Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Á: Chiến trường mới của Mỹ với Trung Quốc và Nga
- Trương Đình
- •
Tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào thứ Ba (28/2), Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gặp những người đồng cấp của 5 nước Trung Á. Có nhận định chuyến thăm cho thấy chủ ý của chính quyền Tổng thống Biden tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nhằm ứng phó ảnh hưởng lâu nay của Trung Quốc và Nga tại đây.
Năm nước Trung Á bao gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan, những nước này cộng với Mỹ được gọi là C5+1. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga liên kết với nhau trong cuộc đối đầu với Mỹ, nhưng họ vẫn luôn cạnh tranh ở Trung Á để mở rộng ảnh hưởng riêng của mỗi nước. Tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đều đã đến thăm khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Blinken là quan chức nội các Biden đầu tiên đến thăm Trung Á.
Chiến trường mới giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga
Cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ Blinken với những người đồng cấp của 5 nước Trung Á trùng với dịp kỷ niệm một năm Nga xâm lược Ukraine. Cho dù theo truyền thống thì các nước này được coi là vùng ảnh hưởng của Nga, nhưng không nước nào ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, chỉ có Belarus là hưởng ứng toàn diện cho Nga.
Thành viên cao cấp Niva Yau tại Học viện OSCE, một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Kyrgyzstan, từng nói: “Cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine đã khiến Trung Á thực sự lo lắng”. Ông cho biết các nước Trung Á đang tìm kiếm đối tác mới ở thế giới Ả Rập và Nam Á vì họ không muốn quá phụ thuộc vào Bắc Kinh hay Moscow trong bối cảnh căng thẳng ở Ukraine và Đài Loan. Chiều ngược lại, cả Trung Quốc và Nga đều không muốn các nước Trung Á liên kết chặt chẽ hơn với các đối tác mới.
Vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái, Nga đã gửi hơn 2000 binh sĩ để giúp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan dập tắt bạo lực chống chính phủ. Chỉ sau đó 6 tuần, Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, nhưng Kazakhstan đã không vì ‘ân huệ’ trước mà ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) có nhận định, Washington coi đây là dấu hiệu cho thấy gió đang đổi chiều và là cơ hội để tăng cường can dự vào khu vực, vì nhiều thập kỷ qua vùng Trung Á dường như vẫn ưu tiên hơn cho quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga.
Tuy ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đang không ngừng được tăng lên trong khu vực, nhưng một số quan chức ở các nước cộng hòa chủ yếu là người Hồi giáo này do dự trong việc hoàn toàn ủng hộ Bắc Kinh, do cách đối xử của ĐCSTQ đối với cộng đồng người đạo Hồi ở Tân Cương.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden muốn dùng chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken để tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước Trung Á này. Vào thứ Ba (28/2), ông Blinken đã gặp Tổng thống Tokayev của Kazakhstan – người đã có chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 11 và là người đã công khai phản đối các yêu sách lãnh thổ ở Ukraine của ông Tổng thống Nga Putin.
“Chúng ta đã xây dựng quan hệ đối tác lâu dài rất tốt và đáng tin cậy trong nhiều lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược, như an ninh, năng lượng, thương mại và đầu tư”, ông Tokayev nói với ông Blinken.
Ông Blinken phát biểu tại một loạt cuộc gặp với các ngoại trưởng vùng Trung Á rằng không một nước nào, đặc biệt là những nước có truyền thống nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga, có thể phớt lờ hành động xâm lược của Nga – vấn đề không chỉ ở lãnh thổ mà còn là nguy cơ đe dọa phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và phá hoại nền kinh tế toàn cầu. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập”. Ông chỉ rằng trong giai đoạn đặc biệt này của cuộc chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, các đề cập đến chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ “gây được tiếng vang hơn”.
Nga và Kazakhstan chia sẻ đường biên giới đất liền liên tục dài nhất thế giới. Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã khiến một số người Kazakhstan lo lắng về an ninh của đất nước họ. Kazakhstan là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với dân số gốc Nga lớn thứ hai sau Ukraine. Ukraine cũng là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Ngoại trưởng Mukhtar Tileuberdi của Kazakhstan nói trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Blinken rằng Kazakhstan vẫn duy trì chính sách đối ngoại “đa lĩnh vực” để cân bằng quan hệ với Nga và với các nước khác.
Đối với ĐCSTQ, khu vực Trung Á là một nút quan trọng trong dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai và Con đường”, còn Nga cũng đang cố gắng duy trì vai trò là đối tác kinh tế và chiến lược chính của khu vực này. Tháng 9 năm ngoái, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan, cả Trung Quốc và Nga đều hy vọng sẽ tăng cường ảnh hưởng trong khu vực thông qua hội nghị thượng đỉnh này.
Ứng phó ĐCSTQ trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine
Trong bối cảnh các nước Trung Á bày tỏ bất an về hành vi gây chiến xâm lược của Nga, ông Blinken một lần nữa đề cập trong một cuộc họp báo ở Kazakhstan rằng Mỹ lo lắng ĐCSTQ đang cân nhắc cung cấp cho Nga viện trợ nguy hiểm như về vũ khí.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng vì những lo ngại này của Mỹ lần đầu tiên được nêu ra và chia sẻ với nhiều nước, trong 10 ngày qua ông đã nghe rất rõ ràng từ các nước mà ông tiếp xúc rằng vấn đề này sẽ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác.
“Về chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine, ĐCSTQ không thể có cả hai cách: Một mặt đề xuất kiến nghị hòa bình, nhưng mặt khác lại viện trợ cho Nga trong cuộc chiến xâm lược”, ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng công khai ngả bài với ĐCSTQ: “Chúng tôi đã cảnh báo Trung Quốc rất rõ ràng về tác động và hậu quả của việc cung cấp hỗ trợ như vậy. Ví dụ: chúng tôi sẽ không ngần ngại trừng phạt các công ty hoặc cá nhân Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt của chúng tôi hoặc ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga”.
Ông Blinken cũng cho biết ông đã trực tiếp đề cập đến vấn đề này khi gặp nhà ngoại giao hàng đầu của ĐCSTQ Vương Nghị trong Hội nghị An ninh Munich, ông hy vọng Trung Quốc sẽ nghiêm túc xem xét cảnh báo của Mỹ, nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Kêu gọi hưởng ứng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga
Từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine, phía Kazakhstan đã thề thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, đồng thời cam kết tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Âu mà không qua tuyến đường của Nga. Nhưng một số nước Trung Á dù không ủng hộ chiến tranh vẫn cho phép hàng hóa nằm trong phạm vi lệnh trừng phạt chuyển được đến Moscow.
“Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt và chúng tôi đang thảo luận với một số nước về tác động kinh tế, bao gồm cả các đối tác C5 của chúng tôi”, Ngoại trưởng Blinken cho biết tại họp báo sau cuộc gặp tại Kazakhstan với những người đồng cấp ở 5 nước Trung Á.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Washington đang cấp giấy phép để các công ty có thời gian từng bước ngừng quan hệ với các công ty Nga – những công ty nằm trong phạm vi trừng phạt của phương Tây để gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến tranh.
Ông Blinken đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 25 triệu USD để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khu vực, bao gồm tuyến thương mại mới và giúp các doanh nghiệp tìm thị trường xuất khẩu mới. Trước đó chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết hỗ trợ 25 triệu USD cho khu vực.
Cơ quan chức năng Mỹ nói rằng Chính phủ Mỹ đã tăng cường thêm được vị thế trong khu vực, nỗ lực thể hiện lợi ích của việc hợp tác với Mỹ cho các nước bị ảnh hưởng kinh tế bởi cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga.
Sau chuyến thăm Kazakhstan, vào thứ Tư Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ tới Uzbekistan, sau đó tới Ấn Độ để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20.
Từ khóa Trung Á Tajikistan Turkmenistan Kyrgyzstan Uzbekistan Kazakhstan Antony Blinken Quan hệ Trung Quốc - Trung Á