Mỹ cấm nhập cảnh các quan chức doanh nghiệp và quân đội TQ liên quan quân sự hóa Biển Đông
- Đức Thiện
- •
Mỹ sẽ cấm nhập cảnh đối với các quan chức điều hành doanh nghiệp, quân đội và những người khác có liên quan đến hoạt động xâm lược quân sự của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo loan báo hôm thứ Năm (14/1, giờ Mỹ).
Ngoại trưởng Pompeo nói trong tuyên bố phát đi hôm 14/1 rằng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực lên các cá nhân Trung Quốc liên quan tới hoạt động quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông hoặc liên quan tới việc Bắc Kinh “sử dụng hành vi cưỡng ép chống lại các quốc gia Đông Nam Á nhằm ngăn chặn họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi” tại khu vực Biển Đông.
Theo tuyên bố, trong số những cá nhân Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh có các quan chức điều hành của các công ty nhà nước Trung Quốc, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các quan chức của lực lượng hải quân Trung Quốc. Người nhà trực tiếp của những cá nhân này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.
Theo The Epoch Times, hạn chế thị thực mới nhất nêu trên là tương tự với những nội dung đã được Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hồi tháng Tám.
Chính quyền Trump vào cuối tháng 8/2020 đã liệt vào danh sách đen 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan tới các hành động xây dựng và quân sự hóa Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt các thực thể Trung Quốc liên quan tới vùng biển chiến lược tại Đông Nam Á.
Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ hôm 26/8 phát đi thông báo cho biết 24 công ty “đóng vai trò hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án tại Biển Đông”. Thông báo nêu rõ đã bổ sung 24 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể (Entity List), tức danh sách các công ty bị Mỹ trừng phạt.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khi đó cũng khẳng định trong thông cáo: “Các thực thể bị liệt vào danh sách hôm nay đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng những đảo nhân tạo này của Trung Quốc và họ phải chịu trách nhiệm”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi một tuyên bố riêng rẽ khác nói rằng họ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm cho hoặc liên quan đến” hành động [xây dựng và quân sự hóa Biển Đông] và những cá nhân liên quan tới việc “Trung Quốc sử dụng hành vi cưỡng ép các nước Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền [trên Biển Đông] để ngăn cản các quốc gia này tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi”. Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên các cá nhân bị chế tài nhưng một quan chức giấu tên nói với Reuters rằng “hàng chục” cá nhân Trung Quốc sẽ bị hạn chế thị thực nhập cảnh Mỹ.
Trong số 24 công ty Trung Quốc bị chế tài hồi tháng Tám, có Tập đoàn Viễn thông Guangzhou Haige, nhiều công ty liên quan tới Công ty Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC), Công ty Viễn thông Beijing Huanjia, Công ty Dữ liệu Viễn thông Changzhou Guoguang, Tập đoàn Công nghệ Điện Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.
Trong tuyên bố hôm 14/1, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Bắc Kinh tiếp tục điều động các tàu đánh cá và các tàu khảo sát năng lượng, cùng với các tàu hộ tống, để hoạt động trong vùng biển mà các quốc gia Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền và để quấy rối các quốc gia này khai thác dầu và khí đốt tại nơi mà [Bắc Kinh] đã không đưa ra được tuyên bố chủ quyền hàng hải mạch lạc, đúng luật”.
Vào tháng 7/2020, Mỹ cũng đã chính thức bác bỏ các tuyên bố chủ quyền “bất hợp pháp” của Trung Quốc trên Biển Đông, và lên án “chiến dịch bắt nạt” của Bắc Kinh trong khu vực này.
Chế độ Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng nước và nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Nhưng yêu sách đó đã bị một tòa án quốc tế tuyên bố là bất hợp pháp trong một phiên tòa hồi năm 2016.
Cả Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông – nơi được coi là có nguồn tài nguyên khoáng sản và hải sản phong phú và cũng là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.
Về phía Trung Quốc, trong những năm gần đây, chế độ này đã tìm mọi cách để thúc đẩy yêu sách của họ tại Biển Đông, trong đó có việc gia tăng xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo và các bãi đá ngầm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã điều động nhiều tàu hải cảnh và tàu cá tới Biển Đông để đe dọa các tàu nước ngoài, ngăn chặn các tàu này tiếp cận các vùng biển, và cũng để chiếm giữ các bãi cạn và các bãi đá ngầm.
Trong một diễn biến liên quan, trong ngày thứ Năm (14/1), Bộ Thương mại Mỹ cũng đã bổ sung Tập đoàn Dầu mỏ Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen trừng phạt kinh tế vì vai trò của gã khổng lồ dầu khí này trong chiến dịch cưỡng ép của Bắc Kinh lên các các gia khác cũng yêu sách chủ quyền Biển Đông.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói hôm 14/1: “Những hành động liều lĩnh và hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và việc gia tăng thúc đẩy của họ nhằm thâu tóm tài sản trí tuệ và công nghệ nhạy cảm phục vụ cho các nỗ lực quân sự hóa là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ, cũng như an ninh của cộng động quốc tế”.
“CNOOC hành động bắt nạt thay cho Quân Giải phóng Nhân dân nhằm đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc, và quân đội Trung Quốc tiếp tục thu lợi cho các mục tiêu gây hại từ các chính sách dân-quân hợp nhất của chính phủ”, ông Ross nói thêm.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng CNOOC và các doanh nghiệp quốc doanh khác là vũ khí nhằm nỗ lực thực thi ‘Đường 9 đoạn’ bất hợp pháp của họ”.
“CNOOC đã sử dụng giàn khoan khổng lồ HD-981 tại quần đảo Trường Sa vào năm 2014 trong một nỗ lực nhằm bắt nạt Việt Nam. Giám đốc điều hành của CNOOC khi đó đã khoe rằng giàn khoan [HD-981] là ‘lãnh thổ quốc gia di động’”, ông Pompeo nói thêm.
Đức Thiện
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung Mike Pompeo Dòng sự kiện Mỹ cấm nhập cảnh