Nam Phi cáo buộc Úc phân biệt đối xử khi ra lệnh cấm di trú vì Omicron
- Đức Thiện
- •
Ông Marthinus van Schalkwyk, nhà ngoại giao hàng đầu của Nam Phi tại Úc, hôm thứ Hai (6/12) đã nói trên ABC Radio rằng, chính phủ Úc đang phân biệt đối xử với các quốc gia châu Phi khi ra lệnh cấm di trú vì biến chủng mới Omicron của COVID-19.
Úc hiện đã đình chỉ các chuyến bay từ 9 quốc gia miền nam châu Phi, gồm: Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, Seychelles, Malawi, và Mozambique. Động thái này được Úc đưa ra sau khi biến chủng Omicron được phát hiện tại miền nam của lục địa đen.
Tất cả du khách từ 9 quốc gia miền nam châu Phi nêu trên, trừ những công dân Úc và thường trú nhân Úc, đều bị cấm nhập cảnh vào quốc gia Nam Thái Bình Dương. Cũng do biến chủng Omicron, chính phủ Úc đã trì hoãn cho sinh viên quốc tế và người nước ngoài có thị thực lao động nhập cảnh Úc thêm 2 tuần. Những đối tượng này chỉ có thể nhập cảnh vào Úc từ ngày 15/12.
Ông Marthinus van Schalkwyk, cao ủy của Nam Phi tại Úc, khi trao đổi với ABC Radio hôm 6/12 đã thúc giục chính phủ Úc hãy hủy bỏ lệnh cấm di trú với các quốc gia miền nam châu Phi. Ông Schalkwyk lập luận rằng các ca nhiễm biến chủng Omicron đã được ghi nhận ở nhiều khu vực khác trên thế giới, chứ không chỉ giới hạn ở châu Phi. Ông cũng nói rằng Nam Phi đang ghi nhận các ca COVID-19 thấp hơn nhiều so với một số quốc gia khác, chẳng hạn như Anh Quốc.
“Chúng tôi tin [lệnh cấm di trú đó] là phân biệt đối xử bởi vì sự khác biệt duy nhất là những nước nằm trong danh sách cấm này là ở lục địa châu Phi. Không có những khác biệt khác”, ông Schalkwyk nói.
Ông Schalkwyk cũng cho biết Nam Phi đã hành động đúng vai một đối tác quốc tế tốt khi đã thông tin cho thế giới về biến chủng Omicron sớm nhất có thể.
“Quý vị có thể nhớ lại rằng khi Trung Quốc bị cáo buộc không minh bạch, Úc đã đứng đầu chiến dịch cáo buộc này và họ thực sự đã vạch ra tiêu chuẩn vàng về việc minh bạch có nghĩa là thế nào”, ông Schalkwyk nói, trong đó có đề cập đến thời điểm Úc là quốc gia đầu tiên lên tiếng yêu cầu quốc tế thực hiện một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc.
“Nam Phi đã hành động 100% theo tiêu chuẩn vàng đó, và ngay lập tức bị đáp trả bằng lệnh cấm [di trú]. Lệnh cấm này là không công bằng. Không có bằng chứng nào cho thấy lệnh cấm sẽ có hiệu quả [ngăn chặn biến chủng Omicron lây lan]. Tổ chức Y tế thế giới đã xác nhận điều đó”, ông Schalkwyk nhấn mạnh.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng đã lên tiếng chỉ trích các lệnh cấm di trú mà các nước áp đặt lên các quốc gia châu Phi là “phân biệt đối xử, tùy tiện và phản khoa học”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuần trước cũng đã phát đi tuyên bố phản đối việc đóng cửa biên giới với các quốc gia báo cáo xuất hiện các biến chủng mới của COVID-19.
Phát ngôn viên của WHO Margaret Harris nói với Sky News: “Chúng tôi không muốn thấy cấp độ hạn chế đó bởi vì những hạn chế đó thực sự trừng phạt những nước này. Nó làm cho những nước khác cảm thấy không thoải mái về việc làm nhân tố hữu ích cho phần còn lại của thế giới”.
Nhà khoa học trưởng của WHO, bà Soumya Swaminathan khi trao đổi trong diễn đàn Reuters Next conference cũng đã kêu gọi công chúng không nên hoảng loạn vì Omicron.
“Chúng ta có nên lo lắng hay không? Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng nhưng không nên hoảng loạn bởi vì chúng ta đang ở trong tình thế khác so với một năm trước”, bà Soumya Swaminathan nói.
“[Biến chủng] Delta hiện chiếm 99% số ca COVID-19 trên toàn thế giới. Biến chủng mới [Omicron] sẽ phải có tính lây nhiễm mạnh hơn để có thể át được [Delta] và chiếm số đông trong các ca COVID-19 toàn cầu. Điều đó có thể xảy ra nhưng không thể dự đoán”, bà Soumya Swaminathan nói.
Úc cho đến ngày 5/12 đã ghi nhận 17 ca nhiễm Omicron, trong đó 15 ca được phát hiện tại bang New South Wales. Omicron hiện cũng đã lây lan đến gần 50 quốc gia trên toàn cầu.
Đức Thiện (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Nam Phi Úc COVID-19 biến chủng Omicron