Hôm 27/11, Nga đã bắt đầu tiến trình truy tố thủy thủ đoàn của các tàu hải quân Ukraine bị Nga bắt giữ hôm 25/11 tại Biển Đen gần bán đảo Crimea. Truyền hình nhà nước Nga đã chiếu cảnh một số thủy thủ Ukraine thú tội xâm nhập trái phép vào vùng biển của Nga.

Embed from Getty Images

Một tòa án tại Crimea đã phán quyết tạm giam các thủy thủ Ukraine 2 tháng chờ xét xử tội xâm phạm biên giới.

Trước việc Nga truy tố và phát lên truyền hình thủy thủ Ukraine thú tội, Ukraine yêu cầu Moscow phải dừng ngay việc sử dụng “áp lực tâm lý và thể chất” đối với các thủy thủ. Ngoại trưởng Ukraine đã gọi các thủy thủ của họ là “tù binh chiến tranh” và nói với hãng tin AP rằng việc đưa hình ảnh họ lên truyền hình là một tội ác.

Trước đó, vào ngày 26/11, một ngày sau vụ đụng độ tại Eo biển Kerch, Quốc hội Ukraine đã thông qua lệnh của Tổng thống Petro Poroshenko áp đặt tình trạng giới nghiêm 30 ngày lên nhiều khu vực trên toàn quốc. Đây là động thái hiếm thấy của chính phủ Ukraine vì ngay cả khi Nga xâm lược bán đảo Crimea năm 2014 hay gửi quân đội và vũ khí cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine, chính quyền Kiev cũng không ban bố lệnh giới nghiêm.

Phát ngôn viên chính phủ Nga Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng động thái của Ukraine có thể gây ra bùng phát bạo lực tại miền đông Ukraine.

Trao đổi với các phóng viên tại Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho hay: “Việc áp dụng lệnh giới nghiêm có thể dấy lên mối đe dọa leo thang mâu thuẫn trong khu vực xung đột”.

Quân đội Ukraine đang phải đấu tranh với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại miền đông Ukraine từ năm 2014. Cuộc xung đột này đã khiến hơn 10.000 người tử vong, nhưng tình trạng bạo lực đã giảm xuống từ khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn năm 2015. Lệnh giới nghiêm lần này có hiệu lực ở nhiều khu vực trên toàn lãnh thổ Ukraine, trong đó bao gồm cả các vùng lãnh thổ biên giới do lực lượng ly khai kiểm soát.

Theo Epoch Times, truyền hình nhà nước Nga hôm 27/11 đã phát sóng đoạn băng phỏng vấn ba thủy thủ Ukraine, nói rằng cảnh vệ bờ biển Nga đã nhiều lần cảnh báo họ rằng họ đang vi phạm lãnh hải của Nga và thúc giục họ rời đi. Không rõ liệu các thủy thủ này có bị ép cung hay không, nhưng một điều thấy rõ là họ đọc văn bản khi xuất hiện trước máy quay.

Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) đã yêu cầu Nga dừng sử dụng “áp lực tâm lý và thể chất” đối với các thủy thủ – một động thái rõ ràng đề cập tới đoạn phỏng vấn phát trên truyền hình Nga.

Trả lời phỏng vấn AP, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết ông đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ sắp xếp chuyến thăm các thủy thủ Ukraine đang bị Nga bắt giam và đang đợi Moscow phản hồi. Ông Klimkin cũng nói thêm rằng một số thủy thủ đã bị thương nặng trong vụ đụng độ.

Ở đây không phải là vấn đề chính trị, vì chúng ta có thể có tranh cãi về tình trạng pháp lý, nhưng điều này đơn giản là tập trung vào việc bảo vệ họ [các thủy thủ] và giúp họ”, AP dẫn lời ông Klimkin.

Khi được hỏi về việc các thủy thủ Ukraine xuất hiện trên truyền hình Nga, ông Klimkin nói: “việc đưa tù nhân chiến tranh lên truyền hình đã là tội ác rồi”.

Epoch Times cho biết một tòa án tại thủ phủ Simferopol của khu vực Crimea đã ra lệnh giam giữ 12 thủy thủ Ukraine 2 tháng chờ đưa ra xét xử tội xâm phạm biên giới Nga.

Một trong các thủy thủ, ông Yuri Budzylo đã có trao đổi ngắn với truyền thông trong khi đợi quyết định của tòa, nói rằng tàu của ông đã được điều tới Biển Azov với hiểu biết rằng đã có thỏa thuận còn hiệu lực về việc cho phép tàu Ukraine tự do đi qua vùng biển này.

Ukraine nói rằng tàu của họ đang hoạt động phù hợp với luật hàng hải quốc tế, trong khi Nga cáo buộc chính quyền Kiev không xin phép Moscow trước khi cho tàu đi qua. Một hiệp ước năm 2003 mà Nga và Ukraine ký kết công nhận quyền chia sẻ chung vùng biển giữa Eo Kerch và Biển Azov, nhưng sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã tuyên bố toàn bộ chủ quyền của vùng biển này và tìm cách kiểm soát lớn hơn việc tàu thuyền đi lại qua đây.

Ông Klimkin nói rằng việc sử dụng vũ lực chống lại tàu Ukraine là “màn phô diễn sức mạnh” để Nga gia tăng uy tín cho ông Vladimir Putin trong thời điểm mức độ tín nhiệm của Tổng thống Nga đang giảm sút.

Ông ta cần một cuộc xung đột lâu dài với Ukraine”, ông Klimkin nói với AP.

Ông Klimkin cũng tuyên bố rằng việc áp đặt lệnh giới nghiêm là cần thiết để bảo vệ Ukraine khỏi một cuộc xâm lược tiềm năng từ Nga.

Ngược lại, các quan chức Nga và truyền thông nước này cho rằng vụ đụng độ tại Eo Kerch vừa qua và Ukraine lập tức ban bố lệnh giới nghiêm là một nỗ lực của Kiev nhằm gia tăng uy tín cho Tổng thống Poroshenko trước cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào tháng 3/2019.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng: “Lệnh giới nghiêm cho phép chính phủ hiện tại [của Ukraine] phô diễn sức mạnh và cố gắng tăng cường sự ủng hộ của công chúng. Hoặc họ có thể đang tìm cách hủy cuộc bầu cử như là một động thái sau cùng”.

Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức mà Ukraine đang mong muốn gia nhập, hôm 27/11 đã nhấn mạnh họ “ủng hộ hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, lưu ý rằng không có biện minh nào cho việc Nga sử dụng vũ lực chống lại tàu của Ukraine. NATO cũng thúc giục Nga phải nhanh chóng thả tự do cho các thủy thủ và tàu của Ukraine.

Trong khi đó, Nga khẳng định họ đang bảo vệ vùng biển của họ chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lưu ý rằng các tàu của Ukraine trong quá khứ đã xin và nhanh chóng được phép đi qua eo biển này.

Trao đổi với báo giới trong chuyến thăm tới Paris, Pháp, ông Lavrov cáo buộc Ukraine đã cố tình “khiêu khích” và thúc giục phương Tây phải cảnh báo lãnh đạo Kiev đừng “chơi với lửa”.

Sáng 27/11, Tổng thống Putitn cũng trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng ông “quan ngại sâu sắc” về tác động của lệnh giới nghiêm mà Ukraine mới ban bố.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã nói rằng Berlin thúc giúc cả Nga và Ukraine “phải cho thấy khả năng kiềm chế lớn nhất” và đề nghị rằng Đức, Pháp, Nga và Ukraine có thể làm việc cùng nhau để giải quyết mâu thuẫn.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã từ chối đề nghị của người đồng cấp Đức. Ông Lavrov nói rằng ông không thấy “nhu cầu phải có bất kỳ trung gian hòa giải nào”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngay sau vụ va chạm tại Eo Kerch hôm 25/11 đã lên tiếng cho biết “không có biện minh nào” cho việc Nga dùng vũ lực chống lại tàu Ukraine, nhưng sau khi có cuộc trao đổi khá lâu với ông Lavrov tại Paris hôm 27/11, Ngoại trưởng Pháp đã đổ lỗi cuộc xung đột đó cho việc “quân sự hóa ở mức cao” trong khu vực và tránh nhắm thẳng vào Nga.

Mỹ và Liên minh Châu Âu, đang áp đặt các chế tài kinh tế lên các doanh nghiệp, tài phiệt, và ngân hàng của Nga từ sau khi Mosow xâm lược Crimea năm 2014, đều lên tiếng chỉ trích Nga dùng vũ lực với tàu Ukraine.

Xuân Thành

Xem thêm: