Mỹ có thể cấm visa người đàn áp Pháp Luân Công trong và ngoài TQ
- Xuân Thành
- •
Bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm cách ngăn chặn các quan chức liên quan tới đàn áp Pháp Luân Công nhập cảnh vào Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa qua đã thông báo với các nhóm tôn giáo bị đàn áp rằng họ đang thắt chặt việc kiểm tra visa và có thể từ chối visa cho những người vi phạm nhân quyền và những người đàn áp tín ngưỡng tôn giáo, gồm cả visa di dân và visa không di dân như visa du lịch và công tác. Người có visa, kể cả những người đã được cấp tư cách thường trú (thẻ xanh), có thể bị từ chối nhập cảnh.
Theo Điều 212, Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch Mỹ, bất kỳ cá nhân nào đang là quan chức chính phủ nước ngoài mà chịu trách nhiệm hoặc đã từng trực tiếp thực hiện những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo tại bất kỳ thời điểm nào, thì đều không được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Các hành vi vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo bao gồm các vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục, nghiêm trọng như tra tấn hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, gây ra sự mất tích, bắt cóc hoặc giam giữ bí mật, hoặc từ chối trắng trợn quyền sống, tự do hay an toàn của con người.
Như là một phần của đánh giá này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên lạc với các nhóm tín ngưỡng, tôn giáo để thông báo về sự giám sát tăng cường của họ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu nhóm Pháp Luân Công tại Mỹ chuyển danh sách các quan chức mà họ biết có liên quan tới đàn áp Pháp Luân Công. Một động thái tương tự đã được thực hiện ở Canada, khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chrystia Freeland của Canada nhận được danh sách 14 tên của những quan chức phải chịu trách nhiệm chính cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã diễn ra kể từ năm 1999 tại Trung Quốc.
Hiện tại trang minghui.org, một trang web của Pháp Luân Công tại hải ngoại, cho biết người tập Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ có thể lập và trình lên Bộ Ngoại giao Mỹ một danh sách cụ thể những thủ phạm đàn áp Pháp Luân Công, bao gồm những người đã trực tiếp đàn áp Pháp Luân Công, và những người đã dựng lập và thực thi chính sách đàn áp, và những người hiệp trợ cho cuộc đàn áp này.
Luật pháp Mỹ cũng như danh sách người đàn áp không đưa ra giới hạn chỉ đối với các quan chức Trung Quốc. Những người hiệp trợ cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại nước ngoài cũng có thể bị liệt kê. Ngoài ra, theo đạo luật H.R.648 (Đạo luật Ngân sách Hợp nhất, 2019 – Xem phần “Anti-Kleptocracy And Human Rights” tại đây) hiện đang trong quá trình thông qua, Mỹ còn có thể sẽ cấm visa đối với người nhà trực tiếp của các quan chức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột, vợ, chồng, con cái họ.
Pháp Luân Công là một môn khí công phổ biến tại Trung Quốc với hơn 70 triệu người tập vào năm 1999. Do lo sợ rằng sự phổ biến của Pháp Luân Công sẽ gây tổn hại cho sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào tháng 7/1999, lãnh đạo chế độ Trung Quốc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc. Những người tập Pháp Luân Công bị vây bắt và bị đưa tới các nhà tù, trại lao động và các trung tâm tẩy não, nơi họ thường bị tra tấn để ép phải từ bỏ đức tin của mình vào Chân – Thiện – Nhẫn. Sự đàn áp này vẫn tiếp tục tại Trung Quốc cho tới ngày nay.
Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C Lai Shantuo đã xác nhận với tờ Epoch Times rằng đại diện của hiệp hội đầu năm nay đã gặp các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, liên quan tới hành động mới này của cơ quan ngoại giao liên bang. Các quan chức đã nói với đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Washington D.C rằng mặc dù luật hạn chế nhập cảnh đã tồn tại từ lâu, nhưng chính phủ Mỹ chỉ bây giờ mới thực hiện nó một cách nghiêm túc.
“Điều này cho thấy chính phủ Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới trong mối lo ngại của họ về cuộc đàn áp người dân có đức tin trên toàn thế giới, đặc biệt liên quan tới Trung Quốc – chế độ vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất thế giới,” bà Lai Shantuo nói.
Bà Lai Shantuo nói thêm rằng sự tiến triển này là cảnh báo cho các quan chức liên quan tới đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, đặc biệt là những người đang có ý định tới thăm hoặc trốn chạy sang Mỹ. “Điều này gửi cho họ một thông điệp rằng họ không thể đàn áp Pháp Luân Công”, bà Lai Shantuo nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong thư điện tử gửi Epoch Times, đã không trực tiếp xác nhận các biện pháp nêu trên của Bộ Ngoại giao, nhưng người này có nói rằng: “Mỹ tìm cách đảm bảo rằng các cá nhân đã từng vi phạm nhân quyền không thể đảm bảo nơi cư trú an toàn tại Mỹ.”
“Có một số nhóm không đủ điều kiện xin cấp thị thực Mỹ, những nhóm này đã từng tham gia vào các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng, trong đó có các quan chức chính phủ nước ngoài đã từng tham gia vào việc vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Trước đó, vào năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một tuyên bố đình chỉ nhập cảnh vào Mỹ theo dạng thị thực nhập cư hoặc không nhập cư đối với những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
“Sự tôn trọng phổ quát đối với nhân quyền và luật nhân đạo và ngăn chặn tội ác tàn bạo trên phạm vi quốc tế thúc đẩy các giá trị Mỹ và các lợi ích cơ bản của Mỹ”, tuyên bố của tổng thống Obama nói.
Trong khi đó, đầu năm nay đại sứ Mỹ về tự do tôn giáo Sam Brownback cũng đã có bài phát biểu đáng chú ý tại Câu lạc bộ các phóng viên quốc tế thường trú tại Hồng Kông, trong đó kêu gọi chế độ Bắc Kinh phải chấm dứt tất cả các hình thức đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc.
“Chính phủ Trung Quốc đang có chiến tranh với đức tin. Đó là một cuộc chiến mà họ sẽ không thắng,” ông Brownback nói hôm 8/3.
Đây không phải là lần đầu tiên một chính phủ quan ngại về cuộc đàn áp Pháp Luân Công có động thái cấm các quan chức Trung Quốc nhập cảnh vào nước họ.
Năm 2017, một lực lượng đặc nhiệm chung bao gồm nhiều cơ quan khác nhau của chính phủ Đài Loan đã từ chối cho phép nhập cảnh đối với ít nhất ba quan chức ĐCSTQ và các thành viên của “các nhóm trao đổi nghề nghiệp” của họ, vì những người này có liên quan tới đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Lực lượng đặc nhiệm chung của Đài Loan đã tuyên bố thêm rằng bất kỳ quan chức ĐCSTQ nào liên quan tới “Phòng 610” – một cơ quan của ĐCSTQ đứng trên luật pháp được thành lập vì mục đích duy nhất là thực hiện đàn áp Pháp Luân Công, sẽ không được phép vào Đài Loan trong tương lai.
Ngày 15/5 vừa qua, tờ National Post cũng đăng tải ý kiến của các chuyên gia kêu gọi Canada cấm vận các quan chức Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky, một đạo luật được nước này ban hành 18 tháng trước, với nhiều quy định về các biện pháp trừng phạt những quan chức nước ngoài tham nhũng và lạm dụng nhân quyền.
Xuân Thành tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Quan hệ Mỹ - Trung Vi phạm nhân quyền Bộ ngoại giao Mỹ Dòng sự kiện