Mỹ giúp châu Âu sau khi Nga cắt khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria
- Trình Văn
- •
Bộ Năng lượng Mỹ thông báo chấp thuận xuất khẩu từ hai dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới, ngay sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria để trả đũa các lệnh trừng phạt vào thứ Tư (ngày 27/4).
Công ty Gazprom của Nga cho biết hôm thứ Tư (ngày 27/4) rằng họ đang ngừng cung cấp khí đốt cho hai quốc gia châu Âu là Ba Lan và Bulgaria. Động thái này của Nga đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga mở rộng việc cắt giảm khí đốt sang các nước châu Âu khác và tạo thêm cảm giác cấp bách mới cho kế hoạch giảm phụ thuộc vào Nga về năng lượng của lục địa này.
Chính quyền Biden của Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng Nga sẽ vũ khí hóa hoạt động xuất khẩu năng lượng của mình, trong khi Mỹ đang cố gắng giúp các đồng minh châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu của Nga.
Theo The Hill đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Ba (ngày 26/4): “Người châu Âu có những kế hoạch đầy tham vọng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thách thức là đưa những kế hoạch đó vào thực tế, và một thách thức khác là trong một số trường hợp, nó không đơn giản như bật một công tắc đèn – không phải là chơi chữ – đây là một quá trình, đây chính là những gì chúng tôi đang làm việc với họ để thực hiện.”
Quyết định của Nga khi cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria là một canh bạc rủi ro đối với Điện Kremlin, vốn đang cố gắng buộc châu Âu phải trả tiền nhập khẩu năng lượng bằng đồng rúp thay vì đô la hoặc euro, để tăng sức mạnh đồng nội tệ của Nga. Đồng rúp của Nga đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm thứ Tư (ngày 27/4) rằng các nước láng giềng đang cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria trong thời gian Nga ngừng cung cấp khí đốt. Bà cũng cảnh báo các công ty năng lượng châu Âu không thanh toán bằng đồng rúp cho Nga khi nhập khẩu khí đốt của Nga, vì điều này là vi phạm các biện pháp trừng phạt của Châu Âu và Mỹ đối với Nga.
Bà Ursula von der Leyen còn cho biết: “Hướng dẫn của chúng tôi ở đây rất rõ ràng: nếu thanh toán bằng đồng rúp, nếu điều này không được báo trước trong hợp đồng, thì việc thanh toán bằng đồng rúp vi phạm lệnh trừng phạt của chúng tôi. Các công ty có hợp đồng như vậy không nên chấp nhận các yêu cầu của Nga. Điều này sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt, vì vậy các công ty này sẽ đối mặt với rủi ro cao.”
Tuyên bố cắt khí đốt của Nga một lần nữa làm dấy lên sự chỉ trích từ phương Tây. Bà Ursula von der Leyen cáo buộc Nga tống tiền, trong khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết đây là một ví dụ về việc Nga “gần như vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng của mình”.
Trong chiến tranh Nga – Ukraine, Ba Lan là một nước láng giềng và là thành viên NATO kiên định ủng hộ Ukraine nhất. Ba Lan đã áp dụng biện pháp tiếp cận phủ đầu trong việc tích trữ nguồn cung cấp khí đốt để ngăn chặn sự trả đũa của Nga, có thể giữ khoảng 76% lượng dự trữ vào cuối mùa sưởi ấm.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan và thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương Daniel Fried nói: “Người Ba Lan có vẻ rất bình tĩnh, và tôi nghĩ rằng người Bulgaria cũng không hề trở tay không kịp.”
Các chuyên gia cho biết, tình hình này có thể thúc đẩy nỗ lực của châu Âu nhằm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga chặt chẽ hơn, các quan chức châu Âu đang thảo luận về điều này, và nó sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế Nga vốn đã suy yếu.
Bà Rachel Ziemba, nghiên cứu viên cấp cao hỗ trợ tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết: “Tôi nghĩ rằng nếu như có thì điều này có thể củng cố quyết tâm của nhiều quốc gia châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thách thức là, tôi cho rằng điều này tồn tại rủi ro chia rẽ các thực thể châu Âu.”
Bà Rachel Ziemba cho biết, quá trình này có thể thúc đẩy giá khí đốt, bao gồm cả ở Mỹ, quốc gia đang tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu để giúp các nước châu Âu loại bỏ khí đốt của Nga.
Bà Ziemba còn nói: “Trên toàn cầu, tôi nghĩ rằng giá cả thường tăng lên từ đây.”
Vào chiều thứ Tư, trong vòng vài giờ sau khi Nga quyết định cắt nguồn cung khí đốt, Bộ Năng lượng Mỹ đã thông báo chấp thuận cho xuất khẩu từ hai dự án khí tự nhiên hóa lỏng mới ở Texas và Louisiana.
Thông báo của Bộ Năng lượng Mỹ không đề cập cụ thể đến Ba Lan hay Bulgaria, nhưng lưu ý rằng Mỹ là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sẽ “tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng toàn cầu, đặc biệt là do các hành động chiến tranh xâm lược Ukraine của (Tổng thống Nga) Putin.”
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo rằng Mỹ đã giữ liên lạc với các quan chức của Ba Lan và Bulgaria kể từ khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho 2 quốc gia châu Âu này.
Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện một ngày trước khi Nga tuyên bố cắt nguồn cung cấp khí đốt cho 2 nước châu Âu, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Mỹ đã chuyển “một lượng đáng kể” khí tự nhiên hóa lỏng sang để giúp châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc khí đốt của Nga trong thời gian xảy ra chiến tranh Nga – Ukraine.
Ông Blinken nói với các thượng nghị sĩ: “Quá trình này vẫn tiếp tục và chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi họ làm vậy, sẽ có (khí đốt) được bổ sung trở lại, có rất nhiều (khí đốt của Mỹ) ở đó.”
Quá trình này bao gồm việc cung cấp 15 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu, trong một dự án hợp tác mà ông Biden và bà von der Leyen cùng công bố vào tháng Ba, đồng thời thiết lập một nhóm công tác đặc biệt chung của Mỹ – EU để giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga.
Theo một tuyên bố của nhóm công tác đặc biệt vào thời điểm đó, Mỹ muốn tăng lượng khí tự nhiên hóa lỏng hàng năm đến châu Âu ít nhất là 5 tỷ mét khối vào năm 2030.
Ông Blinken cho biết, “Tổng thống (Biden) đã thúc giục các nhà sản xuất trong nước tăng tốc sản xuất. Có … hàng ngàn giấy phép chưa được sử dụng, hy vọng chúng sẽ được sử dụng để tăng sản lượng (khí tự nhiên).”
Hiện Mỹ có khoảng 9.000 hợp đồng thuê dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong nước chưa được sử dụng.
Từ khóa Ba Lan Bulgaria khí đốt của Nga