Mỹ có kênh liên lạc trực tiếp với Bắc Hàn, đang tìm cách đối thoại
- Yên Sơn
- •
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson đang có chuyến công du tới Trung Quốc và tiếp kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm đồng minh lớn nhất của Bắc Hàn, ông Tillerson tiết lộ rằng Washington đã có kênh “liên hệ trực tiếp” với Bình Nhưỡng và để ngỏ khả năng đàm phán trong thời gian tới.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp ngoại trưởng Rex Tillerson tại Đại Lễ Đường Nhân Dân hôm 30/9.
BBC dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington đang “cân nhắc” khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng, “vậy hãy chờ xem”. “Chúng tôi có đường dây liên lạc với Bình Nhưỡng. Chúng ta chưa rơi vào tình huống đen tối”.
Cựu giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí ExxonMobil tiết lộ về các kênh liên lạc này sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác tại Bắc Kinh.
Trong vài tháng gần đây, Bắc Hàn và Hoa Kỳ tham dự vào các cuộc khẩu chiến căng thẳng chưa hồi kết. Trước đó chưa có thông tin nào nói về việc 2 nước có kênh liên lạc 2 chiều.
Sau cuộc gặp giữa ông Tillerson và Chủ tịch Tập Cận Bình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận rằng họ đã có một số kênh liên lạc được mở ra với Bình Nhưỡng, tuy nhiên chưa đạt được nhiều tiến triển.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert nói trong một phát biểu mới đây: “Mặc dù dám chắc rằng Hoa Kỳ không có ý định thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng hiện tại…nhưng các quan chức Bắc Hàn không có biểu hiện nào cho thấy họ quan tâm đến hoặc sẵn sàng đàm phán về việc giải trì vũ khí hạt nhân”.
Hoa Kỳ muốn Bắc Hàn phải dừng chương trình hạt nhân. Trong khi, chế độ Kim Jong-un vẫn liên tục thử tên lửa đạn đạo, thậm chí họ đã tiến hành thử hạt nhân lần sáu vào hôm 3/9 mà Bình Nhưỡng cho rằng đó là một quả bom nhiệt hạch đã thu nhỏ để có thể gắn vào tên lửa tầm xa.
Ông Tillerson và ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng từng nói rằng vẫn còn cửa cho các cuộc đàm phán với Bắc Hàn. Tuy nhiên, những nỗ lực hướng tới đối thoại dường như tương phản với thái độ của ông Trump với vấn đề này. Chỉ mới tháng trước, Tổng thống Mỹ đã nói rằng: “đàm phán không phải là câu trả lời [cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên]”.
Ông Trump, trong bài diễn văn đầu tiên tại Đại Hồi đồng Liên Hiệp Quốc hôm 19/9, đã đe dọa sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Bắc Hàn nếu nước Mỹ và đồng minh bị tấn công. Tổng thống Mỹ cũng ví lãnh tụ tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un là “Gã tên lửa” và “đang tìm cách tự sát”. Sau đó, đáp lại những ngôn từ mạnh mẽ của ông Trump, Chủ tịch Bắc Hàn thề sẽ “thuần hóa lão già Mỹ rối loạn tâm thần bằng lửa đạn”.
Vào thứ Bảy (30/9), Bắc Hàn lại tiếp tục tăng cấp độ khẩu chiến với Mỹ khi phát đi tuyên bố gọi ông Trump là “lão già lẩm cẩm” đang hướng tới “hành động tự sát bằng việc mời gọi thảm họa hạt nhân, kéo nước Mỹ vào biển lửa”.
Trước khẩu chiến Mỹ – Triều ngày càng căng thẳng, một mặt Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế, không để những “sai lầm chết người” có thể dẫn tới thảm họa, kêu gọi các bên sớm vào bàn đàm phán, mặt khác chế độ Bắc Kinh trong tuần này cũng đã thông báo rằng họ sẽ trục xuất tất cả các doanh nghiệp Bắc Hàn đang hoạt động tại Trung Quốc, tuân thủ lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Bắc Triều Tiên Rex Tillerson