Nghị quyết lịch sử mới của ĐCSTQ làm mờ nhạt sự kiện Thảm sát Thiên An Môn
- Dương Thiên Tư
- •
Chiều ngày 16/11 theo giờ Bắc Kinh, toàn văn “Nghị quyết lịch sử thứ 3” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được công bố. Nghị quyết này định tính xoa dịu, làm mờ nhạt phong trào sinh viên Lục Tứ (Thảm sát Thiên An Môn năm 1989), gọi đây là “sóng gió chính trị”.
Ngày 16/11, truyền thông ĐCSTQ Tân Hoa Xã đã đăng toàn văn “Nghị quyết Trung ương ĐCSTQ về thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử 100 năm phấn đấu của đảng”.
Định tính mờ nhạt phong trào sinh viên Lục Tứ năm 1989
“Nghị quyết lịch sử thứ 3” tuyên bố: “Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 của thế kỷ 20, Liên Xô giải thể, Đông Âu thay đổi. Do sự ủng hộ và kích động của thế lực đối địch chống Cộng, chống xã hội chủ nghĩa trên quốc tế, bầu không khí quốc tế và không khí trong nước đã dẫn đến sóng gió chính trị nghiêm trọng ở nước ta trong thời điểm giao mùa xuân – hạ năm 1989. Đảng và chính phủ dựa vào nhân dân, giương lá cờ rõ ràng phản đối bạo loạn, đã bảo vệ chính quyền quốc gia xã hội chủ nghĩa, duy trì bảo vệ lợi ích cơ bản của nhân dân.”
Ngoại giới phát hiện, so sánh với ghi chép về 40 năm cải cách mở cửa và “Lịch sử vắn tắt của ĐCSTQ”, lần định tính này có động thái làm mờ nhạt và uyển chuyển, không nhấn mạnh “bạo loạn phản cách mạng”.
Ngày 9/11, tờ Tinh Đảo Nhật Báo tại Hồng Kông từng tung tin, xét theo “Lịch sử vắn tắt” mà ĐCSTQ chính thức đưa ra vào ngày 1/7 năm nay, đã duy trì định tính “bạo loạn phản cách mạng” đối với sự kiện Lục Tứ năm 1989. Do đó tin rằng nghị quyết lịch sử được Hội nghị Trung ương 6 lần này thông qua có khả năng vẫn sẽ duy trì định tính kiểu này đối với sự kiện Lục Tứ.
Xem ra, Tinh Đảo Nhật Báo, cơ quan ngôn luận tuyên truyền nước ngoài đại biểu cho tập đoàn Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, đã không đạt được như ý qua lần tung tin này, ngược lại đã thể hiện nước cờ kịch liệt đằng sau việc đưa ra nghị quyết này.
Ngày 1/7 năm nay, ĐCSTQ chính thức đưa ra “Lịch sử vắn tắt của ĐCSTQ”, cũng là duy trì định tính “bạo loạn phản cách mạng” đối với sự kiện Lục Tứ năm 1989. Nhìn tổng quát tình hình phát triển của toàn bộ sự việc, cách dùng từ để định tính sự kiện Lục Tứ của ĐCSTQ trong năm nay đã sớm có thay đổi tinh xảo.
“Nghị quyết lịch sử thứ 3” năm nay gần như đã đưa ra một đáp án rõ ràng hơn nữa.
- Tài liệu Mỹ: Ông Giang Trạch Dân liên quan đến thảm sát Thiên An Môn
- Diễn biến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Sự kiện Lục Tứ đẫm máu mà ĐCSTQ khiến tiểu phấn hồng lãng quên
Hoạt động thỉnh nguyện ngày 4/6/1989 của sinh viên bị ĐCSTQ bôi nhọ thành “bạo loạn phản cách mạng”, nhưng ĐCSTQ lại luôn nói dối về cuộc đàn áp và giết hại đẫm máu người dân này. Năm nay, trải qua 32 năm, những “tiểu phấn hồng” – thanh thiếu niên từ nhỏ đã nhận sự giáo dục yêu nước của ĐCSTQ – hoàn toàn không biết về sự kiện này.
Năm xưa, Giang Trạch Dân đàn áp và niêm phong tờ “Báo cáo Kinh tế Thế giới”, được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng của sự bùng nổ phong trào dân chủ năm 1989. Ngoại giới chỉ ra, Giang Trạch Dân là kẻ thu được lợi ích lớn nhất trong sự kiện “Lục Tứ”.
Ngày 15/4/1989, cựu Tổng Bí thư Trung ương ĐCSTQ Hồ Diệu Bang qua đời vì bệnh tim. Ông Hồ Diệu Bang là một trong số ít nhà lãnh đạo ĐCSTQ thuộc phe tiến bộ, được cho là nhân vật đại diện cho phe cải cách. Nhưng do cuối năm 1986 đến đầu năm 1987, các nơi tại Trung Quốc bùng nổ “phong trào học sinh sinh viên năm 1986”, bị cho là dung túng “tự do hóa giai cấp tư sản”, nên năm 1987 ông bị buộc từ chức. Sau khi ông qua đời, người dân cùng sinh viên đại học ở Bắc Kinh đã tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn, tổ chức hoạt động tưởng niệm một cách tự phát, và biểu đạt sự không hài lòng đối với cải cách chậm rãi của Trung Quốc.
Cuốn sách “Con người Giang Trạch Dân” tiết lộ, buổi tối ngày 15/4, ngày mà ông Hồ Diệu Bang qua đời, sinh viên trong Đại học Bắc Kinh bắt đầu cắm vòng hoa, dán các tờ báo chữ to lên tường hoặc lên cây trong khuôn viên trường. Ngày 15 – 17, trong khuôn viên các trường đại học nổi tiếng như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nhân dân, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Chính trị Pháp luật, đều xuất hiện lượng lớn đại tự báo và câu đối phúng viếng liên quan đến tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang. Ngày 17/4, vài nghìn sinh viên rời khỏi trường học đến Quảng trường Thiên An Môn, đặt vòng hoa dưới Bia tưởng niệm Anh hùng Nhân dân. Sinh viên căng các biểu ngữ “Tưởng niệm Hồ Diệu Bang”, và “Trừ tận gốc hủ bại”, “Trị quốc theo pháp luật”, “Đả đảo chủ nghĩa quan liêu”, v.v. Đồng thời, sinh viên trên toàn quốc cũng liên tiếp hưởng ứng, tổ chức các hoạt động mít-tinh, tuần hành, thỉnh nguyện quy mô lớn. Vài ngày sau, phong trào sinh viên mở rộng, kêu gọi lãnh đạo quốc gia đối thoại với sinh viên, thúc đẩy cải cách chính trị, để đất nước bước lên con đường dân chủ và pháp trị.
Ngày 20/5, ĐCSTQ tuyên bố thực thi giới nghiêm, huy động 30 sư đoàn thuộc 5 quân khu lớn, tổng cộng điều động 250.000 binh lực đến Bắc Kinh.
Tối ngày 3/6/1989, truyền thông nhà nước cảnh báo người dân Bắc Kinh không ra ngoài, nhưng quần chúng vẫn ở trên đường phố để ngăn cản quân đội. Khoảng 10:00 tối, ở khu vực cách phía tây Quảng trường Thiên An Môn khoảng 10km, quân đội bắt đầu bắn đạn thật vào đám đông biểu tình, gây ra rất nhiều thương vong.
Khoảng 0:00 ngày 4/6/1989, Quảng trường Thiên An Môn vẫn có khoảng 70.000 – 80.000 người, quân đội bắn pháo sáng, xe bọc thép tiến vào quảng trường, đám đông ném gạch đá, và cố gắng đốt những xe bọc thép chết máy do trục trặc. Khoảng 1:30 sáng, Tập đoàn quân 38 và Quân đoàn dù số 15 bắt đầu phong tỏa khu vực xung quanh quảng trường, quân đội bắt đầu tập trung, hàng ngàn sinh viên ở lại quảng trường tập trung gần Tượng đài Anh hùng nhân dân.
Sáng sớm ngày 4/6, khi đội ngũ sinh viên rút khỏi Quảng trường Thiên An Môn đi dọc theo phố Trường An để về trường, 3 chiếc xe tăng bắn đạn hơi cay và xông vào đám đông.
Ngày 5/6, sáng ngày thứ hai sau khi quân đội ĐCSTQ tắm máu Quảng trường Thiên An Môn, hơn 10 chiếc xe tăng xếp thành đường thẳng chầm chậm đi qua phố Trường An, một người đàn ông mặc áo trắng, tay cầm túi xách đứng trước xe tăng, cố gắng dùng thân mình để ngăn cản xe tăng tiến về phía trước, và từ đó hình ảnh “người xe tăng” đã được lan truyền khắp thế giới.
Số liệu chính thức của ĐCSTQ nói rằng có gần 300 người tử vong, 7000 người bị thương, bao gồm cả quân đội và người dân. Nhưng ĐCSTQ kiểm soát nghiêm ngặt thông tin liên quan, nên ngoại giới vẫn nghi ngờ về số người thương vong được công bố.
Thống kê của Hội chữ thập đỏ Bắc Kinh khi đó có khoảng 2.600 người tử vong, khoảng 30.000 người bị thương. Sau này, tài liệu giải mật của Anh và Mỹ đều cho rằng có hơn 10.000 người bị giết hại.
Dương Thiên Tư, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ