Các Bộ trong chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu ngân sách tổng cộng 784 tỷ USD cho năm tài chính tiếp theo, phần lớn là do yêu cầu của Bộ Quốc phòng về việc tăng chi tiêu lên mức kỷ lục.

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết hôm thứ Hai (5/9), tổng yêu cầu chi tiêu tổng hợp cho ngân sách năm tới lên tới 110 nghìn tỷ yên (784 tỷ USD), gần bằng với yêu cầu cho năm tài chính hiện tại là 111,7 nghìn tỷ yên (795 tỷ USD).

Ngân sách ban đầu cho năm nay cuối cùng đã bị cắt giảm xuống còn 107 nghìn tỷ yên, nhưng vẫn là một số tiền kỷ lục.

Ngân sách có thể tăng cao hơn nữa do một số mặt hàng được yêu cầu mà không xác định số tiền trong các lĩnh vực như quốc phòng và khử cacbon.

Takuya Hoshino, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Áp lực chi tiêu dường như rất mạnh.”

“Chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán thêm trái phiếu trong thời điểm hiện tại, khoản tiền này phải được hoàn trả bằng việc tăng thuế bán hàng trong tương lai.”

Trong một bước đi hiếm hoi, chính phủ Nhật Bản đang xem xét các biện pháp để phản ứng với các động thái tiền tệ khi đồng yên trượt xuống mức thấp nhất trong 24 năm, vượt quá 140 so với đồng đô la, đã làm dấy lên lo ngại của các nhà hoạch định chính sách về chi phí sinh hoạt tăng.

Nếu ngân sách năm sau vượt quá năm nay, thì đây sẽ là năm thứ 11 liên tiếp có ngân sách kỷ lục.

Các yêu cầu sẽ được bộ tài chính xem xét vào tháng 12, khi chính phủ soạn thảo dự thảo ngân sách năm tài chính tới.

Các bộ đã yêu cầu tổng cộng 4,3 nghìn tỷ yên cho các lĩnh vực tăng trưởng theo mục tiêu “chủ nghĩa tư bản mới” của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm mục tiêu chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.

Bộ Quốc phòng đã yêu cầu chi tiêu kỷ lục 5,6 nghìn tỷ yên (~40 tỷ USD), lên kế hoạch phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao như một phần trong quá trình chuẩn bị của nước này nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.

Tiền dành cho an sinh xã hội và trả nợ chiếm hơn một nửa số ngân sách yêu cầu. Nhật Bản có mức nợ lớn nhất thế giới với quy mô hơn gấp đôi quy mô nền kinh tế.

Ngân Hà (theo Reuters)