Tên lửa tàng hình JASSM, tầm bắn 370 km, có thể sẽ nằm trong danh sách Mỹ đồng ý gửi tới chiến trường Ukraine để bắn sâu vào lãnh thổ nước Nga, Reuters đưa tin dẫn nguồn giấu tên, và cho hay quyết định cuối cùng và công bố chính thức có thể sẽ vào mùa Thu này, tuy nhiên, sẽ cần vài tháng chuẩn bị về kỹ thuật trước khi chúng được gửi đi.

240903Biden
Joe Biden, Tổng thống Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh NATO 11/7/2024, đúng dịp 75 năm tuổi khối quân sự lớn nhất hành tinh và không ngừng phát triển (ảnh lấy từ video)

Vũ khí tầm xa dự kiến là JASSM (Joint Air-to-Surface Standoff Missiles) do hãng Mỹ Lockheed Martin phát triển, tên lửa không-đối-đất, tầm xa 370 km, đầu đạn nặng tới 450 kg, dài 4 m, chuyên công phá các công trình kiên cố, kể cả sở chỉ huy hay kho ngầm dưới đất với khả năng tàng hình và khả năng bắn chính xác cao.

Theo quan chức Mỹ giấu tên, sự tham gia của JASSM sẽ làm thay đổi bối cảnh chiến lược của chiến tranh Ukraine, khi rất nhiều mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga sẽ lọt vào tầm bắn. Điều đó có thể buộc Nga phải đưa nhiều cơ sở lùi lại hơn nữa.

Tháng trước, Politico đã loan tin rằng chính quyền Biden đã “mở” khả năng cân nhắc gửi JASSM vào chiến trường Ukraine.

240903UkraineRussiaMap
Ít nhất 30 cơ sở không quân trong đất Nga lọt vào tầm bắn 300 km của tên lửa JASSM của Mỹ nếu gửi vào chiến trường Ukraine, nguồn số liệu: Istitude for the Study of War (nguồn chụp màn hình bài của Reuters)

Tích hợp JASSM vào máy bay thời Liên Xô

Tên lửa không-đối-đất JASSM vốn vẫn được phóng từ máy bay của Mỹ thiết kế. Trong tình huống quân Ukraine đã và sẽ có F-16, thì máy bay F-16 có khả năng sử dụng cho mục đích này, mỗi phi cơ 2 quả tên lửa.

Một trong những quan chức Mỹ cho hay có khả năng gắn tên lửa vào máy bay hiện có trong kho của quân Ukraine, không phải từ đồng minh phương Tây, trong đó có các máy bay thời Liên Xô là MiG-29, Su-24, và Su-27.

240903JASSM
Một chiếc tên lửa AGM-158 JASSM đặt bên cạnh chiến đấu cơ hàng mẫu F-35 (nguồn Wikipedia)

Model được gửi vào chiến trường Ukraine

Model tên lửa dự kiến gửi vào chiến trường Ukraine là model cũ, tầm bắn 370 km. Mỹ có các model mới hơn, tầm bắn xa hơn, có thể lên 800 km. Nói chung, đây là một trong các thông lệ nhất quán từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine, khi các nước đồng minh Âu Mỹ chuyển vũ khí cũ sang Ukraine trong quá trình đổi mới kho vũ khí của mình.

Cũng theo thông lệ, nhiều khả năng Mỹ sẽ tuyên bố là trước đây chưa gửi tên lửa tầm xa loại này là vì e ngại leo thang chiến tranh, nhưng mà, hiện nay do tình hình chiến sự thay đổi, và do thúc ép của Kiev xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cho nên hạn chế đó được điều chỉnh lại.

Tín hiệu của hệ thống định vị toàn cầu GPS được sử dụng cho quá trình dẫn đường cho tên lửa. Khi tới gần mục tiêu, hình ảnh hồng ngoại Infrared sẽ được sử dụng, nâng độ chính xác tới phạm vi sai số là 3 m.

“Chúng khá là tàng hình, tuy không phải được thiết kế tàng hình ở mức tối đa,” một chuyên gia cho biết. “Vài năm trước, một lô loại model này đã được bắn vào Syria sau sự vụ vũ khí hóa học, và hệ thống phòng không của Nga ở quốc gia đó đã không thành công bắn trúng, có lẽ là không bắn trúng một cái nào. Tôi tin rằng các chuyến bay tấn công được lên kế hoạch tốt sẽ đảm bảo JASSM đạt được hiệu quả trong hầu hết các nơi ở vùng chiến sự.”

Nhật Tân (theo Reuters)