Hoa Kỳ và Anh sẵn sàng trừng phạt giới tinh hoa Nga thân cận với Tổng thống Vladimir Putin bằng việc đóng băng tài sản và cấm đi lại nếu Nga xâm lược Ukraine, Washington và London cho biết hôm thứ Hai (31/1).

Embed from Getty Images

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên rằng Mỹ đã xác định được những cá nhân nằm trong hoặc gần các vòng tròn [thân cận] bên trong Điện Kremlin và đóng vai trò trong việc ra quyết định của chính phủ hoặc đồng lõa ở mức tối thiểu trong hành vi gây bất ổn của Điện Kremlin.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với hãng tin Reuters trong điều kiện giấu tên cho biết: “Những thân cận của ông Putin sẽ không thể sử dụng vợ/chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình làm người ủy thác để trốn tránh các lệnh trừng phạt”.

“Các biện pháp trừng phạt sẽ loại bỏ họ khỏi hệ thống tài chính quốc tế và đảm bảo rằng họ và các thành viên trong gia đình sẽ không còn được hưởng đặc quyền gửi tiền của họ ở phương Tây và theo học các trường đại học ưu tú của phương Tây.”

Trong khi đó, Anh Quốc đã thúc giục ông Putin “lùi bước trước bờ vực” sau khi Nga tăng cường quân đội gần Ukraine làm dấy lên lo ngại chiến tranh, đồng thời cảnh báo bất kỳ hành động xâm lược nào sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt đối với các công ty và những người thân cận với Điện Kremlin.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết dự kiến ​​luật sẽ trao cho London quyền hạn mới để nhắm vào các công ty có liên hệ với nhà nước Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã gọi cảnh báo của Anh là “gây nhiễu loạn”, nói rằng nó khiến Anh kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và sẽ gây tổn hại cho các công ty Anh.

“Một cuộc tấn công của một quốc gia nhất định nhằm vào hoạt động kinh doanh của Nga sẽ có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa và các biện pháp này sẽ được xây dựng dựa trên lợi ích của chúng tôi nếu cần thiết”, ông Peskov nói.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, London đã trở thành thiên đường được lựa chọn cho dòng tiền từ Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác. Những người ủng hộ minh bạch từ lâu đã kêu gọi Anh cứng rắn hơn đối với các dòng tài chính bất hợp pháp từ Nga.

Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 180 người và 48 thực thể kể từ khi Nga sáp nhập Crimea, trong đó có 6 người mà nước này nói là thân cận với ông Putin. Các biện pháp trừng phạt cho phép Anh cấm mọi người vào Anh và đóng băng tài sản của họ.

Căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ đã diễn ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Hai.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết “không có bằng chứng” Moscow đang lên kế hoạch hành động quân sự, rằng Nga đã liên tục bác bỏ những cáo buộc như vậy và chưa bao giờ xác nhận khẳng định của phương Tây rằng họ đã điều 100.000 quân đến gần nước láng giềng.

Đại sứ Nebenzia cho rằng các tuyên bố về chiến tranh của Mỹ là “khiêu khích”, trong khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết: “Hành động khiêu khích đến từ Nga, không phải từ chúng tôi hay các thành viên khác của hội đồng này.”

Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên không làm trầm trọng thêm tình hình và cho biết họ không coi quân đội của Nga ở gần biên giới là một mối đe dọa.

Mặc dù Nga, quốc gia đã chiếm Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và ủng hộ các phiến quân thân Nga chống lại lực lượng chính phủ ở miền đông Ukraine, phủ nhận việc lên kế hoạch xâm lược, nhưng họ đang yêu cầu các đảm bảo an ninh sâu rộng, bao gồm cả lời hứa NATO không bao giờ được kết nạp Ukraine.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến ​​sẽ nói chuyện với ông Putin qua điện thoại vào cuối ngày thứ Hai hoặc đầu thứ Ba và sẽ tới Ukraine vào thứ Ba, nơi ông nói rằng ông sẽ thúc giục Moscow “lùi bước từ bờ vực”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov dự kiến ​​sẽ nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vào thứ Ba.

Liên minh châu Âu và nhiều thành viên của NATO cũng đã đe dọa về hậu quả chính trị và kinh tế nặng nề nếu Nga tiến hành bất kỳ cuộc xâm nhập mới nào vào Ukraine.

Một số nước NATO, bao gồm Hoa Kỳ và Anh, đã gửi vũ khí đến Ukraine, mặc dù họ đã loại trừ việc gửi quân đến đó để chiến đấu.

Tiến Minh

Xem thêm: