Người dùng TikTok Mỹ đổ xô vào Xiaohongshu, bị kiểm duyệt và khóa tài khoản
- Trí Đạt
- •
Gần đây, một lượng lớn cư dân mạng Mỹ đã đổ xô vào nền tảng mạng xã hội Trung Quốc RedNote (phiên bản quốc tế của Xiaohongshu) vì lệnh cấm TikTok của Mỹ sắp có hiệu lực, thu hút sự chú ý từ thế giới bên ngoài. Nhiều cư dân mạng Mỹ phản ánh họ bị xóa bài đăng và chặn tài khoản vì thảo luận các chủ đề nhạy cảm liên quan đến ĐCSTQ.
Mỹ sẽ cấm hoàn toàn TikTok (phiên bản quốc tế của Douyin) vào ngày 19/1, khiến cho một lượng lớn người dùng Mỹ tự xưng là “người tị nạn TikTok” đã “chạy nạn” sang nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc Đại Lục. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Mỹ không hiểu về chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với mạng xã hội, nên hiện tài khoản của họ bị chặn và bị cấm. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã nhân cơ hội hỏi về công việc, thu nhập từ lương, tiêu dùng, bảo hiểm, nhập cư, v.v., thậm chí còn chạm đến ‘dây thần kinh nhạy cảm’ của ĐCSTQ.
Trên Xiaohongshu, một cư dân mạng có địa chỉ IP ở Giang Tô, Trung Quốc đã hỏi: “Tại sao bạn được nghỉ cuối tuần, bình thường còn không cần làm việc ngoài giờ??”
Một cư dân mạng ở Mỹ tham gia Xiaohongshu cách đây không lâu đã trả lời dựa trên kinh nghiệm của bản thân: “Bạn có thể cân nhắc việc thành lập một công đoàn và nếu cần thiết thì có thể bãi công để kháng nghị”.
Cuộc đối thoại nêu trên giữa cư dân mạng Trung Quốc và cư dân mạng Mỹ ngay lập tức đã thu hút một lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc theo dõi, và để lại bình luận nhắc nhở họ hãy chú ý đến những ngôn luận của mình, nếu muốn sử dụng Xiaohongshu và giữ tài khoản của mình, thì tuyệt đối không được tùy tiện đăng bất kỳ nội dung nhạy cảm nào liên quan đến chính trị, tôn giáo, v.v. Về vấn đề này, một số cư dân mạng ở ngoài Trung Quốc phàn nàn rằng “ở Trung Quốc bãi công, kháng nghị đều là lằn ranh đỏ” và “muốn lại xuất hiện 64 à?” (64 hay Lục Tứ, chỉ sự kiện Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989).
Một số cư dân mạng cũng phàn nàn về điều này. Người Mỹ không những không cần vượt tường lửa khi sử dụng ứng dụng Trung Quốc, mà thậm chí còn có thể quảng bá những “ngôn luận tạo phản” nói trên. Mặc dù lưu lượng truy cập nhiều là một điều tốt, nhưng “nếu người nước ngoài vô tình đắc tội ‘thánh thượng’, toàn bộ nền tảng sẽ bị trực tiếp đình chỉ”. Vì vậy, bây giờ Xiaohongshu đang làm việc ngoài giờ, “đang bận ‘xây tường nội bộ’ để người Mỹ và người Trung Quốc không thể nhìn thấy nhau”.
Vào ngày 17/1, cư dân mạng X “Chiến binh tự do” cũng cho biết: “Tôi nhìn thấy rằng Xiaohongshu toàn là ĐCSTQ và đội ngũ dư luận viên của họ. Họ đang tự viết kịch bản, tự đạo diễn, tự diễn xuất, tự nói, tự trả lời, nhằm thực hiện tuyên truyền nội bộ và chiến tranh nhận thức trong nước.”
ĐCSTQ sợ quyền tự do ngôn luận và một lượng lớn cư dân mạng nước ngoài trên nền tảng Xiaohongshu bị kiểm soát chặt chẽ.
Từ ngày 14/1, nhiều người dùng tại Mỹ phản ánh rằng tài khoản của họ bị khóa và các bài đăng bị kiểm duyệt hoặc gỡ.
Vào ngày 15/1, một người dùng nước ngoài đã đăng trên Xiaohongshu hỏi: “Các trường đại học Trung Quốc thực sự có chương trình dạy chủ nghĩa Mác ư?” Tuy nhiên, sau khi nhấp vào bài đăng, hệ thống hiển thị “nội dung hiện tại không thể hiển thị”. Vào ngày 16/1, một cư dân mạng Mỹ đã vẽ một bức chân dung của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, bên dưới bức chân dung có dòng chữ “Ngân hàng Á Đông”, và nói rằng bản thân đến đây (nền tảng Xiaohongshu) để tị nạn. Tuy nhiên, tài khoản của người dùng này không còn được tìm thấy nữa và nghi là đã bị cấm.
一名美国网友在小红书上表达了对习近平的“敬意”,并表示自己是来此避难的。但是目前其账号已经搜索不到,疑似被封禁。 pic.twitter.com/q1fOIT7LKd
— Jacobson🌎🌸贴贴BOT (@jakobsonradical) January 15, 2025
Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), một người dùng có địa chỉ IP ở Canada đã tải lên nội dung liên quan đến Winnie the Pooh và Sự kiện Lục Tứ. Tài khoản của người này không thể tìm thấy được nữa và nghi là đã bị cấm. Nhiều người dùng khác cũng chỉ ra rằng ngay cả khi đăng ảnh selfie kèm theo một câu tiếng Anh ngắn gọn hoặc trả lời câu hỏi về mức thu nhập trong một ngành nghề nào đó ở Mỹ, cũng có thể bị Xiaohongshu xóa bài hoặc khóa tài khoản với lý do “có từ ngữ không rõ ràng hoặc có khả năng gây trải nghiệm không tốt cho người khác”.
BBC Tiếng Trung đưa tin, khi TikTok đang đối mặt với nguy cơ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ, ngày càng nhiều người dùng Mỹ bắt đầu chuyển sang sử dụng một ứng dụng khác của Trung Quốc – Xiaohongshu, họ tự gọi mình là “người tị nạn TikTok”. Vào ngày 13/1, ứng dụng Xiaohongshu là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên cửa hàng Apple App Store tại Mỹ. Trên Google Play, Xiaohongshu đã đạt tổng số lượt tải xuống hơn 100 triệu lượt. Một số cư dân mạng ở Trung Quốc Đại Lục cho biết đã có hàng chục triệu người dùng nước ngoài đổ vào các nền tảng Xiaohongshu và Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc).
Xiaohongshu tuyển gấp nhân viên kiểm duyệt nội dung tiếng Anh
Theo Reuters, làn sóng ồ ạt đổ vào khiến RedNote không kịp trở tay. Hai nguồn tin quen thuộc với công ty này tiết lộ rằng Xiaohongshu đang nỗ lực tìm cách kiểm duyệt nội dung tiếng Anh và phát triển các công cụ dịch tiếng Anh-Trung.
Xiaohongshu hiện không có chức năng dịch tích hợp. Người dùng nước ngoài chủ yếu dựa vào giao tiếp tiếng Anh hoặc sử dụng phần mềm dịch thuật của bên thứ ba để giao tiếp. Theo báo cáo trên trang tin Kuai Keji của Trung Quốc, nhóm nội bộ của Xiaohongshu đã đưa ra chế độ làm thêm giờ khẩn cấp vào ngày 13/1.
Những hình ảnh được đăng tải trực tuyến cho thấy, Xiaohongshu gần đây thông báo tuyển dụng khẩn cấp nhân viên kiểm duyệt nội dung tiếng Anh, để tăng cường hơn nữa đội ngũ kiểm duyệt nội dung tiếng Anh tại trụ sở ở Vũ Hán.
Nội dung ảnh chụp màn hình cho thấy các điều kiện cần đáp ứng gồm điểm từ 425 trở lên trong kỳ thi CET-6 (CET-6, College English Test Band 6, là một kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho sinh viên đại học ở Trung Quốc Đại Lục) và thực hiện hệ thống làm việc 8 giờ. Mức lương hàng tháng là 7.000 đến 9.000 nhân dân tệ (khoảng 21.000.000 đến 31.000.000 VNĐ), 1 năm nhận 13 tháng lương, bao gồm trợ cấp bữa ăn, trợ cấp đi lại, v.v.
Đáp lại, cư dân mạng Đại Lục cho biết:
“Đúng là tiếng Anh là chìa khóa của thế giới.”
“Hãy nhớ rằng công việc của bạn là do bạn bè ở nước ngoài cho.”
“Kết quả là tất cả người dùng đều bị kiểm duyệt đến nỗi phải rời bỏ nền tảng.”
Ngoài ra, còn có cư dân mạng ở Mỹ đăng tải rằng Xiaohongshu có nhiều “cửa hậu” (backdoor) khác nhau.
Hey @xiaohongshu what does this “backdoor” do in your @tiktok_us replacement app? pic.twitter.com/nywGv1hANq
— KF (@d0tslash) January 14, 2025
Trí Đạt (t/h)
Từ khóa TikTok ĐCSTQ kiểm duyệt Internet Cấm TikTok Xiaohongshu RedNote