Mike Pompeo viết nhân ngày Độc lập: Giấc mơ Mỹ vẫn trường tồn
- Mike Pompeo
- •
246 năm trước, 13 thuộc địa đã táo bạo tuyên bố độc lập. Họ làm vậy để chống lại đế quốc Anh khi đó đang có sức mạnh quân sự mạnh mẽ nhất thế giới. Những lý lẽ tuyên bố độc lập là xác thực và các Nhà lập quốc của chúng ta cũng đã không xem nhẹ hậu quả của quyết định này. Khi Tuyên ngôn Độc lập được ký, Benjamin Franklin đã nói rằng, “tất cả chúng ta phải đoàn kết lại, nếu không gần như chắc chắn, từng người trong chúng ta lần lượt sẽ bị treo cổ”. Đó là giá trị của những thời khắc bất hủ trong lịch sử.
Tổ tiên của chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro vì một giấc mơ. Một giấc mơ của tự do và cơ hội. Một giấc mơ mà trong đó cho dù quý vị đến từ đâu, bất kể xuất thân của quý vị thế nào, nếu quý vị làm việc chăm chỉ và sống trung thực, chính trực, thì quý vị có thể thành công. Đây là Giấc mơ Mỹ.
Những khổ nạn của chúng ta
Thời nay có vẻ như Giấc mơ Mỹ khó đạt được hơn. Một phần do những vấn đề hiện thực: giá xăng đang tăng vọt và lạm phát xảy ra rất nhanh. Nhưng cũng một phần bởi vì những câu chuyện sai, ví như: Mỹ là phát-xít, hay nước Mỹ đang suy sụp hoặc phụ thuộc vào chính phủ tốt hơn là tự lực.
Vâng, mọi thứ ngày nay là khó khăn. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, các kệ hàng trong các cửa hàng tạp hóa trống trơn thực phẩm. Các gia đình phải mua thực phẩm nấu ăn và đổ xăng cho xe hơi với giá cao chưa từng có. Đó là thách thức kịch liệt mà tất cả người Mỹ, ở mọi ngóc ngách trong nước cộng hòa này, phải đối mặt. Quả thực, những vấn đề này đang ảnh hưởng mạnh đến các gia đình trung lưu chăm chỉ hơn các tầng lớp khác. Đây có lẽ là bữa ăn mừng Ngày Độc lập 4/7 đắt đỏ nhất mà mọi gia đình trong nước Mỹ đã từng trải nghiệm trong đời. Đối với nhiều người, Giấc mơ Mỹ bây giờ có vẻ như đã mất đi vẻ rực rỡ vốn có.
Trong những thời điểm vinh quang và thử thách, người Mỹ đã luôn và sẽ luôn tìm được cách để gắn kết cùng nhau. Không phải những ai chia rẽ bởi chủng tộc, giới tính, giai cấp hay khu vực; mà chính là những người không thể bị tách rời đã cống hiến cho lợi ích chung của đất nước chúng ta yêu quý. Ngày nay chúng ta có thể làm điều này thông qua việc nhớ đến những gì đã làm nước Mỹ biệt lệ, và thêm lần nữa dâng hiến bản thân chúng ta vào việc bảo vệ những quy tắc trường tồn vốn định hình nên đất nước ta. Nếu chúng ta có thể làm điều này, thì chúng ta sẽ sớm tìm thấy Giấc mơ Mỹ không chỉ được khôi phục, mà nó còn tràn đầy sự hứa hẹn lớn lao hơn bao giờ hết.
Khi tôi nghĩ về Giấc mơ Mỹ, tôi nhớ đến ông bà Earl và Grace của tôi. Họ đã làm lễ cưới vào 6:30 sáng bởi vì ông Earl không muốn muộn giờ làm.
Bà Grace cũng không thể muộn giờ làm, bà từng 4 lần làm chủ tịch hội phụ huynh – thầy giáo (PTA), đã từng dẫn dắt nhiều đội Nữ hướng đạo sinh, là một ủy viên hội đồng và may hầu hết quần áo cho 10 người con của bà. Mỗi người đã cống hiến phục vụ cho cộng đồng họ sinh sống, và chăm lo cho gia đình mà họ đã cùng nhau xây dựng. Họ đã giữ cam kết này ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử đất nước chúng ta. Những người như ông bà Earl, Grace là kiểu người dân mà đất nước này đã dựa vào để hình thành: Con người được xác định thông qua đức tính chăm chỉ, sự tự lập và trên hết là tình yêu không đổi dành cho những người mà họ yêu thương.
Đây là Giấc mơ Mỹ. Đó không phải là thứ được chính phủ trao tặng cho chúng ta như một món quà. Đó là thứ mà mỗi người chúng ta có thể tạo ra và hiện thực hóa, và chúng ta chỉ có thể làm được vậy trong một quốc gia bảo vệ các quyền tự do được Chúa ban cho có sự ban phước của Đấng Tạo hóa.
Những thắng lợi của chúng ta
Chúng ta không quên những thử thách mà chúng ta đã vượt qua. Từ hai cuộc chiến tranh thế giới, tới các vụ tấn công khủng bố tàn khốc, tới đại dịch sức khỏe toàn cầu. Trải qua tất cả những điều đó, người Mỹ vẫn thắng thế. Chúng ta đã chiến thắng hai cuộc thế chiến. Chúng ta đã trỗi dậy từ đống tro tàn của vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Trong những ngày đen tối của đại dịch COVID, các nhà thờ vẫn mở cửa để đem đến hy vọng về mặt tinh thần cho những người bị cách ly, người ốm bệnh và người nghèo, các gia đình dậy học cho con em của họ tại nhà khi trường học đóng cửa, và nhiều doanh nghiệp đã tìm được sự phục hồi từ bờ vực phá sản. Người dân Mỹ thực sự là biệt lệ, và điều này được chứng minh rõ ràng nhất khi chúng ta gặp thử thách.
Nước Mỹ cần một thông điệp mới. Không phải là thông điệp của thất bại và suy thoái, mà là thông điệp của sự lạc quan sinh động, dựa trên những nguyên tắc trường tồn và thiêng liêng của đất nước ta: rằng chúng ta được sinh ra bình đẳng, rằng chúng ta “được Đấng Tạo hóa ban cho những quyền bất khả xâm phạm, rằng trong số những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những lời này vốn được Thomas Jefferson chấp bút trước khi ông trở thành ngoại trưởng đầu tiên của nước Mỹ, ngày nay luôn hiện hữu trong trái tim của mỗi người Mỹ, bất chấp những thách thức chúng ta phải đối mặt. Những lời đó đã sống động trong tôi khi tôi tuyên thệ trở thành ngoại trưởng thứ 70 của nước Mỹ và giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương, và trước đó nữa khi tôi làm việc trong Quốc hội và Quân đội.
Vào ngày 4/7/1863, Quân Liên minh miền Nam đã đứng trước chiến thắng tại Gettysburg nhưng gặp tổn thất lớn và đẫm máu. Chưa có thời điểm nào trong lịch sử đất nước ta bị chia rẽ như thế và chưa có thời điểm nào mà tương lai của đất nước ta lại không chắc chắn như vậy. Tổng thống Abraham Lincoln đã đến trận đánh vĩ đại đó và đã kêu gọi đồng bào hãy cống hiến bản thân để “đất nước này, dưới sự che chở của Chúa, sẽ có một ngày khai sinh mới của tự do, và rằng chính phủ của dân, do dân và vì dân, sẽ không bị xóa sổ trên hành tinh này”.
Lời hiệu triệu đó của Tổng thống Abraham Lincoln đã vang vọng tới nhiều thế hệ và ngày nay người Mỹ sẽ có câu trả lời, như chúng ta luôn luôn có được. Cầu Chúa ban phước cho quý vị, gia đình quý vị, cho nước Mỹ trong Ngày Độc lập của chúng ta.
Tác giả: Mike Pompeo
Chuyển ngữ: Xuân Thành
Từ khóa Giấc mơ Mỹ Mike Pompeo Ngày Độc lập Hoa Kỳ