Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo kế hoạch hòa bình Trung Đông, kỳ vọng giải quyết tranh chấp hàng nhiều thập kỷ giữa người Israel và Palestine. 

Embed from Getty Images

Kế hoạch của chính quyền Trump được cho là ủng hộ hầu hết lập trường của Israel. Người Palestine bác bỏ kế hoạch này và cộng đồng quốc tế cũng chia rẽ về đề xuất của Mỹ.

Dưới đây là một số điểm chính trong kế hoạch hòa bình Trung Đông dày 50 trang mà chính quyền Trump công bố.

Biên giới

Kế hoạch hòa bình nói rằng Israel sẽ phải thực hiện “những nhượng bộ lãnh thổ đáng kể” và rằng nhà nước Palestine nên có lãnh thổ “tương đương với diện tích của lãnh thổ Bờ Tây và Gaza trước năm 1967”, thời điểm Israel chiếm giữ các lãnh thổ này cùng với Đông Jerusalem sau chiến thắng trong một cuộc chiến tranh với các nước Ả Rập trong khu vực.

Kế hoạch cho phép hai bên đồng thuận hoán đổi đất. Nhưng “bản đồ khái quát” được công bố cùng với kế hoạch hòa bình này cho thấy lãnh thổ của nhà nước Palestine rời rạc, với nhiều khu vực chồng lấn với Israel. Những khu vực chồng lấn này, kế hoạch hòa bình gọi là “giải pháp giao thông thực dụng”, bao gồm các cây cầu, hầm ngầm và đường bộ.

Thung lũng Jordan, chiếm 1/4 diện tích Bờ Tây, “sẽ thuộc chủ quyền của Israel”.

Jerusalem

Theo kế hoạch hòa bình, hầu hết Đông Jerusalem trong đó có Thành phố cổ Jerusalem và các khu thánh địa sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Israel. Nhà nước Palestine được phép thành lập thủ đô ở ngoại ô Jerusalem, nằm ngoài hàng rào ngăn cách với Israel.

Kế hoạch hòa bình cho biết các thánh địa của Jerusalem, những nơi linh thiêng với cả người Do Thái, Cơ Đốc và Hồi giáo, nên để mở cho các tín đồ. Những quy định đang quản lý thánh đại nổi tiếng mà người Hồi giáo gọi là Đền Al-Aqsa và người Do Thái gọi là Núi Đền vẫn được giữ nguyên.

Khu định cư

Kế hoạch hòa bình đề xuất cho phép Israel ngay lập tức sáp nhập hầu hết tất cả các khu định cư mà họ đang kiểm soát tại Bờ Tây vào nhà nước Israel.

Theo kế hoạch hòa bình, Israel sẽ đóng băng việc xây dựng khu định cư ở các khu vực dành cho nhà nước Palestine tương lai trong thời gian đàm phán, nhưng những khu vực đó phần lớn nằm ngoài giới hạn cho hoạt động định cư.

Không một khu định cư nào sẽ phải sơ tán,” Thủ tướng Israel Netanyahu nói với báo giới. “Itamar là bình đẳng với Tel Aviv,” ông Netanyahu nói về một khu định cư của người Do Thái ở trung tâm Bờ Tây có tên Itamar.

An ninh

Theo kế hoạch hòa bình, Israel “sẽ duy trì chịu trách nhiệm an ninh” đối với nhà nước Palestine. Nhà nước Palestine sẽ là nơi “phi quân sự hoàn toàn”. Người Palestine sẽ có lực lượng an ninh nội bộ của chính họ, nhưng Israel sẽ kiểm soát biên giới và giám sát các điểm giao cắt.

Một “Ủy ban Giám sát Biên giới” sẽ được thành lập với thành phần gồm 3 người Palestine, 3 người Israel và một đại diện của Mỹ. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm giám sát các điểm giao cắt biên giới và giải quyết các tranh chấp.

Israel sẽ chỉ thực thi các nghĩa vụ của họ theo kế hoạch hòa bình này nếu Dải Gaza – hiện do phong trào Hồi giáo Hamas chiếm đóng – được chuyển giao lại hoàn toàn cho Nhà cầm quyền Palestine quản lý hoặc chuyển giao cho một thực thể khác mà Israel chấp nhận. Hamas và tất cả các nhóm vũ trang khác tại Gaza phải giải thể và lãnh thổ này phải được phi quân sự hóa hoàn toàn.

Người tị nạn

Hàng trăm nghìn người Palestine vào năm 1948 đã trốn chạy hoặc bị buộc phải rời khỏi lãnh thổ của nhà nước Israel được thành lập vào năm đó. Những người tị nạn này và con cháu của họ bây giờ có số lượng khoảng 5 triệu người và sống rải rác khắp khu vực Trung Đông.

Người Palestine cho rằng họ có “quyền trở về” nơi định cư cũ, nhưng Israel luôn luôn phản đối. Israel cho rằng nếu người Palestine quay lại sẽ làm phá vỡ lối sống của người Do Thái tại Israel.

Kế hoạch hòa bình do chính quyền Trump đề xuất cho biết “bất kỳ người tị nạn Palestine nào đều không nên có quyền trở về hoặc hấp thụ vào nhà nước Israel”. Kế hoạch này đề xuất người tị nạn có thể sống trong nhà nước Palestine, trở thành công dân của những nước nơi họ đang sống hoặc được các nước khác tiếp nhận. Kế hoạch cũng dự kiến Mỹ sẽ cố gắng cung cấp “một số khoản tiền bồi thường” cho người tị nạn Palestine.

Xuân Thành