Phản ứng trước tối hậu thư của Mỹ về Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), hôm thứ Tư (5/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng Moscow sẽ đáp trả việc Washington rút khỏi INF bằng việc sản xuất các loại tên lửa bị cấm.

Embed from Getty Images

Tổng thống Putin và Tổng thống Trump tại Hội nghị G-20 ở Argentina.

Theo Epoch Times, phát biểu nêu trên của Tổng thống Putin được phát sóng trên truyền hình nhà nước Nga là để đáp trả lại việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Ba (4/12) đã tuyên bố Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình rút lui chính thức khỏi INF trong vòng 60 ngày nếu Nga không có các bước đi tuân thủ hiệp ước này.

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF từ những năm 2000, nhưng Nga khẳng định họ không làm bất kỳ điều gì sai.

Tổng thống Putin cho rằng Mỹ sử dụng những cáo buộc Nga vi phạm INF làm cái cớ để rút hỏi hiệp ước được Mỹ và Liên Xô ký kết từ năm 1987. Hiệp ước này cấm các bên tham gia sản xuất, sở hữu và thử các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất tầm ngắn và tầm trung.

Ông Putin cũng chỉ ra rằng các nước khác vẫn sở hữu các loại tên lửa này, trong khi Mỹ và Nga lựa chọn việc cấm triển khai theo INF.

“Bây giờ các đối tác Mỹ của chúng ta dường như tin rằng tình huống hiện nay đã thay đổi nhiều nên Mỹ cũng phải có vũ khí như vậy. Phản ứng của chúng ta là gì? Điều này thật đơn giản: Trong trường hợp đó, chúng ta cũng sẽ làm điều này”, ông Putin nói.

Vào ngày 20/10, Tổng thống Donald Trump đã thông báo ý định của ông về việc rút nước Mỹ khỏi hiệp ước INF. Thời điểm đó, ông Putin nói rằng nếu Mỹ bắt đầu triển khai các hệ thống tên lửa trên lãnh thổ đồng minh của họ tại Châu Âu, thì Nga sẽ đáp trả bằng việc nhắm mục tiêu vào các nước Châu Âu này.

Hôm 4/12, đồng thời với việc Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tối hậu thư với Nga, các Ngoại trưởng NATO cũng đã phát hành một tuyên bố cho rằng Nga vi phạm cụ thể hiệp ước INF. Ông Pompeo nói với báo giới rằng chính các đồng minh Châu Âu đã vận động Mỹ đưa ra thời hạn 60 ngày đối với Nga và trong thời gian đó các nước Châu Âu có kế hoạch đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao để buộc Nga phải tuân thủ hiệp ước INF.

Về xu hướng chung hiện nay, cả Nga và Mỹ đều có nhận định rằng các nước khác như Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn đều đang triển khai phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung vì họ không phải là bên tham gia INF.

Đặc biệt, Trung Quốc đã phát triển số lượng đáng kể loại vũ khí này và ngoại giới cho rằng đó là một phần nguyên nhân khiến cả Mỹ và Nga đều cân nhắc về một thực tế chiến lược mới.

Phát biểu tại Moscow hôm 23/10, Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton cho hay: “Đây là một hiệp ước liên quan tới tên lửa đạn đạo song phương thời Chiến tranh Lạnh trong một thế giới tên lửa đạn đạo đa cực. Đây là điều mà người Nga rất quan tâm và chúng tôi đã nói chuyện về điều đó”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington (CSIS), Trung Quốc đã triển khai ít nhất 8 hệ thống tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hiệu quả khoảng từ 300 dặm tới 3.400 dặm, không phù hợp với INF nếu Bắc Kinh là bên tham gia hiệp ước này.

Cũng theo CSIS, phần lớn kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc bao gồm nhiều tên lửa tầm trung không phù hợp với INF. Chế độ Bắc Kinh có thể sản xuất loại vũ khí này với giá rẻ và sử dụng chúng để đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.

Theo Reuters, Mỹ đã từng ba lần nỗ lực kêu gọi Trung Quốc tham gia INF, nhưng đều không thành công.

Mới đây nhất, hôm 3/12, Tổng thống Trump cũng đã đăng tweet dấy lên ý tưởng rằng Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể cùng nhau thảo luận chung để cắt giảm các khoản đầu tư vũ khí.

“Tôi chắc rằng, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi, cùng với Tổng thống Vladimir Putin của Nga sẽ bắt đầu thảo luận về việc tạm dừng đáng kể những thứ đã trở thành Cuộc chạy đua Vũ trang lớn và không thể kiểm soát”, ông Trump tweet hôm 3/12.

Xuân Thành

Xem thêm: