có nổi một thông điệp nào. Kinh tế thì đang tăng trưởng và vị thế quốc tế của Mỹ thì vững mạnh. Còn trên trường quốc tế, nước Mỹ đã kịp nhớ ra điều mà Machiavelli từng khuyên nhủ các quân vương cách đây 5 thế kỷ: Đừng cố để được yêu, hãy cố để được sợ.
Với bất kỳ người cánh tả trung thực nào, sự đối nghịch [trên] với những năm tháng thời Obama quả là đau đớn. Còn với các thế hệ tương lai, cuộc tranh cãi về Kavanaugh [1] sẽ được nhớ đến như cột mốc đánh dấu sự phá sản về mặt tư tưởng của đảng Dân Chủ, là cái tia đỏ rực chĩa lên tấm bảng đề hai chữ: Trống rỗng. Cánh tả đã bị đánh bại.
Điều này đã từng xảy ra vào những năm 80, 90 và đầu những năm 2000, nhưng rồi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính xảy ra và kịp cứu chủ nghĩa tự do cấp tiến (liberalism) khỏi sự hủy diệt tất định. Ngày nay những người cánh tả nguyện cầu Robert Mueller mau khoác lên tấm áo choàng Siêu nhân và giải cứu họ lần nữa [2].
Tuy thế, hiện giờ, thông điệp duy nhất của cánh tả là “Chúng tôi ghét Trump”. Nỗi căm hận này khá giàu ý nghĩa, bởi những gì cánh tả ghét ở Trump chính xác cũng là điều họ ghét ở nước Mỹ. Những hàm ý ấy khá quan trọng, và đau thương.
Không phải người cánh tả nào cũng ghét nước Mỹ. Song những người cánh tả tôi biết thì thực sự ghét Trump về thói thô tục, chuyện ông ta không chịu từ bỏ tranh đấu, tính thẳng thắn, niềm tin nước Mỹ là kiệt xuất, sự cảnh giác với giới trí thức, tình yêu dành cho những ý tưởng đơn giản hiệu quả, và việc từ chối tin rằng đàn ông và đàn bà có thể thay thế được cho nhau. Tệ nhất, Trump chả có một ý thức hệ nào ngoài chuyện phải làm cho xong việc. Mục tiêu của ông luôn là hoàn thành việc trước mắt, không để bị sa đà, và ngoài ra thì yêu cuộc sống. Nói ngắn gọn, ông ta là một người Mỹ điển hình – ngoại trừ là đã được cường điệu hoá, chỉ bởi ông chẳng hề chịu một ràng buộc tiết chế lối sống nào ngoài những thứ ông tự đề ra.
Trump thiếu sự tiết chế cũng bởi vì ông ta giàu kinh khủng, đã luôn là như vậy, và không giống những người giàu khác, ông còn tự hào về sự giàu ấy lẫn chưa từng thấy cần tạ tội. Ông chưa bao giờ học giữ mồm giữ miệng bởi ông chưa từng cần. Ông cũng chưa bao giờ học xấu hổ về chuyện là đàn ông với những thiên hướng bình thường của đàn ông. Thỉnh thoảng thì ông đối xử với phụ nữ theo cách khá bê bối, và khiến dân Mỹ, tả cũng như hữu, phát xấu hổ – y như họ từng xấu hổ về JFK và Bill Clinton.
Tuy nhiên nhiệm vụ của tôi như một cử tri lại là chọn ra ứng viên nào làm lợi nhất cho nước Mỹ. Tôi lấy làm tiếc về hình ảnh thô thiển của một người Mỹ bình thường không biết kiềm chế mà Trump đang truyền tải. Sự thô thiển ấy quả không giống vai tổng thống lắm và khiến chúng ta trông khá tệ trong mắt nhiều quốc gia. Mặt khác, rất nhiều đối thủ của Trump thì lại lo lắng thái quá về việc những người khác nghĩ gì. Tôi tán thưởng sự nho nhã của những người Pháp, Đức và Nhật. Nhưng tôi cho rằng mình sẽ chẳng mất ngủ vì họ.
Sự khác biệt giữa các công dân ghét Trump và những người có thể sống chung với ông ta – dù vì yêu hay chịu đựng– có thể quy về thái độ của họ đối với người Mỹ điển hình: người nông dân, công nhân, thợ sửa xe, thợ cơ khí, chủ cửa hàng, nhân viên kế toán, nhân viên lập trình, bảo mẫu, lái xe, nội trợ. Những trí thức cánh tả tôi quen nói rằng họ ghét những người này đến độ họ suýt thành dân Cộng hòa bảo thủ.
Hillary Clinton và Barack Obama nắm rõ tội lỗi thật sự của những người trên. Hai người này biết những kẻ ấy kinh khủng thế nào, với mớ súng đạn ngu ngốc và những nhà thờ đáng ghê tởm. Những người này cũng chả có tiền và những nỗi thở than thường trực để khiến họ thêm thú vị, lẫn chả có nhiều người theo dõi trên Twitter để khoe khoang. Hàng năm họ không xem Davos mà lại xem Fox News. Kể cả số khá nhất cũng chả có được trí tuệ sáng láng của Chuck Schummer, nói gì đến Michelle Obama. Sự thật là họ ngu như cừu.
Ông Trump nhắc cho chúng ta nhớ về thế nào là một người Mỹ bình thường. Không phải một người đàn ông Mỹ bình thường, cũng không phải một người da trắng Mỹ bình thường. Chúng ta biết chắc rằng, đến 2020, giới trí thức sẽ lại ngây như phỗng trước số lượng phụ nữ và người da màu bỏ phiếu cho Trump. Ông ta cũng có thể sẽ vạch lại ranh giới trên bản đồ chính trị: Những người Mỹ bình thường đơn giản ở mọi phân khúc với những người hào nhoáng.
Nhiều trí thức cánh tả trông đợi công nghệ có thể xoá bỏ những nghề nghiệp đang nuôi sống các loại người cổ lỗ như dân lái xe tải, nhưng họ tính trật đích đến nực cười. Không thể nào qua Internet mà chuyên chở thực phẩm và quần áo, hay vòng tay ôm vợ bạn, con gái và con bạn, hoặc im lặng ngồi bên người bạn thân nhất. Điều này có lẽ hiển nhiên, nhưng làm người trí thức cũng có nghĩa chẳng điều gì là hiển nhiên. Ông Trump chẳng phải thiên tài, nhưng nếu bạn thành thục được những điều hiển nhiên, và thêm một chút nhạy cảm, bạn đã gần đích đến 9/10 rồi (Có học bổng cũng tốt, nhưng người trí thức hiện đại điển hình thì đang rẻ tiền hoá việc học hành bằng chính trị, và hãnh diện khi thay đổi giáo án hòng cài cắm thêm mớ rác mục nát của cánh tả).
Tất cả những điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng – một câu hẳn sẽ bị phẫn nộ gạt đi vào thời nay, song trong tương lai xa với các nhà sử học thì không: Liệu có thể nào ghét Donald Trump mà không ghét người Mỹ bình thường được không?
Đúng, ông Trump là một công dân trung bình mà lại không biết kiềm chế. Hiển nhiên là bạn có thể ghét một vài tính cách đặc trưng lớn của ông ta – sự trẻ con thiếu kiểm soát khi bi bô trên Twitter, hay thói đáp trả như một tay anh chị hung hăng non choẹt – và vẫn không hề ghét những người Mỹ trung bình, vốn không mang các thiên hướng trên (thực ra ông Trump cũng đang cải thiện hai khía cạnh này). Bạn cũng có thể ghét toàn bộ [con người Trump]. Tôi sẽ không chọn ông ta là bạn, và ông ta cũng sẽ không chọn tôi. Nhưng điều tôi thấy ở dân cánh tả thường xuyên là một nỗi căm hận thuần tuý, vô điều kiện mà kẻ căm hận – cầu Chúa thứ tha – lại thấy tự hào. Điều này thật đáng ngán, thậm chí kinh tởm. Và nó thực sự nghĩa là, tôi tin thế, người căm ghét Trump cũng căm ghét nốt những người Mỹ trung bình, bất kể đó là đàn ông hay đàn bà, da đen hay da trắng. Thường thì người này cũng căm ghét luôn nước Mỹ.
Tất nhiên, ông Trump là bức biếm hoạ về người Mỹ bình thường, chứ không hẳn chính đối tượng ấy. Thấy dị ứng thì cũng dễ hiểu. Nhưng căm ghét ông ta bằng cả trái tim thì lại đáng nói. Nhiều người Mỹ cũng đã từng xấu hổ khi Ronald Reagan trúng cử. Một diễn viên điện ảnh á? Nhưng phương hướng mà ông này từng chọn cho nước Mỹ lại là một thành công lớn lẫn cân bằng, và Reagan rồi đã trở thành một tổng thống vĩ đại. Rõ ràng đất nước này đã được định đoạt là nên điều hành bởi những tay amateur chính trị, bởi những công dân bình thường, chứ không chỉ bởi luật sư hay nhân viên hành chính.
Những ai đã bầu cho ông Trump, và bầu cho các ứng viên của ông ấy vào tháng 11, lo lắng về đất nước này, chứ không phải về hình ảnh của nó. Tổng thống xứng đáng được chúng ta tôn trọng bởi vì nước Mỹ xứng đáng được như thế – không phải những hình nhân hào nhoáng kiểu các bình luận gia trên truyền hình, các giáo viên trường trung học lậm thiên hướng tự do hay các vị giáo sư khả kính, mà chính những phẩm chất người cơ bản đã là điều giúp nước Mỹ thành vĩ đại, và sẽ luôn khiến nó vĩ đại hơn.
[1]: Robert Mueller: Công tố viên được giao điều tra bầu cử Mỹ 2016. Dân cánh tả hy vọng rằng ông này sẽ tìm ra bằng chứng kết tội Trump có cấu kết với Nga và làm cớ đàn hạch. Cuộc điều tra kéo dài đã gần 2 năm, chưa kết thúc.
[2] Brett Kavanaugh: Thẩm phán Tối cao Pháp viện mới được Trump bổ nhiệm tháng 10 rồi. Trong quá trình Kavanaugh làm ứng viên, bên đảng Dân Chủ đã đưa ra một cáo buộc một phụ nữ tố ông này hiếp dâm cách đây 35 năm, không bằng chứng.
Biên dịch: Facbook Chau Thi Huyen Nguyen
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Hoa Kỳ chính trị cánh tả cánh hữu