Ngoại trưởng Đức phản đối gửi bom đạn chùm tới Ukraine
- Nhật Tân
- •
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng với tư cách là 1 trong 111 quốc gia thành viên của Công ước Bom đạn chùm (CCM), Đức phản đối việc gửi bom đạn chùm (bom bi) vào chiến trường Ukraine, theo Reuters đưa tin. Sự việc diễn ra khi bà Baerbock trả lời phóng viên trong một sự kiện ở Vienna (Áo) hôm 7/7, một ngày sau khi quan chức Mỹ tiết lộ rằng Lầu Năm Góc dự kiến đưa vào chiến trường Ukraine loại vũ khí cùng nguyên lý như bom bi mà Mỹ từng dùng cho chiến tranh Việt Nam.
“Tôi đã theo dõi các báo cáo của giới truyền thông. Đối với chúng tôi, với tư cách là một quốc gia thành viên, thỏa thuận Oslo được áp dụng,” bà Baerbock đã trả lời phóng viên hôm Thứ Sáu.
Đó là nói về thỏa thuận ký kết tại Oslo, thủ đô Na Uy, vào năm 2008. Theo đó các nước tham gia công ước CCM cam kết không sử dụng, tàng trữ, sản xuất, và chuyển giao bom chùm hay đạn chùm. Trong 111 thành viên hiện nay của công ước, không có Mỹ, Nga, và Ukraine.
- Mỹ có thể sẽ gửi bom đạn chùm (bom bi) vào chiến trường Ukraine — Quan chức Mỹ cho biết khả năng bom đạn chùm sẽ có trong gói viện trợ sắp tới; bài viết cũng nói về bom đạn chùm là gì và tại sao nó bị cấm rộng rãi.
Bom đạn chùm là nói về chủng loại vũ khí có thể dưới dạng thức bom (như Mỹ đã triển khai ở chiến tranh Việt Nam), hoặc tên lửa hay đạn pháo; trong đó bom mẹ chứa các bom con (bom bi). Loại vũ khí này có thể gây hại cho dân thường thậm chí hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Loại mà Lầu Năm Góc dự kiến sẽ gửi vào chiến trường Ukraine, theo CNN báo cáo, là loại DPICM hiện trong tồn kho của Mỹ, dù nó đã ngừng sản xuất từ năm 2016. Nó được bắn từ pháo 155 mm, và mỗi bom mẹ chứa 88 bom con, mỗi cái có sức công phá trong phạm vi 10 mét vuông. Bom mẹ khi được mở tung ở độ cao đủ lớn, sẽ vung ra các bom con che phủ phạm vi 30.000 mét vuông.
Các quả bom con trong DPICM có bề mặt cấu tạo đặc biệt, khi tấn công xe tăng hoặc xe bọc thép, có thể “tạo ra một tia kim loại xuyên thủng lớp giáp kim loại.” Có thể cần ít nhất 10 quả bom con mới có thể phá hủy 1 xe thiết giáp, tuy nhiên có khả năng chỉ cần 1 quả để vô hiệu hóa xe thiết giáp.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW kêu gọi các bên tham chiến ngừng sử dụng bom chùm, và kêu gọi Hoa Kỳ không cung cấp chúng, và cho hay cả 2 phe tham chiến đều đã từng dùng vũ khí này khiến thường dân Ukraine thiệt mạng.
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine