Quan hệ Mỹ – Trung sẽ thế nào sau cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình?
- Mộc Vệ
- •
Mới đây, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại San Francisco, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề giữa hai nước như nối lại đối thoại quân sự, kiểm soát fentanyl, an ninh eo biển Đài Loan. Liệu quan hệ Mỹ-Trung có ‘biến động’ sau hội đàm này?
Đạt được một số đồng thuận hạn chế
Hôm thứ Tư (15/11), Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc cuộc đàm phán song phương tại San Francisco. Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo sau một năm kể từ khi họ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20) tổ chức tại Bali – Indonesia vào năm ngoái. Lần này, ông Tập Cận Bình đến thăm Mỹ với danh nghĩa tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình kéo dài hai tiếng rưỡi, thấp hơn so với 4 tiếng dự kiến. Theo tuyên bố được Nhà Trắng đưa ra sau cuộc gặp, hai nguyên thủ quốc gia đã bàn về việc quản lý cạnh tranh giữa hai nước, tránh khả năng leo thang thành xung đột hoặc một cuộc chiến tranh lạnh mới; ngoài ra vấn đề thảo luận cũng bao gồm hợp tác trong cuộc chiến chống ma túy và phục hồi trao đổi cấp cao giữa quân đội hai nước, thiết lập đối thoại về trí tuệ nhân tạo (AI), hợp tác về các vấn đề khí hậu, tăng cường các chuyến bay chở khách và tương tác dân sự giữa hai nước…
Đồng thời, ông Biden cũng bày tỏ với ông Tập Cận Bình mối quan ngại của Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Về vấn đề eo biển Đài Loan, ông Biden nhắc lại rằng “chính sách một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi và “Mỹ phản đối bất kỳ bên nào đơn phương thay đổi hiện trạng”.
Chờ quan sát hiệu quả của nhóm công tác Fentanyl Mỹ-Trung
Tại hội thảo hôm thứ Năm về kết quả mà lãnh đạo hai nước đạt được trong cuộc hội đàm do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức, chuyên gia Dennis Wilder tại Đại học Georgetown (Mỹ) đã chỉ ra rằng vấn đề kiểm soát fentanyl là một vấn đề được cả chính quyền ông Biden và Quốc hội Mỹ quan tâm, hiện tại ở Mỹ, mỗi năm có gần 100.000 người chết do lạm dụng fentanyl. Tuy bước đầu Mỹ và Trung Quốc đạt được đồng thuận về vấn đề kiểm soát dược phẩm liên quan, nhưng hiệu quả hoạt động của nhóm hoạt động về vấn đề dược phẩm bất hợp pháp này như thế nào thì phải chờ theo dõi.
Chuyên gia Wilder nói: “Tôi thực sự hy vọng họ thành lập một đội đặc nhiệm (task force) chứ không phải một nhóm công tác (working group). Cấp độ nhóm công tác rất thấp và tùy thuộc vào ai tham gia. Hy vọng có tham gia của các cơ quan có ảnh hưởng thực sự như Bộ Công an, An ninh Quốc gia Trung Quốc, họ có thể điều tra hội Tam Hoàng… Vì vậy, chúng ta cần xem Trung Quốc thực hiện các cam kết như thế nào, nếu chỉ hứa suông thì khó có thể chấp nhận được”.
Tập Cận Bình không nghe được “câu trả lời muốn nghe”
Đối với vấn đề an ninh ở eo biển Đài Loan được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất, sau cuộc gặp thì hãng thông tấn Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc dẫn lại cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo hai nước trong cuộc gặp ở Bali năm ngoái, chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trong cuộc gặp: “Trung Quốc rất coi trọng thái độ tích cực của Mỹ trong cuộc gặp ở Bali vào năm ngoái. Mỹ nên thể hiện thái độ không ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ một cách cụ thể như ngừng vũ trang cho Đài Loan và ủng hộ thống nhất hòa bình của Trung Quốc”.
Về vấn đề này, chuyên gia Wilder phân tích rằng truyền thông chính thống Trung Quốc nhắc lại nội dung cuộc gặp ở Bali thay vì đưa tin mới về cuộc đối thoại ở San Francisco, cho thấy cuộc gặp này ông Tập Cận Bình không nghe được gì bảo đảm muốn nghe từ ông Biden: “Năm nay, khi ông Biden tuyên bố lập trường của Mỹ về Đài Loan, Trung Quốc đã không nhận được câu trả lời mà họ muốn nghe. Họ cảm thấy rằng tuyên bố của Mỹ năm ngoái đưa ra tại Bali tích cực hơn khi Mỹ tuyên bố không ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’…. Ông Biden không thay đổi chính sách ‘Một Trung Quốc’, nhưng ông ấy không nói nhiều như Trung Quốc muốn nghe”.
Kênh liên lạc quân sự Mỹ – Trung vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn
Một diễn biến quan trọng khác trong cuộc gặp Biden – Tập này là việc hai bên đã khởi động lại cơ chế đối thoại giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc. Sau chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái của Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi, các kênh đối thoại quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trước đây đã bị Trung Quốc cắt đứt. Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin rằng sau cuộc gặp này thì lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí, “Trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng: khôi phục liên lạc cấp cao giữa quân đội hai nước, cuộc họp làm việc của Bộ Quốc phòng Trung-Mỹ , cuộc họp Cơ chế tham vấn an ninh quân sự hàng hải Trung-Mỹ, triển khai kết nối điện thoại cấp lãnh đạo chiến trường của quân đội hai nước”.
Về vấn đề này, ông Wilder chỉ ra rằng bề ngoài việc nối lại đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc là một thành tựu lớn, nhưng trên thực tế các kênh đối thoại quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn: “Họ chưa bắt đầu lại đối thoại chiến lược giữa Lầu Năm Góc và Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi thì Mỹ và Trung Quốc có 8 cấp độ kênh tương tác quân sự, nhưng hiện tại họ mới khôi phục được một phần”.
Đồng thời, ông Wilder cũng nghi ngờ mục đích đằng sau việc Trung Quốc sẵn sàng bắt đầu trao đổi với Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo: “Tôi nghĩ Trung Quốc muốn thành lập một nhóm làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vì họ muốn biết tiến bộ của Mỹ hiện nay về trí tuệ nhân tạo và phát triển quân sự. Trung Quốc thực ra đang tiến hành thu thập thông tin tình báo, thay vì thực sự muốn cùng nhau giải quyết các vấn đề mà hai nước gặp phải trong lĩnh vực này”.
Cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình chú trọng quản lý xung đột Mỹ-Trung
Đồng thời, cộng đồng quốc tế cũng đang chú ý đến sự đồng thuận mà hai ông Biden và Tập Cận Bình dường như đã đạt được trong nhiều vấn đề. Ở góc độ vĩ mô, phải chăng điều này có nghĩa là quan hệ Mỹ – Trung đã ngừng gây tổn hại nhau để quay trở lại hợp tác? Về vấn đề này, các học giả Mỹ tham gia hội thảo think tank của CSIS nêu trên phổ biến cho rằng với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Đài Loan sắp diễn ra vào năm 2024, hội nghị thượng đỉnh APEC lần này sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp cuối cùng giữa lãnh đạo hai nước trước cuộc bầu cử, cũng là cơ hội để hạ nhiệt mâu thuẫn giữa hai nước. Vì vậy, mục đích lớn hơn của cuộc gặp này là để quản lý những chia rẽ, hơn là thúc đẩy quá trình xoa dịu quan hệ Mỹ – Trung.
Phó chủ tịch Victor Cha về Nghiên cứu châu Á tại CSIS chỉ ra: “Cuộc gặp này không phải khởi động lại xu thế hợp tác, hiện nay Mỹ và Trung Quốc sẽ không thúc đẩy quan hệ hợp tác. Hai nước vẫn đang cạnh tranh toàn diện, việc thiết lập các kênh liên lạc nhằm đảm bảo cạnh tranh không leo thang thành xung đột”.
Các học giả cũng lưu ý rằng Tổng thống Biden sau cuộc gặp một lần nữa gọi ông Tập Cận Bình là “nhà độc tài”, vấn đề cho thấy không tin nhau. Chuyên gia Wilder chia sẻ: “Chúng ta không tin tưởng Trung Quốc, họ nói rằng họ yêu hòa bình nhưng họ hành động tùy tiện xung quanh Đài Loan. [Tương tự] chúng ta nói rằng chúng ta không tách rời, nhưng chúng ta tiếp tục nhấn mạnh các vấn đề về kiểm soát chuỗi cung ứng và công nghệ. Lòng tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, hai bên hoàn toàn không tin tưởng gì nhau”.
Từ khóa APEC Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Tập Cận Bình thăm Mỹ Tập Cận Bình