Mỹ thành lập Ban Chuyên án xử lý việc Trung Quốc vi phạm bản quyền
- Thanh Vân
- •
Hôm thứ Năm (01/11), Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã công bố việc thành lập Ban Chuyên án Chống gián điệp kinh tế của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sessions (Jeff Sessions) hôm thứ Năm (01/11) đã công bố thành lập Ban Chuyên án chống gián điệp kinh tế của ĐCSTQ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ (Ảnh: Getty Images)
Tại buổi họp báo vào buổi chiều thứ Năm (1/11), ông Sessions phát biểu rằng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ ra mắt một chương trình hành động mới, theo đó thành lập Ban Chuyên án nhằm tích cực xử lý tình trạng Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, “Chúng tôi phải sử dụng mọi nguồn lực tư pháp Mỹ để chống lại gián điệp kinh tế Trung Quốc hiệu quả và nhanh chóng”, ông nói.
Vạch trần những thủ đoạn bất chính của ĐCSTQ
Ban chuyên án này do trợ lý Kiểm sát trưởng Bộ Tư pháp Mỹ John Demers lãnh đạo, các thành viên khác bao gồm các quan chức cấp cao của Cục Điều tra Liên bang (FBI), năm vị luật sư liên bang và các quan chức cao cấp khác của Bộ Tư pháp, trong đó có trợ lý Kiểm sát trưởng Hình sự Brian Benczkowski. John Demers cũng là người đứng đầu Bộ phận An ninh Quốc gia (National Security Division) của Bộ Tư pháp Mỹ.
Sessions cho biết, kể từ khi Trump nhậm chức Tổng thống, vào tháng Giêng năm ngoái, Chính phủ Liên bang đã tích cực ứng phó với các hoạt động gián điệp kinh tế có hệ thống được các chính phủ nước ngoài tổ chức tinh vi, đặc biệt là “thủ đoạn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ khét tiếng của ĐCSTQ”.
Ông cho biết, năm ngoái Đại diện Thương mại Mỹ đã tổ chức điều tra, đã xác định trong hơn chục năm qua ĐCSTQ dùng tin tặc, mua chuộc chuyên gia trong nội bộ doanh nghiệp Mỹ để đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, cộng thêm thủ đoạn thương mại bất bình đẳng gây thiệt hại kinh tế lớn cho Mỹ, đe dọa đáng kể đối với tài sản cũng như khả năng cạnh tranh của Mỹ. “Mặc dù mức độ nghiêm trọng của vấn đề phát triển nhanh chóng, nhưng do chúng tôi quan tâm nhiều hơn về mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo hay chủ nghĩa khủng bố ở Nga, khiến ĐCSTQ có thể ẩn trong bóng tối và mối đe dọa này đã trở nên nguy hiểm hơn”, Sessions cho biết.
Đặc biệt, ông chỉ ra rằng các gián điệp ĐCSTQ xâm nhập Mỹ với phạm vi ngày càng rộng rãi hơn, không chỉ trong các cơ quan quốc phòng và tình báo, còn bao gồm các tổ chức học thuật như phòng thí nghiệm và trường đại học: “Chúng ta đã phát giác tuyên truyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong hoạt động thâm nhập giới học thuật của chúng tôi”.
Dùng tất cả các công cụ chính sách để xử lý
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, ông Demers tán dương việc Bộ Thương mại đưa tập đoàn Kim Hoa tỉnh Phúc Kiến (JHICC) vào danh sách chế tài, vì vậy mà công ty này không thể nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất tấm bán dẫn. Demers cho biết, Chính phủ Liên bang sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách để chống lại các hành động bất hợp pháp, bảo vệ các công nhân Mỹ và các công ty Mỹ.
Demers nhấn mạnh, trong vài tháng qua Bộ Tư pháp Mỹ đã tập trung toàn lực xử lý các hành động gián điệp của ĐCSTQ.
Vào ngày 30/10, Mỹ đã khởi tố tổng cộng 10 người thuộc cơ quan tình báo và tin tặc của ĐCSTQ, trong đó có hai nhân viên tình báo của Văn phòng An ninh tỉnh Giang Tô (JSSD). Theo cáo trạng, những người này cùng tấn công vào nhà thầu quốc phòng và hàng không vũ trụ của cả châu Âu và Mỹ để ăn cắp bí mật thương mại, để Trung Quốc phát triển động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt (Turbofan Engine).
Vào đầu tháng Mười, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh tỉnh Giang Tô là Từ Diên Quân (Yanjun Xu) đã bị dẫn độ từ Bỉ tới Mỹ, bị buộc tội che giấu danh tính liên lạc với một nhân viên nhà thầu của Lầu Năm Góc, đánh cắp bí mật thương mại về động cơ phản lực không khí (Jet engine)
Vào cuối tháng Chín đã khởi tố một công dân Trung Quốc tại Mỹ là Kỳ Siêu Quần (Ji Chaoqun), vốn là nhân viên tình báo tại Văn phòng An ninh Quốc gia Giang Tô.
Vào tháng Tám, khởi tố người đàn ông 56 tuổi người Trung Quốc tên Trịnh Hiếu Thanh (Xiaoqing Zheng), bị cáo buộc về tội trộm cắp kỹ thuật Turbo của Công ty General Electric cung cấp cho công ty Trung Quốc.
Sessions: ĐCSTQ nên tuân thủ pháp luật
Sessions nói: “Ngày hôm nay chúng tôi cho ĐCSTQ biết: hãy dừng lại, chúng tôi sẽ không tha thứ, đây là điều không thể chấp nhận. Bây giờ là lúc để ĐCSTQ tham gia vào cộng đồng quốc gia tuân thủ pháp luật, thương mại quốc tế có lợi cho Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ phải chấm dứt thủ đoạn gian lận”.
“Chúng ta phải đẩy mạnh hơn hợp tác thực thi pháp luật, Trung Quốc (dưới sự cai trị của ĐCSTQ) không thể trở thành một thiên đường cho những kẻ phạm luật, cho phép những kẻ phạm tội vào trốn ở Trung Quốc, để tránh bị dẫn độ”.
Demers cho biết, những bản án này sẽ giúp giáo dục công chúng Mỹ và nhắc nhở các công ty Mỹ về những thủ đoạn mà Chính phủ Trung Quốc đã làm, bao gồm mua chuộc nhân viên nội bộ của doanh nghiệp Mỹ, xâm nhập máy tính để ăn cắp công nghệ của Mỹ.
Ngoài đưa ra công lý các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc, Sessions cho biết Ban An ninh Quốc gia do ông chịu trách nhiệm còn hợp tác cùng Ủy ban Đầu tư nước ngoài để bảo vệ công nghệ nhạy cảm của Mỹ; và sử dụng “Luật đăng ký Đại diện nước ngoài” cùng các công cụ dân sự và hình sự liên quan để phát huy tốt nhất tính minh bạch, tránh sự xâm nhập của chính phủ nước ngoài.
Theo Demers, để ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ, Bộ Tư pháp cùng các ban ngành chính phủ và khu vực tư nhân sẽ theo kế hoạch hành động này để cùng nhau chống lại hành vi nguy hiểm của ĐCSTQ.
Sessions thì đặc biệt đề cập cụ thể rằng ĐCSTQ phải tiếp nhận công dân Trung Quốc vi phạm luật nhập cư Mỹ, đang ở Mỹ chờ ngày hồi hương.
Cũng hôm thứ Năm, Bộ Tư pháp Mỹ công bố khởi tố công ty Phúc Kiến Kim Hoa của Trung Quốc, công ty UMC của Đài Loan, và ba người Đài Loan, cáo buộc họ ăn cắp bí mật thương mại của Micron Technology, và lần đầu tiên truy tố về tội hình sự.
Thanh Vân
Xem thêm:
Từ khóa gián điệp Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ gián điệp kinh tế