Mỹ-Trung chỉ đạt một số bước khiêm tốn, vẫn còn nhiều thách thức lớn sau cuộc gặp Biden-Tập
- Gia Huy
- •
Một nhà phân tích cho biết, ông không “đặt nhiều niềm tin” vào việc Bắc Kinh sẽ thực hiện những cam kết mà ông Tập đã đồng ý trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15/11.
Mặc dù Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý thực hiện một số nỗ lực nhằm hâm nóng quan hệ Mỹ-Trung, nhưng các nhà phân tích chính sách đối ngoại cho rằng những bước đi mà hai nhà lãnh đạo này thực hiện còn khiêm tốn và vẫn còn khoảng cách ngoại giao rộng lớn giữa hai cường quốc sau hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tuần trước.
Theo thông tin của Nhà Trắng về cuộc họp hôm 15/11 giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Biden và ông Tập đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự cấp cao giữa hai quốc gia và thực hiện những nỗ lực song phương mới để chống lại việc sản xuất và buôn lậu ma túy quốc tế.
Phó giám đốc Viện Đài Loan Toàn cầu (GTI) John Dotson lưu ý, bất kỳ cuộc gặp nào giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc “đều là dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ trong chính bản thân nó.” Tuy nhiên, phát biểu trong chương trình “Capitol Report” của đài NTD, ông nhận định rằng những kết quả hữu hình đạt được từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung vẫn còn “khá khiêm tốn.”
Ông Dotson bình luận: “Đã có một số cường điệu hóa về những dấu hiệu tiến bộ hạn chế, chẳng hạn như việc khôi phục liên lạc giữa quân đội hai nước, và những nỗ lực được cho là của Trung Quốc trong việc ngăn chặn việc sản xuất fentanyl. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ đây thực sự là những bước đi khá khiêm tốn.”
Ông cảnh báo, ông không “đặt nhiều niềm tin” vào việc phía Trung Quốc sẽ thực sự thực hiện những cam kết mà ông Tập đã đồng ý trong cuộc gặp hôm 15/11.
Giáo sư Miles Yu, giảng viên chính và là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại viện Hudson, cũng mô tả những kết quả đạt được tại cuộc họp hôm 15/11 giữa Tổng thống Biden và ông Tập là “rất hạn chế”. Giáo sư Yu kêu gọi cách tiếp cận chờ xem sao về những khoản mục hành động mà hai nhà lãnh đạo đã thảo luận trong cuộc họp kín.
Phát biểu trong chương trình “Capitol Report”, Tiến sĩ Yu nhận xét rằng những thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm cải thiện việc liên lạc giữa quân đội hai nước, mở rộng các hoạt động chống ma túy song phương, cũng như cam kết không vũ khí hóa trí tuệ nhân tạo đều nghe có vẻ “rất tốt”, nhưng ông có “một số nghi ngờ về khả năng thực thi các thỏa thuận đó.”
Vấn đề Đài Loan vẫn chia rẽ Mỹ và Trung Quốc
Một vấn đề đặc biệt vẫn còn gây chia rẽ Hoa Kỳ và Trung Quốc là chính sách của họ đối với Đài Loan.
Đài Loan, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, đã tự trị như một quốc gia dân chủ độc lập trong nhiều thập kỷ, nhưng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hòa) do ĐCSTQ lãnh đạo cho rằng đảo quốc này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc đại lục. Hoa Kỳ vẫn duy trì một quan điểm mơ hồ về vấn đề Đài Loan. Mặc dù Washington duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền cộng sản Trung Quốc, nhưng vẫn tiếp tục quan hệ không chính thức với Đài Bắc. Ngoài ra, Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan để tự vệ chống lại cuộc xâm lược tiềm ẩn của Bắc Kinh muốn chiếm lấy đảo quốc này bằng vũ lực.
Viện Đài Loan Toàn cầu của ông Dotson có một sứ mệnh được nêu rõ là “tăng cường mối quan hệ giữa Đài Loan và các quốc gia khác, đặc biệt là với Hoa Kỳ.”
Ông Dotson đánh giá cả Hoa Kỳ và Trung Quốc “vẫn khá kiên quyết về quan điểm của mình đối với vấn đề Đài Loan” sau cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và ông Tập.
Theo thông tin của Nhà Trắng, trong cuộc gặp với ông Tập hôm 15/11, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng phía Mỹ hy vọng có một giải pháp hòa bình cho việc tranh chấp xuyên eo biển về chủ quyền của Đài Loan, đồng thời kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong các hoạt động quân sự xung quanh đảo quốc này.
Kể từ năm 2019, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay quân sự xâm nhập Đài Loan gần như hàng ngày và tiến hành các cuộc tập trận quân sự khác xung quanh đảo quốc này, mà ông Dotson nhận định là “một phần trong mô hình hoạt động quân sự cưỡng bức lớn hơn nhằm vào Đài Loan.”
Đề cập đến cuộc gặp hôm 15/11 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ, ông Tập đã nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ phải cam kết không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan và ngừng việc vũ trang cho quân đội của Đài Bắc.
Mối quan hệ kinh tế làm phức tạp chính sách Mỹ-Trung
Mối quan hệ kinh doanh và thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo thêm một lớp phức tạp khác cho mối quan hệ giữa hai cường quốc này.
Ông Dotson cáo buộc, Trung Quốc đang sử dụng mối quan hệ kinh tế của mình với các quốc gia khác như một công cụ để cưỡng ép các quốc gia này nằm trong sự kiểm soát của Bắc Kinh hoặc trừng phạt những hành động mà phía Trung Quốc không thích.
Ông giải thích: “Khi có một số hành động chính trị ở Đài Loan mà CHND Trung Hoa không thích và họ muốn gửi một thông điệp mang tính biểu tượng, đó là lúc họ bất ngờ phát hiện côn trùng trong những lô hàng trái cây và phải ban hành lệnh cấm đối với các loại trái cây này. Vì vậy, trong vài năm qua, chúng ta đã nhìn thấy các lệnh cấm đối với các sản phẩm của Đài Loan, như dứa, cá chày, sáp, táo, và những thứ tương tự. Và những lệnh cấm đó có xu hướng được đưa ra vào những thời điểm không phải ngẫu nhiên, đó là khi Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn gửi một thông điệp. Đúng như vậy, ĐCSTQ sử dụng rất nhiều biện pháp cưỡng ép kinh tế như một công cụ chính sách tích cực.”
Theo ông Dotson, mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng có các phương pháp cưỡng ép tương tự.
Ông dẫn chứng: “Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực lâu dài trong nhiều năm nhằm cố gắng kiểm soát việc cung cấp và mua bán khoáng sản đất hiếm … và cố gắng sử dụng vị trí thống trị của họ trong thị trường đất hiếm như một công cụ giành lợi thế trước Hoa Kỳ, trong các lĩnh vực chính sách khác,hoặc mở các cánh cửa một chút khi họ hài lòng, hoặc quyết định đóng các cánh cửa đó khi họ muốn gửi một thông điệp.”
Giáo sư Yu kêu gọi, Hoa Kỳ nên bớt tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ song phương với Trung Quốc, mà thay thay đó là tăng cường mối quan hệ với các quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Yu lập luận: “Trung Quốc có vấn đề với hầu hết mọi nền dân chủ trên thế giới. Vì vậy, tầm quan trọng tối cao giả tạo của mối quan hệ song phương Mỹ – Trung này thực sự không hữu ích bởi vì những gì chúng ta có thể nhìn thấy ở đây là Trung Quốc chống lại phần còn lại của thế giới, chứ không chỉ là Trung Quốc chống Mỹ.”
Một số nhà phân tích chính sách đối ngoại đã kêu gọi Hoa Kỳ thận trọng trong cách xác định lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tiến sĩ Ted Galen Carpenter, cựu giảng viên chính của Viện CATO theo chủ nghĩa tự do, đã viết trong một bài bình luận năm 2020 rằng mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khuyến khích cả hai quốc gia giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và việc hai quốc gia tách rời hoàn toàn về kinh tế sẽ làm gia tăng căng thẳng quốc tế và làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang tốn kém.
Phát biểu trong chương trình “Capitol Report”, ông Dotson nhận định “không có câu trả lời nào hoàn toàn dễ dàng” về cách Hoa Kỳ nên xử lý mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong tương lai.
Ông kết luận: “Tôi nghĩ sẽ cực kỳ khó khăn để [Hoa Kỳ] cắt đứt hoàn toàn khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ có những bước đi hợp lý có thể được thực hiện để giảm sự phụ thuộc kinh tế của Hoa Kỳ vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực … cũng như giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào CHND Trung Hoa trong hoạt động sản xuất ở một số lĩnh vực.”
Từ khóa Joe Biden Dòng sự kiện Biden-Tập Tập Cận Bình Quan hệ Mỹ - Trung