Phúc trình của Bộ Nội Vụ Anh trong tháng 10 cho hay những nạn nhân của chế độ “nô lệ  hiện đại” ở Anh xuất phát từ 130 nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm đầu.

boris johnson
Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân tử vong trong thùng xe đông lạnh ở Anh (Ảnh: via rte.ie)

Theo phúc trình này, số lượng người Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách sau Albania về số “nô lệ hiện đại” người nước ngoài đang sống ở Anh. Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách.

Vấn nạn nô lệ thời hiện đại ở Anh, chỉ những nạn nhân thường xuyên bị bóc lột lao động trái phép, chẳng hạn trong trang trại cần sa hoặc các tiệm làm móng, đã có từ lâu, tuy nhiên gần đây lại trở thành tâm điểm của công luận toàn cầu sau khi 39 tử thi được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10. Cảnh sát Anh hôm 1/11 tuyên bố họ tin rằng toàn bộ những nạn nhân này đều là người Việt Nam.

Tại Việt Nam, hàng chục gia đình, chủ yếu là ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã trình báo chính quyền địa phương về việc con em họ mất liên lạc trên đường di chuyển lậu sang Anh. Cảnh sát Anh cho hay họ đã trực tiếp liên lạc với một số gia đình Việt Nam mà đã xác nhận được thân nhân của nạn nhân, nhưng chưa thể công bố cụ thể danh tính của bất kỳ ai.

Phúc trình của Bộ Nội vụ Anh cho biết rằng chính phủ Anh “tiếp tục hợp tác với các nước xuất phát, nơi có con số lớn những người dễ bị tổn thương bị đưa lậu vào Anh”, trong đó có việc triển khai Quỹ chống Nô lệ Hiện đại với giá trị hơn 33 triệu bảng ở ba nước gồm Nigeria, Albania và Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ từ hơn 2 triệu bảng từ Quỹ Bảo vệ Buôn bán Trẻ em trong giai đoạn 2017 đến 2019 và 3 triệu bảng từ chương trình hỗ trợ nạn nhân, ngăn chặn buôn bán người của Bộ Nội vụ Anh trong giai đoạn 2017 đến 2021.

Theo phúc trình trên, hơn 36 nghìn người dễ bị tổn thương ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, “đã được cung cấp các dịch vụ nhằm giúp ngăn chặn họ trở thành các nạn nhân hoặc giúp họ phục hồi sau khi bị bóc lột”.

Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam và Anh đã thông báo hợp tác xử lý vấn đề “nô lệ hiện đại”. Khi đó, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid “đã ký một biên bản ghi nhớ về buôn người, theo đó mở đường cho việc phối hợp hơn nữa về chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nạn nhân và công tác ngăn chặn”.

Theo phía Anh, nhiều nạn nhân “nô lệ thời hiện đại” ở Anh “xuất phát từ Việt Nam”, và chỉ riêng năm 2017, chính quyền Anh nhận dạng 738 nạn nhân là từ Việt Nam.

Ông Javid được trích lời nói rằng “phối hợp với các nước như Việt Nam, nơi xuất phát của nạn nhân buôn người, thực sự mang tính sống còn nhằm ngăn chặn tình trạng nô lệ hiện đại diễn ra và không ngừng truy lùng các thủ phạm”.

Hồi tháng 9, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward lưu ý rằng rất nhiều những nạn nhân của của chế độ nô lệ hiện đại ở Anh đến từ những huyện khó khăn của Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Bình, và thường là những người “tự nguyện ra đi với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình”.

“Những người Việt Nam di cư trái phép sang Anh là họ lựa chọn ra đi với mong ước về một mức thu nhập có thể trả nợ và nuôi sống gia đình”, ông Ward viết trong một bài viết được nhiều báo chí đăng tải lại.

Nhưng họ không lường được rằng, ở mảnh đất bên kia địa cầu, nếu họ chỉ là lao động trái phép, họ chính là những ‘nô lệ thời hiện đại”.

 “Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm ‘nô lệ thời hiện đại’ với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania”.

 Đức Trí

Xem thêm: