Quản lý cũ của Facebook: Lạm dụng dữ liệu của người dùng là chuyện bình thường ở Facebook
Trong cuộc phỏng vấn tờ Guardian hôm 20/3, Sandy Parakilas, cựu quản lý các hoạt động trên nền tảng Facebook, nói rằng việc lạm dụng “khủng khiếp” thông tin người dùng là việc bình thường ở công ty này, và Facebook ưa chuộng sử dụng chính sách “không biết” bên thứ ba làm gì với những dữ liệu mà Facebook trao cho họ một cách dễ dàng.
Tờ báo Anh Guardian nhận xét “hàng trăm triệu người dùng Facebook có thể đã bị thu hoạch thông tin cá nhân bởi các công ty lợi dụng các điều khoản giống như của công ty đã lấy dữ liệu và bán cho Cambridge Analytica”.
Ông Parakilas, người từng quản lý các hoạt động của bên thứ ba trên Facebook nói: “Lo ngại của tôi là toàn bộ những dữ liệu khi đi từ máy chủ Facebook sang các nhà lập trình [bên thứ ba] không thể bị giám sát bởi Facebook, do đó chúng tôi không biết một tý gì về việc các nhà phát triển làm gì với dữ liệu đó”.
“Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh đó… Bởi vì tôi biết họ [Facebook] có thể ngăn chặn điều đó”.
“Một khi dữ liệu được lấy ra khỏi các máy chủ Facebook, không có một chút kiểm soát nào cả, và không ai biết điều gì sẽ xảy ra”, ông nói tiếp. “Facebook sẽ có vị thế pháp lý mạnh hơn nếu nó không biết về việc lạm dụng dữ liệu”.
“Họ cảm thấy không biết gì thì tốt hơn. Tôi cảm thấy cực kỳ sốc và kinh ngạc”, Parakilas tuyên bố, đồng thời cho rằng “phần lớn người dùng facebook” có lẽ đã bị bên thứ ba sử dụng thông tin cá nhân.
Trong phỏng vấn với Guardian, ông Parakilas thậm chí còn nói rằng “các nhà phát triển có mục đích xấu” hiếm khi bị phạt khi lạm dụng dữ liệu người dùng và các nhà phát triển ứng dụng (app) được khuyến kích tạo ra các app trên nền tảng Facebook và Facebook thưởng cho họ bằng thông tin người dùng.
“Trong thời gian tôi ở đó, tôi không thấy họ tiến hành bất kỳ một đợt kiểm toán nào đối với hệ thống các nhà phát triển app”, ông nói. “Facebook đã trao dữ liệu của những người dùng mà người dùng chưa hề cấp quyền cho các app này, và điều này được thực hiện theo các điều khoản dịch vụ và thiết lập mà người ta không đọc hoặc không hiểu”.
“Tôi không cảm thấy Facebook coi quan ngại của tôi là nghiêm trọng. Thành thực, tôi cũng không công bố điều này trong nhiều năm bời vì lo ngại cho lợi ích cá nhân”, ông Parakilas chia sẻ. Ông nói thêm rằng Facebook mới chỉ bắt đầu hành động vào năm 2016, sau khi truyền thông cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
“Họ coi nó như một tập dượt PR. Họ dường như tập trung toàn bộ sức lực vào việc tối thiểu hóa trách nhiệm và tránh ra mặt thay vì giúp đất nước giải quyết vấn đề an ninh quốc gia”, ông kết luận.
Facebook đang “dưới làn đạn chỉ trích” sau khi scandal lộ dữ liệu của 50 triệu người dùng Mỹ bị vỡ lở mấy ngày gần đây. Phản ứng lại, một đại diện của Facebook ra thông báo nói rằng công ty và nhân viên đang vô cùng “giận dữ và bị lừa gạt”, đồng thời chấm dứt hợp tác với Cambridge Analytica, công ty thu thập dữ liệu người dùng trong vụ bê bối này.
Tuy nhiên dường như điều này là chưa đủ đối với các nhà lập pháp Mỹ, Anh cũng như người dùng Facebook trên thế giới. Cổ phiếu của Facebook bốc hơi 60 tỷ USD chỉ sau 2 ngày giao dịch trong tuần này, và người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cùng giám đốc điều hành Sheryl Sandberg vẫn bặt vô âm tín.
Nghị sĩ Mỹ và Anh đã lên tiếng yêu cầu Mark điều trần và các quan an ninh liên bang Mỹ có thể sớm khởi động một vụ điều tra.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Mark Zuckerberg Facebook Thông tin cá nhân