Mỹ là quốc gia duy nhất phủ quyết dự thảo nghị quyết của LHQ về Israel và Gaza
- Nhật Tân
- •
Mỹ nói dự thảo nghị quyết không cân nhắc đầy đủ quyền tự vệ của Israel, và trở thành quốc gia duy nhất phủ quyết dự thảo của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề nhân đạo cho Israel và Gaza hôm Thứ Tư (18/10).
Dự thảo được Brazil soạn thảo, kêu gọi tạm ngừng bắn vì mục đích nhân đạo, nhắm vào xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, cho phép các viện trợ nhân đạo có thể được tiếp cận cư dân Palestine trong Dải Gaza.
12 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo vào Thứ Tư, trong khi Nga và Anh bỏ phiếu trắng, còn Mỹ là quốc gia duy nhất bỏ phiếu phủ quyết. Dự thảo do Brazil soạn và đệ trình, và đã bị làm trì hoãn 2 lần trong vài ngày qua. Trước đó, một dự thảo tương tự do Nga đệ trình cũng đã bị Mỹ phủ quyết hôm Thứ Hai.
“Chúng tôi đang thực hiện công việc ngoại giao khó khăn. Chúng tôi tin rằng chúng ta cần phải để hoạt động ngoại giao đó diễn ra. Đúng, các nghị quyết rất quan trọng. Và đúng, hội đồng này phải lên tiếng,” Đại sứ Linda Thomas-Greenfield của Mỹ tại LHQ nói với hội đồng sau khi phủ quyết. “Nhưng những hành động chúng tôi thực hiện phải dựa trên thực tế và hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao trực tiếp. Điều đó có thể cứu được nhiều mạng sống. Hội đồng cần làm đúng điều này.”
Washington có ‘truyền thống’ bảo vệ đồng minh Israel của mình khỏi bất kỳ hành động nào của Hội đồng Bảo an. Là một thành viên thường trực, Mỹ có quyền phủ quyết trong hội nghị 15 thành viên này.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói thẳng: “Chúng ta một lần nữa chứng kiến đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của các đồng nghiệp Mỹ.”
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm Thứ Tư kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức để cho phép thả con tin và tiếp cận viện trợ nhân đạo tới Gaza.
Nga nói rằng họ đã đề xuất lên Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên triệu tập một phiên họp đặc biệt khẩn cấp về cuộc xung đột. Theo cách làm này, có thể đưa một dự thảo nghị quyết ra biểu quyết ở đó, nơi không có quốc gia nào có quyền phủ quyết.
Các nghị quyết của Đại hội đồng tuy không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng chính trị.
Đặc phái viên hòa bình của LHQ về Trung Đông Tor Wennesland nói với hội đồng rằng các nguy cơ hiện nay đã “rất thực tế và cực kỳ nguy hiểm” về việc mở rộng xung đột.
Ông Wennesland phát biểu trước hội đồng qua video từ Doha: “Tôi lo ngại rằng chúng ta đang ở bờ vực của một vực thẳm sâu và nguy hiểm, có thể thay đổi quỹ đạo của cuộc xung đột Israel-Palestine, nếu không nói là của toàn bộ Trung Đông.”
Quyền tự vệ của Israel
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân nói Mỹ đã chơi xấu, khi Mỹ khiến các thành viên hội đồng tưởng rằng nghị quyết sẽ được thông qua, bằng cách tỏ ra không phản đối gì trong các cuộc đàm phán. Ông mô tả lá phiếu phủ quyết của Mỹ “thuần túy là không thể tin nổi.”
Phiên bản ban đầu của dự thảo là nhắm tới kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên trong quá trình đàm phán, nó đã được lùi dần lùi dần để trở thành tạm ngừng bắn sao cho các hoạt động nhân đạo có thể được triển khai ở Gaza, với kỳ vọng sẽ được Mỹ thông qua.
Bà Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại LHQ, giải thích cho lá phiếu phủ quyết của Mỹ rằng Mỹ thất vọng vì dự thảo nghị quyết không đề cập đến quyền tự vệ của Israel, và bà đổ lỗi cho Hamas về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.
“Chúng tôi đang làm việc với Israel, các nước láng giềng, LHQ và các đối tác khác để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Điều quan trọng là thực phẩm, thuốc men, nước và nhiên liệu phải bắt đầu được chuyển vào Gaza càng sớm càng tốt,” và “Hành động của chính Hamas đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng này.”
Brazil, nước đề xuất bản dự thảo này, cũng là nước chủ tịch hội đồng của tháng này theo thứ tự quay vòng.
Cửa khẩu viện trợ vẫn chưa thông quan
Các nỗ lực ngoại giao của quốc tế đã tập trung vào việc cố gắng tìm kiếm sự tạm ngừng chiến nhân đạo trong cuộc xung đột ở gần cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Gaza, để cho phép chuyển hàng viện trợ.
Nhưng Ai Cập nói rằng tuy Rafah không bị chính thức tuyên bố đóng cửa, nhưng đã không thể hoạt động do các cuộc không kích của Israel vào phía Gaza.
Người đứng đầu viện trợ của LHQ Martin Griffiths nói với Hội đồng Bảo an hôm Thứ Tư: “Chúng tôi rất cần một cơ chế được tất cả các bên liên quan đồng ý, cho phép cung cấp thường xuyên các nhu cầu khẩn cấp trên khắp Gaza.”
Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi Israel hủy bỏ lệnh yêu cầu dân thường và nhân viên LHQ ở Gaza di chuyển đến phía Nam vùng đất Palestine, và lên án “các cuộc tấn công khủng bố của Hamas.”
Tuần trước Israel đã ra lệnh cho khoảng 1,1 triệu người ở Gaza —gần một nửa dân số– di chuyển về phía Nam khi Israel đã sẵn sàng để triển khai một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza. Lệnh quân sự di dời này được xem là bất khả thi.
“Chúng tôi không biết có bao nhiêu người đã di chuyển từ miền Bắc vào miền Nam để thoát khỏi nguy hiểm,” ông Griffiths nói. “Dù dân thường di chuyển hay ở lại, đó phải là quyết định của họ [chứ không nên vì bị ép buộc]… họ phải được bảo vệ.”
Như vậy, Gaza đã bị Israel phong tỏa toàn bộ đồng thời tiến hành oanh tạc dữ dội kể từ ngày 8/10. Một hành động được nhiều chuyên gia cho là ngang nhiên vi phạm các công ước quốc tế về chiến tranh.
Israel thề sẽ tiêu diệt Hamas sau khi nhóm chiến binh Hồi giáo này giết chết 1.400 người, làm bị thương 4.400 người và bắt giữ khoảng 200 con tin trong một cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10.
Các quan chức Palestine cho biết hơn 3.000 người Palestine đã thiệt mạng, và 12.000 người bị thương chỉ trong hơn chục ngày trả thù của Israel. Con số này chưa kể đến số người mất mạng trong vụ nổ ở bệnh viện Baptist Al-Ahli ở Gaza đêm Thứ Ba, vụ việc các phe vẫn tìm cách đổ lỗi cho nhau, trong đó Y tế Gaza cho rằng số người thiệt mạng là 500.
Từ khóa Xung đột Israel - Hamas xung đột ở Dải Gaza Israel tấn công Gaza Hội đồng Bảo An Hamas dải Gaza Dòng sự kiện Liên Hợp Quốc