Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng phản đối các Viện Khổng Tử của Trung Quốc
- Lê Xuân
- •
Phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với các Viện Khổng Tử của Trung Quốc, nơi được cho là cơ sở để giao lưu văn hóa và dạy tiếng Trung ở nước ngoài, đã lan sang Hàn Quốc và Nhật Bản khi các nhà hoạt động và chính trị gia kêu gọi điều tra hoặc đóng cửa các trung tâm học tập do nhà nước cộng sản hậu thuẫn.
Các Viện Khổng Tử trước đó đã bị phản đối dữ dội ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc, với cáo buộc rằng chúng đã được Bắc Kinh sử dụng để tuyên truyền, can thiệp vào quyền tự do ngôn luận tại các trường đại học liên kết, và thậm chí thực hiện hành vi gián điệp.
Hàn Quốc là nơi có tới 22 Viện Khổng Tử, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tại đây, một nhóm các nhà hoạt động cánh hữu đã chống lại các trung tâm học thuật này, gọi đó là “công cụ tẩy não”. Trong khi đó, ở Nhật Bản, chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga đang mở một cuộc điều tra về kinh phí, hoạt động và mức độ ảnh hưởng của chúng, theo tờ SCMP.
Viện Khổng Tử đầu tiên được mở tại quận Gangnam của Seoul vào năm 2004 và sau một thời gian mở rộng nhanh chóng dưới sự bảo trợ của chính phủ Trung Quốc, giờ đây chúng có thể được tìm thấy ở hầu hết 160 quốc gia với hơn 500 học viện trên toàn thế giới.
Được quảng cáo là quan hệ đối tác giáo dục giữa các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc và những trường ở nước ngoài, chúng được giám sát bởi Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ và đã bị chỉ trích rộng rãi vì có liên kết chặt chẽ với ĐCSTQ.
Tại một cuộc mít-tinh bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul vào tuần trước, một nhóm các nhà hoạt động do Han Min-ho, cựu quan chức Bộ Văn hóa đứng đầu, đã vẫy cờ Hàn Quốc – Hoa Kỳ và mang theo các biểu ngữ nêu rõ: “Không có Khổng Tử trong các Viện Khổng Tử.”
“Các Viện Khổng Tử là công cụ tẩy não ngụy trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm mục đích nuôi dưỡng những người ủng hộ và đồng tình với họ ở đất nước này”, ông Han nói với SCMP và nói thêm rằng ông hy vọng sẽ “nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản chất thực sự” của các Viện và “tống cổ chúng ra khỏi đất nước”.
Ông cho biết thật “đáng tiếc” khi các chính trị gia, học giả và nhà giáo dục Hàn Quốc dường như tin rằng các Viện này có thể sánh ngang với các tổ chức văn hóa và ngôn ngữ khác như Alliance Francaise của Pháp, Hội Đồng Anh hoặc Viện Goethe của Đức.
Ông nói: “Các nhà lập pháp phần lớn đã “bịt tai làm ngơ” trước lời thỉnh nguyện từ nhóm của Han để hành động chống lại các Viện, vì tất cả họ đều sợ hãi Trung Quốc và Đảng Cộng sản đang hoành hành trên toàn thế giới”.
Năm ngoái, Chung Kyung-hee của Đảng Nhân dân đối lập của Hàn Quốc đã lên tiếng tại Quốc hội, cáo buộc Viện Khổng Tử xuyên tạc lịch sử và quảng bá các ý tưởng và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bà trích dẫn một bức tranh biếm họa trên trang web của tổ chức (hiện đã bị xóa), theo đó định nghĩa lại cuộc chiến tranh Triều Tiên là “Cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Mỹ và viện trợ Triều Tiên”, phù hợp với tuyên truyền của Đảng Cộng sản là đổ lỗi cho Mỹ đã khơi mào nó.
Bà Chung kêu gọi các nhà chức trách giáo dục mở một cuộc điều tra toàn diện về các hoạt động của Học viện Khổng Tử. Tuy vậy, đến nay, yêu cầu của bà Chung vẫn chưa có được câu trả lời.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Bộ giáo dục nước này đã xác nhận rằng họ sẽ điều tra tất cả 14 Viện Khổng Tử về những cáo buộc chúng đang được sử dụng để quảng bá tuyên truyền và có thể thu thập thông tin tình báo.
“Ngày càng có nhiều lo ngại trong các đồng minh của chúng tôi như Hoa Kỳ và các nước châu Âu – những quốc gia chia sẻ các giá trị chung như tự do, dân chủ và pháp quyền – rằng các thể chế này nên bị bãi bỏ hoặc được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin của họ”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Koichi Haguida cho biết tại Quốc hội vào tháng trước.
Vì các Viện Khổng Tử không cung cấp bằng cấp chính thức, nên chúng chịu sự giám sát rất hạn chế ở Nhật Bản về cách thức chúng được điều hành. Tuy nhiên, chúng hiện vẫn được các trường đại học, bao gồm cả một số trường hàng đầu của đất nước, ưa chuộng bởi chúng có thể thu hút được nhiều sinh viên quốc tế.
Yoichi Shimada, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học tỉnh Fukui, cho biết: “Ở Nhật Bản, mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là những cơ sở này tạo ra thiện cảm với phiên bản lịch sử, chính trị hoặc văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đồng thời, cũng có nhiều lo ngại rằng chúng thúc đẩy hoạt động gián điệp trong các trường đại học và hơn thế nữa, vào các công ty và tổ chức có liên kết với các trường này.”
Giáo sư Shimada chỉ ra trường hợp gần đây của giáo sư Đại học Tennessee Anming Hu, người hiện đang bị xét xử với tội danh che giấu mối quan hệ của mình với một trường đại học Trung Quốc trong khi nhận tài trợ nghiên cứu từ chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Ông nói đó là bằng chứng về việc Bắc Kinh có thể lén lút xâm nhập vào các cơ sở nghiên cứu của trường đại học và các công ty làm việc trên các công nghệ tiên tiến.
Ông Shimada cho biết các Viện Khổng Tử ở Nhật Bản nên “rõ ràng về nguồn vốn của họ” và “hoàn toàn cởi mở” về các khóa học mà họ giảng dạy.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc không có ý định giảng dạy quan điểm cân bằng hoặc tự do về lịch sử tại các viện của họ. Họ muốn nuôi dưỡng các thế hệ những người ủng hộ họ trong tương lai, những người một ngày nào đó sẽ làm việc vì lợi ích của Trung Quốc”, ông nói.
Chính trị gia đối lập Jin Matsubara, cựu Chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia Nhật Bản, cho biết ông ủng hộ cuộc điều tra của chính phủ đối với các Viện Khổng Tử vì “các trường đại học nên là cơ sở của tự do ngôn luận, nhưng chúng ta cũng nên hết sức cẩn thận về việc tuyên truyền kích động tội ác chống lại loài người hoặc bạo lực đàn áp”.
“Tôi tin rằng chúng ta nên công khai tranh luận và đánh bại sự tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói thêm.
Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump năm ngoái đã chỉ định trung tâm điều hành các Viện Khổng Tử ở Mỹ là “phái bộ nước ngoài” của chính phủ Trung Quốc, gọi đây là “một thực thể thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền và gây ảnh hưởng ác ý toàn cầu của Bắc Kinh tại các cơ sở của Hoa Kỳ”.
Tháng trước, các trường đại học của Úc có các Viện Khổng Tử đã được yêu cầu nộp các hợp đồng để chính phủ liên bang xem xét trước ngày 10/6. Trong khi đó, ở châu Âu, các trường đại học ở các nước bao gồm Thụy Điển, Đức và Bỉ đã cắt đứt quan hệ với các Viện Khổng Tử, hoặc đã đóng cửa hoàn toàn, sau khi xuất hiện các cáo buộc về những hành vi sai trái của các viện này.
Lê Xuân (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Học viện Khổng Tử