Mỹ giúp Úc tăng tốc thực hiện kế hoạch tàu ngầm hạt nhân
- Ngự Thi
- •
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã bổ nhiệm một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chương trình giúp Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân và mở rộng hợp tác quân sự với Úc.
Nguồn tin dẫn theo Wall Street Journal cho biết, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Miller, người chịu trách nhiệm về chính sách dưới thời chính quyền Obama, vào thứ Ba ngày 16/11 đã đảm nhận vị trí lãnh đạo chương trình AUKUS của Mỹ. Ông sẽ tham gia cùng cố vấn an ninh quốc gia Jack Sullivan trong điều phối việc Mỹ thực hiện thỏa thuận AUKUS.
Vai trò của ông Miller là giúp Mỹ triển khai quan hệ đối tác an ninh mới (AUKUS) với Úc và Vương quốc Anh. Quan hệ đối tác AUKUS được công bố vào tháng 9 năm nay, nhằm mục đích chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. AUKUS hiện đang trong giai đoạn đàm phán kéo dài 18 tháng để đưa ra phương án thiết kế cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Hoàng gia Úc và giải quyết các vấn đề liên quan.
Giới chức Mỹ nói rằng nhiệm vụ của ông Miller là thực hiện công việc này và đẩy nhanh tiến độ nếu có thể. Đây sẽ là nhiệm vụ nặng nề và lâu dài liên quan đến việc chia sẻ công nghệ nhạy cảm, xác định thiết kế tàu ngầm, đào tạo công nhân và thủy thủ đoàn của xưởng đóng tàu. Giới chức Mỹ nói thêm rằng ông Miller phải cố gắng trong vòng 90 ngày có thể chỉ định được các dự án quân sự mà AUKUS có thể thực hiện, chẳng hạn như tàu ngầm không người lái, tên lửa tầm xa, công nghệ mạng, trí tuệ nhân tạo và hệ thống liên lạc được mã hóa.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, ông Miller từng là Thứ trưởng thứ nhất phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng, đã 4 lần được trao tặng “Huân chương Công vụ Xuất sắc”, đây là huân chương cao quý nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ dành cho chức vụ về dân sự. Ông cũng nhận được Giải thưởng Dân sự Xuất sắc của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Nhiều năm trước, ông Miller nhận bằng cử nhân kinh tế hạng ưu của Đại học Stanford, sau đó ông nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ về chính sách công tại Viện Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Dự án tàu ngầm hạt nhân của Úc đang được đẩy nhanh
Để nhanh chóng cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc, quan chức các nước đồng minh và các chuyên gia an ninh bên ngoài chính phủ đã thảo luận một số ý tưởng. Ví dụ, việc tuyển dụng các kỹ sư Úc tại cơ sở đào tạo hạt nhân của Mỹ, việc đưa các thủy thủ Úc vào làm tại các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, và chuyển giao cho Úc tàu tiếp viện tàu ngầm của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton hồi tháng 9 cho biết, Úc đang cân nhắc việc thuê tàu ngầm của Mỹ hoặc Anh trước khi phát triển tàu ngầm hạt nhân. Dù kỳ vọng ý tưởng đó sẽ được triển khai, nhưng vấn đề hiện nay là năng lực sản xuất của các nhà máy đóng tàu ở Mỹ không đủ. Tướng Không quân John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết xưởng đóng tàu của họ đã đầy tải, rất ít khả năng để có thể đóng tàu ngầm cho Úc. Nhưng họ đã hứa với Úc và Vương quốc Anh rằng trong 18 tháng tới sẽ xem xét tổng thể.
Brent Sadler của Tổ chức Di sản (Heritage Foundation), người đã làm việc trên tàu ngầm hạt nhân trong 18 năm, cho biết quan điểm của ông về vấn đề này. Ông nói nếu Úc mong trong vòng 10 năm triển khai được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, thì AUKUS phải hành động nhanh chóng hơn. Ông Sadler nói, “Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân rất phức tạp, đối tác mới không thể nhanh chóng thành thạo được. Nếu Úc muốn trước năm 2035 có tàu ngầm hạt nhân thì nhiệm vụ này phải được ưu tiên. Nếu tất cả các nhiệm vụ có thể song hành cùng nhau, ngay cả khi kinh phí dồi dào, kỳ vọng lạc quan nhất là sẽ phải mất 5-7 năm mới có thể sở hữu một chiếc tàu ngầm”.
Tầm quan trọng của sở hữu tàu ngầm hạt nhân
Trong 20 năm qua, hải quân Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần quy mô, lên tới 360 tàu, và tàu ngầm ngày càng trở thành một phần quan trọng trong thể hiện sức mạnh của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Sáng kiến của AUKUS đã ra đời trong bối cảnh đó.
Hiện nay, Mỹ có 68 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Vương quốc Anh có 10 chiếc, còn Trung Quốc có khoảng 15 chiếc nhưng vẫn đang đóng thêm nhiều tàu ngầm hạt nhân. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy cơ sở đóng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc là Nhà máy đóng tàu Bột Hải – Liêu Ninh đã được mở rộng để cho phép đóng hai tàu ngầm cùng lúc. Cục Tình báo Hải quân Mỹ dự đoán đến năm 2030, Trung Quốc sẽ bổ sung thêm 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng một số chuyên gia cho rằng con số có thể còn cao hơn.
Ông Miller mới được bổ nhiệm sẽ giám sát Chính phủ Mỹ thực hiện toàn bộ kế hoạch AUKUS, các cơ quan chính phủ liên quan bao gồm Lầu Năm Góc Mỹ, Bộ Năng lượng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng hỗ trợ cụ thể cho dự án tàu ngầm thông qua một đội độc lập gồm 20 – 30 người, dưới chỉ huy của một Thượng tướng Hải quân đã nghỉ hưu.
Ngự Thi, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tàu ngầm hạt nhân AUKUS