Phương Tây đang dần cô lập Trung Quốc, Trung Quốc và Nga sẽ chia rẽ?
- Lộ Khắc
- •
Tuần qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tỏ ra giận dữ vì trong các hội nghị thượng đỉnh ngoại giao quốc tế, họ đều phải chứng kiến cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết chống lại mình. Người phát ngôn của ĐCSTQ phàn nàn rằng đã có một “cuộc tấn công đầy ác ý” và các thế lực nước ngoài đã có một “kế hoạch thâm độc”. Tuy vậy, ĐCSTQ gần như không thể đảo ngược xu hướng chống cộng này.
“Tầm nhìn 2035” của ông Tập Cận Bình đã chỉ ra con đường để Trung Quốc đạt được vị trí dẫn đầu thế giới trong 14 năm tới. Con đường này hiện có vẻ gồ ghề hơn, phần lớn là do nỗ lực đoàn kết các đồng minh của Hoa Kỳ.
Phương Tây tăng cường tấn công ĐCSTQ
Người phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ cuộc họp G7 bắt đầu vào tuần này, cho rằng nó là điều vô nghĩa. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết: “Đã qua rồi cái thời mà một vài quốc gia đưa ra các quyết định toàn cầu.” Tuy nhiên, vấn đề của ĐCSTQ là: Nhóm các quốc gia chống lại quyền bá chủ của Trung Quốc không hề nhỏ, và đang ngày càng gia tăng.
Trước hết, hội nghị thượng đỉnh G7 đã đạt được sự đồng thuận, dẫu không hoàn hảo nhưng vẫn rất quan trọng giữa các Chính phủ Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc. Đó là đối mặt với Trung Quốc như một chỉnh thể. Về cơ bản, NATO đã viết lại các nguyên tắc của mình, xác định Trung Quốc là đối thủ chiến lược và cố gắng ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa toàn trị kiểu ĐCSTQ. Quan trọng hơn, NATO đã hứa sẽ thiết lập các liên minh mới ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Thái độ của ông Biden
Giống như Tổng thống Lincoln mô tả về thời đại của ông là liệu một chính phủ dân chủ có thể trường tồn hay không, ông Biden đã sử dụng hệ tư tưởng đó để mô tả cuộc xung đột hiện tại. Tổng thống Biden nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 25/3 năm nay rằng: “Tôi dự đoán với các bạn rằng con hoặc cháu của các bạn sẽ làm luận án tiến sĩ về việc ai sẽ thành công, những kẻ toàn trị hay dân chủ. Bởi đó mới là điều then chốt.”
Đối với ông Biden, sự chuyên quyền có một bộ mặt, đó chính là bộ mặt của ông Tập Cận Bình. “Ông ấy (Tập Cận Bình) không dân chủ từ tận xương tủy của mình… Ông ấy tin rằng chuyên quyền là xu hướng của tương lai, và dân chủ không thể phát huy tác dụng trong một thế giới ngày càng phức tạp,” ông Biden nói.
“Mục tiêu chung của họ là trở thành quốc gia hàng đầu thế giới, một quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới. Điều này sẽ không xảy ra dưới sự lãnh đạo của tôi.”
Thái độ của các quốc gia đang thay đổi
Hầu hết các nhà lãnh đạo dân chủ khác dường như hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của Hoa Kỳ, đảm bảo rằng các nền dân chủ sẽ không nhường quyền thống trị toàn cầu cho Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, trong thông cáo chung kết thúc tại Brussels, ông Trudeau cho biết: “Trong cuộc họp, Thủ tướng Trudeau đã tái khẳng định cam kết vững chắc của Canada đối với các giá trị của NATO và liên minh, gồm quyền tự do cá nhân, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.”
Đối với ĐCSTQ, một trong những điều đáng lo ngại nhất trong tuần này không chỉ là liên minh ngoại giao, mà còn là liên minh quân sự và liên minh kinh tế. Ngay từ tháng Hai, ông Biden đã bày tỏ quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc như một nguồn tài nguyên chiến lược, trong đó bao gồm khoáng chất đất hiếm. Bởi 80% đất hiếm ở Hoa Kỳ hiện được nhập khẩu từ Trung Quốc, được sử dụng để chế tạo mọi thứ, từ động cơ, tuabin đến thiết bị y tế.
Ông Biden cũng nói rằng ô tô điện và pin cung cấp năng lượng cho chúng là công nghệ của thế kỷ 21 và ông ấy không có ý định để Trung Quốc thống trị. Chính phủ của ông đã chấm dứt tranh chấp thương mại với các nhà sản xuất pin của Hàn Quốc, khi họ tìm cách hỗ trợ các công ty không phải doanh nghiệp của Trung Quốc.
Trung Quốc khó có được liên minh
Ông Hồng Hạo Phong thuộc Đại học Johns Hopkins nói rằng việc thành lập một liên minh toàn cầu để kiềm chế các hành động của Trung Quốc là một tin xấu đối với ĐCSTQ. Bởi Trung Quốc không thể sánh ngang với các liên minh phương Tây và có rất ít hy vọng thành lập một liên minh mới.
“Các đồng minh của Trung Quốc là những quốc gia không có lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào Trung Quốc, vào thị trường và hệ thống tài chính của nước này. Họ là những quốc gia bị Hoa Kỳ và các liên minh phương Tây trừng phạt, như Nga, Iran và Triều Tiên.”
“Vì vậy, họ cần sức mạnh tài chính, thị trường và nguồn lực của Trung Quốc, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Họ không có lựa chọn nào khác. Họ phải dựa vào Trung Quốc. Nhưng đồng thời, đây cũng không hẳn là một liên minh dựa trên các giá trị.”
Một đồng minh như thế này không khó để tách rời. Do đó, cuộc gặp của ông Biden với ông Putin tại Geneva đã cho phép ông Putin nhìn thấy một lựa chọn khác cho Nga. Ông Biden ca ngợi đối thủ người Nga của mình trong những nhận xét nhằm khơi dậy niềm tự hào Nga, khi gọi ông ấy là một “đối thủ đáng giá”. ĐCSTQ có lý do để lo lắng rằng nếu căng thẳng giữa Nga và phương Tây có thể được xoa dịu, một sự chia rẽ Trung-Nga mới có thể sẽ sớm xảy ra.
Không có gì để nghi ngờ, ĐCSTQ vẫn là thực thể chính trị quyền lực nhất trên thế giới, có quyền kiểm soát chặt chẽ đối với 1/5 dân số thế giới. ĐCSTQ cũng có một kho vũ khí hạt nhân rất mạnh. Nhưng khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong thời gian một tuần kết thúc, ĐCSTQ có vẻ ngày càng bị cô lập hơn.
Lộ Khắc, Vision Times
Từ khóa Cô lập ĐCSTQ Hội nghị thượng đỉnh G7 cô lập Trung Quốc Dòng sự kiện