Ông Trump: Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu không đạt được thỏa thuận giảm thuế
- Trương Đình
- •
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (ngày 16/5) nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn hơn Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Ông nói rằng nếu hai nước không đạt được thỏa thuận giảm thuế quan, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer đã tổ chức đàm phán với Phó Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Hà Lập Phong tại Geneva và đã đạt được một thỏa thuận về thuế quan. Hai bên đồng ý cùng nhau giảm thuế quan trong vòng 90 ngày, với mức giảm là 115%. Trung Quốc hạ thuế đối với hàng Mỹ xuống còn 10%, còn Mỹ hạ thuế đối với hàng Trung Quốc xuống còn 30% (trong đó bao gồm 20% thuế liên quan đến vấn đề fentanyl). ĐCSTQ cũng đồng ý hủy bỏ các biện pháp trả đũa phi thuế quan mà họ đã áp dụng đối với Mỹ kể từ đầu tháng trước.
Trong buổi phỏng vấn với chương trình “Báo cáo Đặc biệt” (Special Report) của Fox News vào thứ Sáu (16/5), ông Trump đã nói về thỏa thuận song phương giảm thuế giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Nếu tôi không đạt được thỏa thuận đó với Trung Quốc, tôi nghĩ nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ. Chúng tôi thì không.”
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump nói rằng cuộc chiến thương mại sẽ khiến kinh tế Trung Quốc sụp đổ. Trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung tại Geneva, ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn với NBC rằng tại một thời điểm nào đó, ông sẽ giảm thuế đối với Trung Quốc, bởi nếu thuế cao như vậy thì thương mại giữa hai bên sẽ không bao giờ diễn ra.
“Họ rất muốn làm ăn. Nền kinh tế của họ thật sự rất tệ. Nền kinh tế của họ đang sụp đổ”, ông Trump nói.
Đại diện Thương mại Mỹ Greer trong cuộc phỏng vấn với kênh MSNBC ngày 16/5 cho biết, quan hệ thương mại Mỹ – Trung đang rất mất cân bằng.
Ông Greer đã chỉ ra những vấn đề cấu trúc lớn hơn trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và chính quyền Trump đang tích cực cố gắng khắc phục những vấn đề đó, bao gồm: tình trạng dư thừa công suất sản xuất của Trung Quốc, vấn đề trợ cấp chính phủ quy mô lớn của ĐCSTQ cho các doanh nghiệp trong nước, hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và các biện pháp về lao động của Trung Quốc.
Trước khi cuộc chiến thuế quan tạm thời đình chiến, mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 145%, trong khi ĐCSTQ áp thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ. Mức thuế cao như vậy thực chất tương đương với việc áp đặt lệnh cấm vận thương mại giữa hai nước.
Không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, bao gồm cả những người ủng hộ ông Trump, đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc chịu thiệt hại lớn hơn, bởi vì kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ gấp 5 lần so với chiều ngược lại.
Trước khi chiến tranh thuế quan tạm ngưng, nhiều nhà phân tích đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2025. Ngân hàng đầu tư Nomura cảnh báo rằng cuộc chiến thuế quan có thể khiến Trung Quốc mất tới 16 triệu việc làm.
Theo hãng tin Reuters, một trong những lý do chính khiến ĐCSTQ phải cử ông Hà Lập Phong tham dự đàm phán thương mại tại Geneva là do các vấn đề kinh tế trong nước. Ba nguồn tin hiểu rõ suy nghĩ nội bộ của chính quyền ĐCSTQ cho biết, các tín hiệu nội bộ cho thấy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang vật lộn để tránh phá sản, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan cũng rất khó tìm được thị trường thay thế cho Mỹ. Ngoài ra, khi các quốc gia khác bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ, các quan chức ĐCSTQ trong nội bộ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan đối với nền kinh tế cũng như nguy cơ bị cô lập.
Trong buổi phỏng vấn với Fox News hôm thứ Sáu, ngoài việc nói về thương mại với Trung Quốc, ông Trump còn đề cập đến các cuộc đàm phán thương mại với các quốc gia khác. Ông nói rằng Ấn Độ là một trong những quốc gia áp thuế cao nhất thế giới, điều này khiến việc làm ăn giữa Mỹ và Ấn Độ gần như không thể. Tuy nhiên, thông qua đàm phán, Ấn Độ đã đồng ý giảm 100% thuế quan đối với Mỹ, và điều này sẽ sớm xảy ra.
“Tôi không vội đạt thỏa thuận,” ông Trump nói, “mọi quốc gia đều muốn đạt thỏa thuận với Mỹ.” Hàn Quốc muốn đàm phán với Mỹ, nhưng “tôi sẽ không ký thỏa thuận với tất cả các nước. Tôi sẽ đặt ra giới hạn.”
“Bạn không thể đàm phán với quá nhiều quốc gia cùng lúc, có tới 150 quốc gia muốn đạt thỏa thuận với tôi,” ông nói.
Từ khóa Thuế quan Mỹ chiến tranh thương mại Mỹ Trung mối quan hệ Mỹ - Trung
