Nhà báo Iran nghỉ việc sau vụ Tehran nói dối về nguyên nhân máy bay PS752 rơi
- Trọng Đức
- •
Ít nhất 3 nhà báo làm việc trong đài truyền hình và truyền thanh nhà nước Iran đã nghỉ việc trong bối cảnh làn sóng phản đối chính phủ dâng cao sau khi Tehran buộc phải thừa nhận đã bắn rơi máy bay chở phần lớn người Iran do sai sót.
Trên Instagram, người dẫn chương trình Gelare Jabbari của kênh truyền hình IRIB đã đăng lời xin lỗi khán giả:
“Rất khó để tôi tin rằng người dân của chúng ta đã bị giết. Xin tha thứ cho tôi bởi tôi đã biết điều này quá muộn. Và xin tha thứ vì 13 năm qua tôi đã nói cho các bạn những lời dối trá”.
Dòng trạng thái này hiện đã bị xóa khỏi Instagram.
Zahra Khatami và Saba Rad, hai đồng sự của Jabbari cũng nghỉ việc sau đó ít ngày.
Zahra Khatami viết: “Cảm ơn các bạn vì đã chấp nhận tôi là người dẫn chương trình cho tới hôm nay. Tôi sẽ không bao giờ trở về đài truyền hình. Xin thứ lỗi”.
Rab viết: “Cảm ơn vì các bạn đã ủng hộ trong suốt những năm sự nghiệp của tôi. Sau 21 năm làm việc trong ngành truyền hình và truyền thanh, tôi thông báo rằng tôi không thể tiếp tục làm việc trong lãnh vực truyền thông nữa. Tôi không thể”.
Vụ bê bối truyền thông khiến Cảnh vệ Hồi giáo Iran (IRGC) buộc phải ra thông báo xin lỗi hiếm hoi khiến nhiều người Iran có cái nhìn không thiện cảm về truyền thông trong nước, vốn bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ. Các cuộc biểu tình đang nổi lên sau khi truyền thông nhà nước Iran truyền tải lời nói dối của giới lãnh đạo chính phủ đã bị lực lượng an ninh đàn áp nặng nề, khiến mối quan hệ giữa người Iran, nhà nước và truyền thông thêm rạn nứt. Hiệp hội Nhà báo Iran cho hay nước này đang trải qua “đám tang niềm tin của công chúng”.
Ganbar Naderi, một người bình luận trên kênh Press TV do nhà nước Iran quản lý, nói rằng việc chế độ nói dối về vụ máy bay Ukraine bị rơi khiến 176 người thiệt mạng đã làm xói mòn niềm tin của người dân đối với lãnh đạo và các hãng thông tấn nhà nước.
“Có rất ít niềm tin đối với chính phủ và người dân muốn tự do nhiều hơn. Những lời nói dối về vụ bắn hạ máy bay đã đánh mất niềm tin của công chúng. Lực lượng Cảnh vệ Cách mạng Hồi giáo biết rất rõ điều đó”, Naderi nói.
“Hàng triệu và hàng triệu người đã ra đường sau vụ ám sát Qassem Soleimani”, ông Naderi nói với BBC. “Đó là một thời khắc đoàn kết hiếm hoi và Cảnh vệ Cách mạng Hồi giáo đã phá hỏng nó. Với tư cách là nhà báo bạn cần phải có thể ngủ được mỗi tối. Tôi sẽ không bao giờ để bản thân xa rời sự thật. Đây là một quốc gia tuyệt vời. Nó đã phạm rất nhiều sai lầm không thể chấp nhận được. Nếu Cảnh vệ Cách mạng bắn hạ một máy bay dân sự, tôi không có lựa chọn nào ngoài việc lên án việc đó”.
Trong một tuyên bố công khai, Hiệp hội Nhà báo Iran nói rằng các kênh thông tấn nhà nước đã đánh mất niềm tin của công chúng sau khi truyền tải thông tin sai lệch, lừa dối:
“Chúng ta nói dối lớn nhất khi tự dối chính bản thân mình; và các nhân viên của đài truyền hình nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran thừa nhận rằng uy tín của họ đã bị đánh mất. Chúng ta đều không nhận thức được rằng uy tín của kênh truyền thông này, cũng như phần lớn truyền thông trong nước từ lâu đã chẳng còn gì”.
“Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, trong khi các hãng truyền thông khác lên tiếng phản đối trong tình huống đó, thì đài truyền hình quốc gia của nhà nước Iran ủng hộ nó. Việc này chỉ ra rằng người dân không thể tin các thông tin chính thức và nhà báo cần phải cố gắng lấp đầy khoảng cách đó càng nhiều càng tốt”, tuyên bố của nhóm ghi trên website chính thức.
Rất nhiều tờ báo tại Iran bày tỏ sự tức giận bởi vì họ cảm thấy độc giả của họ đã chuyển sang tìm hiểu các nguồn báo chí quốc tế để tìm ra sự thật về vụ máy bay rơi. Tờ Etemad theo hơi hướng cải cách liên tục yêu cầu IRGC trả lời câu hỏi họ đã biết máy bay bị bắn rơi từ khi nào và có đúng rằng các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ chỉ được thông báo về sự thật hôm thứ Sáu 10/1.
Trên Twitter, Etemad lên án “những dối trá có hệ thống của nhà nước” cũng như việc thiếu hợp tác giữa cơ quan hàng không dân sự và IRGC. Etemad thậm chí còn kêu gọi các quan chức liên quan không chỉ xin lỗi mà phải từ chức.
Người đứng đầu cơ quan hàng không dân sự Ali Abedzadeh hiện đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích nhất. Ông này từng khẳng định trước phóng viên rằng: “Câu chuyện máy bay bị bắn rơi bởi tên lửa là không thể xảy ra, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào… Nó là bất khả thi dưới góc nhìn khoa học”.
Sau khi IRGC buộc phải thừa nhận chính tên lửa của mình đã bắn hạ máy bay, cơ quan này ra một thông cáo xin lỗi vì “sự mâu thuẫn trong việc cung cấp thông tin”.
“Chúng tôi không phải chịu bất kỳ áp lực hoặc chỉ dẫn phải che dấu sự thật và cũng không có ý định che dấu sự thật… Chúng tôi đưa ra thông tin mà chúng tôi tin là đúng và chúng tôi xin lỗi vì sai lầm của mình”.
Tổ chức Phóng viên không Biên giới xếp Iran vào một trong những quốc gia đàn áp nhà báo nhiều nhất thế giới. Tổ chức này nhận định nhà nước soát tin tức trong nước liên tục và đã tống giam hoặc thủ tiêu ít nhất 860 nhà báo kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
“Nhà báo độc lập, nhà báo công dân và truyền thông độc lập liên tục phải chịu đe dọa, bắt bớ tùy tiện, các án tù dài hạn được tuyên phán bởi các phiên tòa không công bằng tại các tòa án cách mạng”, Phóng viên Không biên giới cho hay.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa nhà báo Cộng Hòa Hồi Giáo Iran