Sau vụ kiện vào năm 2016, Manila đang có lần thứ 2 đưa ra thách thức pháp lý đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về vấn đề Biển Đông. Theo Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Philippines – ông Jesus Crispin Remulla – cho biết sẽ sớm thông qua một diễn đàn quốc tế để kiện Trung Quốc về những thiệt hại gây ra cho môi trường biển.

Jesus Crispin Remulla
Ông Jesus Crispin Remulla, Bộ trưởng Tư pháp Philippines, phát biểu tại Bahrain trong phiên họp thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền, ngày 1/3/2023. (Nguồn ảnh: Liên Hợp Quốc / Jean Marc Ferré qua Flickr)

Philippines vào năm 2016 đã thắng Trung Quốc trong một vụ kiện về chủ quyền biển tại Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague – vụ việc mang tính bước ngoặt này chỉ ra tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền toàn diện đối với Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Giờ đây, Philippines muốn buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đánh bắt các sản phẩm thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và gây thiệt hại môi trường lớn cho các rạn san hô.

Khi nói về việc nộp đơn kiện với cơ quan pháp lý nào, ông Remulla cho hay: “Chúng tôi đang thảo luận và sẽ sớm đưa ra quyết định”. Ông tuyên bố, “Vi phạm đã quá rõ ràng. Suy cho cùng đây là cách tốt nhất để ứng phó họ, có rất nhiều cách để giải quyết nhưng đây là một trong những cách mới nhất”.

Vụ kiện trọng tài Biển Đông năm 2016 khiến Bắc Kinh tức giận, ĐCSTQ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague về vụ kiện của Philippines trong vấn đề chủ quyền Biển Đông, đồng thời tăng gấp đôi nỗ lực điều tàu cảnh sát biển và dân quân đến khu vực cách thềm lục địa của Trung Quốc hàng trăm km để tuyên bố chủ quyền. ĐCSTQ cũng đã xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở Biển Đông, một số đảo còn trang bị hệ thống tên lửa và đường băng, nhưng Bắc Kinh phủ nhận những hoạt động của họ đã làm tổn hại đến hệ sinh thái biển của khu vực liên quan, đồng thời cáo buộc Philippines cũng có hành vi tương tự. Manila bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh.

Vụ kiện của Philippines lần này có những căn cứ xác đáng. Như một báo cáo năm 2023 của tổ chức tư vấn ở Washington Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho thấy các hoạt động xây dựng của ĐCSTQ đã chôn vùi hơn 4600 mẫu Anh (1861 ha) đảo san hô và đá ngầm…

Ông Remulla nói rằng số lượng lớn bằng chứng do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines và các cơ quan khác cung cấp đã hỗ trợ vụ việc đối với môi trường biển mà Philippines đang thúc đẩy. Tòa án Trọng tài Thường trực và Tòa án Công lý Quốc tế (đều đặt tại The Hague) là trong số những địa chỉ có thể được các quan chức Philippines xác định khi thảo luận các lựa chọn cho vụ án thứ hai này.

Bộ trưởng Tư pháp Philippines nhấn mạnh do tính cấp thiết của vụ việc nên Chính phủ Philippines hy vọng sẽ đệ đơn kiện trong năm nay, điều này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của Manila để kiên quyết chiến lược pháp lý của họ: “Đây là một vụ án dân sự. Chúng tôi yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được bồi thường thiệt hại cho việc này, những thiệt hại gây ra đáng lý phải trả từ sớm hơn”.

Philippines cáo buộc các hoạt động của ĐCSTQ như đào bùn, khai thác san hô, và xây dựng đảo nhân tạo… đã gây ra thiệt hại lớn không thể đảo ngược đối với các rạn san hô và đa dạng sinh học biển. ĐCSTQ cáo buộc Philippines vào năm 1999 cố tình để tàu chiến Sierra Madre mắc cạn ở bãi cạn Thomas thứ 2, đó mới là vấn đề gây thiệt hại cho môi trường biển tại đó.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines đã diễn ra từ lâu, các tàu của hai bên đã nhiều lần xung đột chỉ vì các địa hình tranh chấp nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines như bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), bãi cạn Thomas thứ 2 (rạn san hô Nhân Ái) và bãi cạn Sabina (rạn san hô Tiên Tân).

Theo RFI