Một số thông tin về xung đột Israel-Palestine đã kéo dài 7 thập kỷ
- Vy An
- •
Cuộc xung đột gần đây giữa Israel và Hamas, bắt nguồn từ một đợt tấn công bất ngờ vào thứ Bảy (7/10), đã gây bất ổn cho khu vực Trung Đông rộng lớn và thu hút sự chú ý của các cường quốc bên ngoài. Đây được xem là vụ mới nhất trong 7 thập kỷ giao tranh giữa người Israel và người Palestine.
Đâu là nguồn gốc của xung đột?
Nhà lập quốc David Ben-Gurion đã tuyên bố thành lập quốc gia Israel hiện đại vào ngày 14/5/1948, thiết lập một bến đỗ an toàn cho những người Do Thái đang chạy trốn khỏi sự đàn áp và tìm kiếm một Ngôi nhà Dân tộc trên mảnh đất mà họ cho rằng có mối quan hệ sâu sắc với mình qua nhiều thế hệ.
Người Palestine ai oán rằng việc thành lập Israel là một “Nakba”, hay còn gọi là thảm họa, khiến họ bị tước quyền sở hữu và cản trở khát vọng về một nhà nước của riêng họ.
Trong cuộc chiến sau đó, khoảng 700.000 người Palestine, một nửa dân số Ả Rập ở Palestine do Anh Quốc cai trị, đã chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà của họ đến Jordan, Li Băng, Syria cũng như ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem. .
Israel, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, phản bác cáo buộc rằng họ đã đuổi người Palestine ra khỏi nhà và chỉ ra rằng 1 ngày sau khi thành lập, họ đã bị 5 quốc gia Ả Rập tấn công. Các hiệp ước đình chiến đã tạm dừng cuộc giao tranh vào năm 1949 nhưng không đạt được hòa bình chính thức.
Những người Palestine vẫn tham chiến ngày nay hình thành nên cộng đồng người Israel gốc Ả Rập, chiếm khoảng 20% dân số Israel.
Đã có những cuộc chiến tranh lớn nào?
Năm 1967, Israel thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu vào Ai Cập và Syria, phát động Chiến tranh Sáu ngày. Kể từ đó, Israel đã chiếm đóng Bờ Tây, Đông Jerusalem từ Jordan và Cao nguyên Golan của Syria.
Năm 1973, Ai Cập và Syria tấn công các vị trí của Israel dọc theo Kênh đào Suez và Cao nguyên Golan, bắt đầu Chiến tranh Yom Kippur. Israel đã đẩy lùi quân đội của cả 2 nước trong vòng 3 tuần.
Vào năm 1982, Israel xâm chiếm Li Băng; hàng nghìn chiến binh Palestine dưới sự chỉ huy của nhà lãnh đạo Yasser Arafat đã phải sơ tán bằng đường biển sau cuộc vây hãm kéo dài 10 tuần. Năm 2006, chiến tranh lại nổ ra ở Li Băng khi phiến quân Hezbollah bắt giữ 2 binh sĩ Israel và Israel trả đũa.
Năm 2005, Israel rời khỏi Gaza, nơi họ đã chiếm được từ Ai Cập vào năm 1967. Tuy nhiên Gaza đã phải chứng kiến những vụ giao tranh lớn vào các năm 2006, 2008, 2012, 2014 và 2021 liên quan đến các cuộc không kích của Israel và phóng tên lửa của Palestine; đôi khi cũng có những vụ đột nhập xuyên biên giới của một trong hai bên.
Bên cạnh chiến tranh, còn có 2 cuộc nổi dậy của người Palestine trong khoảng thời gian 1987-1993 và một lần nữa vào giai đoạn 2000-2005. Lần thứ hai chứng kiến làn sóng đánh bom liều chết của Hamas nhắm vào người Israel.
Những nỗ lực nào đã được thực hiện để kiến lập hòa bình?
Năm 1979, Ai Cập và Israel ký hiệp ước hòa bình, chấm dứt 30 năm thù địch. Năm 1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat đã bắt tay ký kết Hiệp định Oslo về quyền tự trị hạn chế của người Palestine. Năm 1994, Israel ký hiệp ước hòa bình với Jordan.
Hội nghị thượng đỉnh tại Trại David vào năm 2000 chứng kiến Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Israel Ehud Barak và Nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat không đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Năm 2002, Ả Rập đã đề xuất kế hoạch để Israel bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước Ả Rập, đổi lấy việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi những vùng đất mà nước này đã chiếm trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, thành lập một nhà nước Palestine và một “giải pháp công bằng” cho người tị nạn Palestine.
Tuy nhiên những nỗ lực hòa bình đã bị đình trệ kể từ năm 2014, khi các cuộc đàm phán ở Washington giữa người Israel và người Palestine thất bại.
Vào năm 2017, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Palestine và các nước Ả-Rập đã liên tục kháng nghị và đe dọa rằng việc này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Joe Biden đã tập trung vào việc cố gắng đảm bảo một “thỏa thuận lớn” ở Trung Đông, bao gồm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi, quốc gia trông coi 2 ngôi đền linh thiêng nhất của người Hồi giáo.
Cuộc chiến mới đây nhất gây khó xử về mặt ngoại giao đối với Ả Rập Saudi cũng như các quốc gia Ả Rập khác, bao gồm cả một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh bên cạnh Ả Rập Saudi, vốn đã ký các thỏa thuận hòa bình với Israel.
Các vấn đề chính giữa người Israel và người Palestine
Cốt lõi tranh chấp giữa người Israel và người Palestine nằm ở giải pháp hai nhà nước, các khu định cư của Israel, tình trạng của Jerusalem và vấn đề người tị nạn.
Giải pháp hai nhà nước: là thỏa thuận thành lập một nhà nước cho người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza cùng với Israel. Hamas đã bác bỏ giải pháp hai nhà nước này và thề sẽ tiêu diệt Israel. Israel tuyên bố nhà nước Palestine phải được phi quân sự hóa để không đe dọa Israel.
Các khu định cư: Hầu hết các quốc gia coi những khu định cư của người Do Thái được xây dựng trên vùng đất mà Israel chiếm đóng năm 1967 là bất hợp pháp. Israel lên tiếng phản đối và viện dẫn các mối quan hệ lịch sử cũng như Kinh thánh với vùng đất này. Sự mở rộng liên tục của họ là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Israel, người Palestine và cộng đồng quốc tế.
Jerusalem: Người Palestine muốn Đông Jerusalem, vùng đất có các địa điểm linh thiêng đối với người Hồi giáo, người Do Thái và các tín đồ Cơ đốc giáo, là thủ đô của họ. Israel lại cho rằng Jerusalem vẫn nên là thủ đô “vĩnh cửu và không thể chia cắt” của mình.
Người tị nạn: Ngày nay có khoảng 5,6 triệu người tị nạn Palestine – chủ yếu là hậu duệ của những người chạy trốn vào năm 1948 – sống ở Jordan, Li Băng, Syria, Bờ Tây và Gaza do Israel chiếm đóng. Theo Bộ Ngoại giao Palestine, khoảng một nửa số người tị nạn đã đăng ký vẫn không có quốc tịch, nhiều người hiện đang sống trong các khu trại đông đúc.
Người Palestine từ lâu đã yêu cầu người tị nạn, cùng với hàng triệu con cháu của họ, phải được phép quay trở lại. Israel tuyên bố bất kỳ hoạt động tái định cư nào của người tị nạn Palestine phải diễn ra bên ngoài biên giới của Nhà nước Do Thái.
Từ khóa Xung đột Israel - Hamas Hamas tấn công Israel Xung đột Israel - Palestine Dòng sự kiện