Nghệ thuật đàm phán của TT. Trump: Mềm mỏng nhưng không thỏa hiệp
“Đôi khi bạn quay lưng bỏ đi, và đây chỉ là một trong những lần như thế,” ông Trump nói trong buổi họp báo thông báo thỏa thuận với Bắc Hàn đã đổ bể hôm 28/2.
“Nhưng đây là một cái quay lưng đầy hữu nghị”, ông nói thêm.
Hội nghị Hà Nội kết thúc chóng vánh mà không đạt thỏa thuận là điều bất ngờ với nhiều người, nhất là sau màn chào hỏi và tâng bốc nhau trong suốt buổi tối 27 và sáng 28, khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt một-một. Chính Kim Jong Un đã khẳng định trước các nhà báo: “nếu không muốn phi hạt nhân hóa thì tôi đã không ở đây”, còn ông Trump thì tung hô “mối quan hệ rất tốt đẹp với Chủ tịch Kim”, đồng thời hứa hẹn Bắc Hàn có tiềm năng phát triển trở thành một cường quốc kinh tế chỉ cần sự trợ giúp “đúng lúc, đúng chỗ”, và hứa sẽ giúp ông Kim khiến điều đó sớm xảy ra.
Nhưng khi bước vào buổi làm việc thực sự với các vấn đề gai góc động chạm tới lợi ích trực tiếp của hai bên, đàm phán đã kết thúc chóng vánh trước khi cả hai có thể đi ăn trưa. Ông Trump trở về ngay khách sạn, tổ chức họp báo nhanh gọn rồi ra sân bay về Mỹ.
Trump trắng tay, Kim nâng cao vị thế?
Nhiều người nhận định rằng với việc ra về mà không có thỏa thuận, ông Trump đã phí mất 2 ngày thượng đỉnh mà không đạt được gì, trong khi lại tạo ra một sân khấu chính trị quốc tế cho Kim Jong Un để nước này thị uy trước thế giới. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, tất cả các biện pháp chế tài của Mỹ và của quốc tế (do Mỹ vận động) áp đặt lên Bắc Hàn vẫn còn y nguyên, và với nền kinh tế bị thắt cổ, Kim Jong Un mới là người sẽ sớm phải tìm cách ‘cầu cạnh’ Mỹ để giải tỏa kìm kẹp.
Ông Trump có ra về trắng tay hay không? Có lẽ là không. Về mặt kinh tế, ông đem về nhiều hợp đồng trị giá 21 tỷ USD cho người Mỹ. Hội nghị lần này cũng giúp ông hiểu rõ về Kim Jong Un cũng như chính quyền Bình Nhưỡng để có những tính toán phù hợp cho tương lai. Ông đã nhận được cam kết từ miệng Kim Jong Un rằng Bắc Hàn sẽ ngừng hoàn toàn các vụ thử bom hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo tầm xa – mục tiêu chính mà ông đặt ra cho thượng đỉnh lần này.
Trong đêm trước khi lên đường tới Việt Nam hôm 24/2, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter:
“Tôi không vội vàng. Tôi không muốn dồn ép ai cả. Tôi chỉ không muốn có thử [bom, tên lửa]. Chừng nào không có thử bom, tên lửa, chúng ta hài lòng.”
Rõ ràng là khâu tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng trước hội nghị đã khiến ông không đặt kỳ vọng cao vào thượng đỉnh lần này, và mục tiêu ban đầu của ông Trump đã đạt được. Việc Bắc Hàn muốn dỡ bỏ toàn bộ chế tài mà ông Trump đã rất mất công thuyết phục đối với cả Nga, Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc là quá rủi ro. Đặc biệt Bình Nhưỡng có một lịch sử thất hứa với việc sau khi chấp nhận điều kiện để được trợ cấp và dỡ bỏ cấm vận một thời gian lại quay lại phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Trump cần Bắc Hàn thực sự phải tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng. Tuy nhiên phía Kim Jong Un chưa thể đáp ứng điều này ở thời điểm hiện tại.
Việc hai bên không thống nhất được ý kiến và bỏ đi là bình thường. Trong lịch sử Hoa Kỳ cũng có trường hợp các Tổng thống quay lưng khỏi cuộc đàm phán khi yêu cầu của mình không được đồng ý.
Tháng 10/1986, tại đỉnh của cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã quay lưng khỏi một thỏa thuận giảm nhiệt với Mikhail Gorbachev tại Iceland – một việc mà ông cũng bị truyền thông lúc đó chỉ trích thậm tệ. Trong thỏa thuận lúc đó, hai bên đã đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân để xuống thang cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt và căng thẳng. Tuy nhiên, Gorbachev ra thêm điều kiện là ông ta chỉ làm như thế nếu ông Reagan dừng phát triển “Star Wars” – hệ thống phòng thủ tên lửa không gian. Reagan trả lời ông đã hứa với nhân dân Hoa Kỳ sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình đó và quay lưng bỏ đi.
Reagan cũng trở về Mỹ tay trắng. Đó có phải là một thất bại không? Lúc đó rất nhiều người đã nghĩ như vậy. Truyền thông Mỹ gọi ông là “thằng đần”, “bị chơi bởi một Gorbachev khôn ngoan”, và “đã đẩy nước Mỹ vào bờ vực chiến tranh nguy hiểm”. Cuối cùng Liên Xô với những hạn chế của mình, đã không trụ vững được trong cuộc cạnh tranh kinh tế, công nghệ và vũ khí với Hoa Kỳ, đã tự sụp đổ sau đó 5 năm.
Nhưng trong lịch sử cũng có lần vì để vớt vát thể diện mà tổng thống “đặt bút ký bừa” vào một thỏa thuận tồi. Năm 2015, Barack Obama sau nhiều năm đã vận động được Anh, Nga, Pháp, Trung và Đức tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây được xem như “di sản” của Tổng thống Obama, nhưng lại bị ông Trump lên án là “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”. Về cơ bản, thỏa thuận này giải phóng cho chế độ Hồi giáo Iran hàng trăm tỷ USD, nhưng không có cơ chế nào để phạt nước này khi phát hiện họ vi phạm thỏa thuận. Tháng 5/2018, ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Người Iran đốt quốc kỳ Mỹ ngay tại Quốc hội và những tiếng hô “ Lũ người Mỹ chết đi!” lại vang lên.
Việc quay lưng bỏ đi của ông Trump cho thấy sự nhất quán trong phong cách đàm phán của ông Trump. Bất chấp những lời lẽ ngoại giao ngọt nhạt như thế nào, khi không đạt được tiêu chuẩn của mình, ông sẵn sàng ra về trắng tay còn hơn là ký một thỏa thuận tồi.
“Bạn phải luôn luôn sẵn sàng quay lưng, tôi có thể đã ký hiệp ước đó và các vị sẽ nói ‘ồ thật là một thỏa thuận tồi, ông làm một việc thật kém cỏi’”, ông Trump nói trong buổi họp báo tại Việt Nam.
“Tôi không bao giờ sợ quay lưng khỏi một thỏa thuận, tôi sẽ làm như thế với Trung Quốc nếu thỏa thuận với họ không xong.”
Nhưng cuộc gặp với Kim Jong Un không phải là vô nghĩa. Dù không có thỏa thuận nhưng 2 bên ra về với không khí hữu nghị ấm áp, không ai tức giận. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders đã đăng lên mạng xã hội Instagram tấm ảnh Kim Jong Un tươi cười và dường như bắt tay Tổng thống Trump sau cuộc họp mà 2 bên không đi đến được tiếng nói chung.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định cơ hội vẫn còn và cả Mỹ và Bắc Hàn sẽ tiếp tục làm việc để hiểu nhau hơn, và để từ từ gỡ bỏ vấn đề hạt nhân vô cùng phức tạp, nan giải này.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Thượng đỉnh Hà Nội Kim Jong Un Donald Trump