Nhiều trường đại học Thụy Điển từ chối nhận du học sinh TQ được nhà nước tài trợ
- Trí Đạt
- •
Du học sinh Trung Quốc được chính phủ tài trợ trước khi ra nước ngoài cần phải ký vào thỏa thuận trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thông tin này gây náo động sau khi được truyền thông Thụy Điển phanh phui. Mới đây, Học viện Karolinska tại Thụy điển cho biết sẽ tạm ngừng nhận nghiên cứu sinh Trung Quốc thông qua chương trình học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC).
“Có những điểm không chắc chắn trong đây (thỏa thuận nhà nước cử đi du học mà sinh viên Trung Quốc ký), chẳng hạn như ý tứ của câu ‘đi ngược lại lợi ích quốc gia của Trung Quốc’ có nghĩa là gì? Do đó, chúng tôi tạm thời quyết định không tuyển thêm nghiên cứu sinh (Trung Quốc) thông qua CSC,” ông Bob Harris, giáo sư và phó trưởng khoa nghiên cứu khoa học tại Học viện Karolinska (KI), cho biết.
“Tôi luôn cảm thấy chột dạ, bởi vì những gì chúng tôi nhận được thực sự là tiền mồ hôi nước mắt (của người dân) từ chế độ độc tài,” một trưởng nhóm nghiên cứu tại Karolinska Institutet và là một hướng dẫn nghiên cứu sinh của CSC đã nói như vậy.
“Nghiên cứu sinh CSC” hoặc “sinh viên CSC” mà các trường giáo dục bậc cao của Thụy Điển hay nói, chính là đề cập đến những người được “Hội đồng Quản lý Quỹ du học quốc gia Trung Quốc” (Chinese Scholarship Council, CSC) tài trợ để đến Thụy Điển học tập nghiên cứu chuyên sâu. “Học bổng CSC” còn được gọi là “Học bổng Chính phủ Trung Quốc“, và “sinh viên CSC” cũng là để chỉ chung về du học sinh được nhà nước Trung Quốc cử đi du học.
Học viện Karolinska là một trong những đại học hàng đầu ở Thụy Điển, và một ủy ban chuyên trách của trường y này chịu trách nhiệm xem xét và trao “Giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học”. Thông qua hợp tác với CSC, học viện này đã từng nhận hơn 30 sinh viên Trung Quốc mỗi năm.
Theo Epoch Times, ngoài Học viện Karolinska, 3 trường đại học nổi tiếng của Thụy Điển cũng đã quyết định ngừng tuyển sinh sinh viên CSC, và ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục bậc cao của Thụy Điển xem xét tạm dừng hoặc dừng hoàn toàn tuyển sinh sinh viên CSC.
Thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ của du học sinh Trung Quốc
Hồi tháng Một, truyền thông Thụy Điển Dagens Nyheter đưa tin rằng thông qua chương trình học bổng CSC của Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 30 sinh viên Trung Quốc đã bị buộc phải ký một thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ trước khi đến Thụy Điển du học. Những sinh viên đi du học này không chỉ phải cam kết trung thành với chính quyền Bắc Kinh, mà còn phải “phục vụ chế độ” và “tuyệt đối không tham gia các hoạt động trái với mong muốn của chính quyền”.
Dưới sự cai trị của chính quyền Bắc Kinh, “Hội đồng Quản lý Quỹ du học quốc gia Trung Quốc” (CSC) là cơ quan chịu trách nhiệm trao đổi học thuật quốc tế với các trường đại học trên khắp thế giới.
Nguyên nhân khiến cho vụ việc sinh viên Trung Quốc ký thỏa thuận trung thành với ĐCSTQ bị phanh phui, là do một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Lund, Thụy Điển bị khuyên tạm dừng học vì thành tích học tập không đạt yêu cầu của trường. Sau đó, du học sinh Trung Quốc này bắt đầu tỏ ra lo lắng và cho rằng quyết định của Đại học Lund có thể khiến gia đình anh ở Trung Quốc gặp rắc rối.
Trả lời phỏng vấn của truyền thông Thụy Điển, ông David Gisselsson Nord, phó chủ nhiệm Các vấn đề quốc tế tại Khoa Y tại Đại học Lund, cho biết: “Chúng tôi khá kinh ngạc, vì chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về một thỏa thuận như vậy”.
Ông Nord (David Gisselsson Nord) cho rằng: “Đây chính xác là phương thức hoạt động của chế độ độc tài (Bắc Kinh). Gia đình (du học sinh Trung Quốc) trở thành con tin tại tổ quốc của mình. Đây là một (tình trạng nhân quyền) rất tồi tệ.”
Thông qua việc này, Đại học Lund đã thu được các tài liệu liên quan nêu trên từ các sinh viên Trung Quốc khác đang theo học tại trường, kết quả xác nhận rằng những sinh viên Trung Quốc này đã ký thỏa thuận tương tự.
Theo các tài liệu liên quan mà truyền thông Thụy Điển có được, nếu những du học sinh Trung Quốc này vi phạm thỏa thuận đã ký hoặc gián đoạn việc học, người nhà trong nước của họ có thể rơi vào cảnh “nợ nhà nước”. Họ không chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới mà còn bị buộc phải ký các thỏa thuận liên quan. Là người thân, họ thường là người bảo lãnh cho du học sinh trong thời gian du học và họ không được phép rời khỏi Trung Quốc trong thời gian này.
Sau đó, các trường đại học khác ở Thụy Điển như Học Viện Karolinska (Karolinska Institute) ở Stockholm, Đại học Uppsala (Uppsala University) và Viện Công nghệ Hoàng gia (Royal Institute of Technology) cũng tiến hành kiểm tra các giấy tờ liên quan của các sinh viên Trung Quốc.
Từ khóa Thụy Điển sinh viên Trung Quốc du học sinh Trung Quốc Đại học Thụy Điển