Mỹ sẽ gửi đạn uranium nghèo gây tranh cãi tới Ukraine
- Anh Nguyễn
- •
Chính quyền Biden sẽ gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine như một phần trong những nỗ lực gần đây nhất nhằm tăng cường sức mạnh cho Ukraine trong cuộc chiến tranh với Nga.
Bộ Quốc phòng Mỹ loan báo vào ngày 6 tháng 9, rằng chính quyền sẽ gửi thiết bị quân sự trị giá 175 triệu USD cho Ukraine. Đây là gói viện trợ thiết bị quân sự thứ 46 kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào tháng Hai năm ngoái. Điều gây tranh cãi là gói viện trợ này bao gồm đạn uranium nghèo 120 mm để sử dụng cho xe tăng Abrams vốn đã được Hoa Kỳ giao cho Ukraine từ trước.
Uranium nghèo là một kim loại cực kỳ đậm đặc được dùng trong mạ xe bọc thép và đạn xuyên giáp. Loại đạn uranium nghèo này có thể giúp lực lượng Ukraine tiêu diệt xe tăng Nga.
Trong cuộc họp ngày 6 tháng 9 với lãnh đạo Ukraine ở Kyiv, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết việc Mỹ rút dần [kho dự trữ vũ khí của mình để chuyển cho Ukraine] nhấn mạnh sự ủng hộ không ngừng đối với Kyiv.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Ukraine có những thứ họ cần không chỉ để thành công trong cuộc phản công này mà còn có những thứ họ cần về lâu dài… để trong tương lai, những hành động gây hấn như thế này sẽ không xảy ra nữa”, ông Blinken nói.
Uranium nghèo: Lợi ích gây tranh cãi cho Ukraine
Uranium nghèo là một loại vật liệu có tính phóng xạ nhẹ, phụ phẩm của quá trình làm giàu uranium dùng trong vũ khí hạt nhân.
Kết cấu đậm đặc của vật liệu này khiến nó trở nên phù hợp cho cả mục đích sử dụng làm áo giáp và và đạn xuyên giáp. Tuy nhiên, một số người tin rằng những vỏ đạn uranium vung vãi trên chiến trường làm lây lan bệnh tật và tử vong liên quan đến nhiễm xạ.
Vì lo ngại đó, nên kim loại này từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi trên phạm vi quốc tế.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã sử dụng uranium nghèo ở Kosovo, sau đó Hoa Kỳ áp dụng công nghệ này trên quy mô lớn trong Chiến tranh Iraq, cuốn chiến đã bị công chúng giám sát chặt chẽ.
Kể từ năm 2007, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã yêu cầu thực hiện một số đánh giá về tác động xấu đến sức khỏe của uranium nghèo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ thực chất nào giữa loại đạn dược uranium nghèo này và tình trạng ngộ độc nghiêm trọng đối với con người hoặc môi trường.
Trong một hoạt động liên quan, Ủy ban Khoa học Liên Hợp Quốc về Tác động Bức xạ Nguyên tử tiếp tục xem xét các tài liệu khoa học về tác động của việc hít phải hoặc ăn phải uranium nghèo nhưng đã kết luận rằng không có bệnh lý phóng xạ nào “đáng kể về mặt lâm sàng” liên quan đến việc sử dụng các loại đạn dược này.
Vương quốc Anh đã công bố chuyến hàng đạn uranium nghèo của mình tới Ukraine vào tháng Ba. Giống như lô hàng của Hoa Kỳ sẽ cung cấp đạn cho xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất, lô hàng của Vương quốc Anh cũng tương ứng với xe tăng Challenger do Anh cung cấp.
Nga tuyên bố leo thang, viện dẫn “Thảm sát hạt nhân”
Nga đã đáp lại thông báo của Vương quốc Anh hồi tháng Ba bằng cách đe dọa tăng cường chiến sự và cáo buộc Vương quốc Anh đang làm leo thang xung đột hạt nhân bằng cách gửi loại đạn mà Nga cho là có chứa “thành phần hạt nhân”.
Ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, vào thời điểm đó cáo buộc rằng loại đạn mà London gửi tới Kyiv có độ độc hại cao và gây rủi ro xảy ra chiến tranh hạt nhân.
“Khi sử dụng đạn uranium nghèo, bụi phóng xạ sẽ lắng xuống”, Đại sứ quán Nga tại Mỹ dẫn lời ông Antanov nói. “Nó độc hại và không thể khử nhiễm được. Một luồng vũ khí chết người vô tận từ phương Tây đưa nhân loại đến ranh giới nguy hiểm, vượt ra ngoài ranh giới của trận chiến, thảm sát hạt nhân đang cận kề.”
Trái với những tuyên bố của ông Antonov, cả Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ đều khẳng định rằng uranium nghèo không được sử dụng trong vũ khí hạt nhân và loại đạn uranium nghèo này không thể được sử dụng để tạo ra vũ khí nguyên tử.
Hiện chưa rõ Nga sẽ phản ứng thế nào với thông báo của Mỹ về việc họ sẽ gửi đạn uranium nghèo cho Ukraine.
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Mỹ viện trợ cho Ukraine Đạn uranium nghèo uranium nghèo