Quân đội Myanmar vẫn ném bom các thị trấn bất chấp cuộc khủng hoảng động đất
- Gia Huy
- •
Hôm Chủ Nhật (30/3), một phong trào kháng chiến vũ trang chống lại chính phủ Myanmar do quân đội điều hành đã lên án chính quyền quân sự vì đã tiến hành các cuộc không kích vào các ngôi làng ngay cả khi đất nước đang gặp khủng hoảng vì trận động đất cho đến nay đã khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng.
Trong một thông báo, Liên đoàn Quốc gia Karen (KNU), một trong những đội quân dân tộc lâu đời nhất của Myanmar, cáo buộc chính quyền quân sự “tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhắm mục tiêu vào các khu vực dân sự ngay cả khi người dân đang phải chịu đựng hậu quả nặng nề từ trận động đất”.
Nhóm kháng chiến này chỉ trích, thông thường trong các tình huống thiên tai như vậy, quân đội sẽ ưu tiên thực hiện các nỗ lực cứu trợ, nhưng thay vào đó chính quyền quân sự Myanmar lại tập trung vào “việc triển khai các lực lượng để tấn công người dân”.
Myanmar đã rơi vào cuộc nội chiến giữa chính quyền quân sự với nhiều nhóm đối lập có vũ trang kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021 do quân đội tiến hành. Quân đội Myanmar đã giành lấy quyền lực từ chính phủ được bầu hợp pháp của nhà lãnh đạo Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Aung San Suu Kyi, người đã được trao tặng Giải Nobel Hòa bình năm 1991.
Theo tổ chức cứu trợ Free Burma Rangers, ngay sau khi trận động đất tàn phá khủng khiếp xảy ra hôm thứ Sáu (28/3), quân đội Myanmar đã tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay phản lực quân sự và thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào bang Karen, gần trụ sở của KNU.
Sau cuộc họp trực tuyến với các đối tác ASEAN về thảm họa động đất này, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã kêu gọi các bên ở Myanmar ngừng bắn ngay lập tức để hỗ trợ cho việc phân phối hàng viện trợ.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết: “[Ngoại trưởng Balakrishnan] đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn hoàn toàn ngay lập tức ở Myanmar để tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo và cho việc hòa giải dân tộc, hòa bình và tái thiết lâu dài”.
Mặc dù tâm chấn của trận động đất mạnh 7.7 độ richter nằm ở khu vực do lực lượng chính quyền quân sự kiểm soát, nhưng sự tàn phá nặng nề diễn ra trên diện rộng và cũng ảnh hưởng đến một số vùng lãnh thổ do các phong trào kháng chiến vũ trang kiểm soát.
Hôm Chủ Nhật (30/3), Chính phủ Đoàn kết Quốc gia đối lập, bao gồm các thành viên còn lại của chính phủ đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2021, tuyên bố rằng các lực lượng dân quân chống chính quyền quân sự dưới quyền chỉ huy của họ sẽ tạm dừng tất cả các hành động tấn công quân sự trong hai tuần.
Ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Crisis Group), lưu ý, một số lực lượng chống chính quyền quân sự ở Myanmar đã dừng các cuộc tấn công, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn ở một số nơi khác.
Ông Horsey cáo buộc: “Chính quyền quân sự [Myanmar] vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích, bao gồm cả ở những khu vực bị ảnh hưởng [bởi trận động đất]. Điều đó cần phải dừng lại”.
Ông Horsey lưu ý, chính quyền quân sự Myanmar không cung cấp nhiều hỗ trợ vật chất cho các khu vực bị động đất.
“Các đội cứu hỏa địa phương, các đội cứu thương, và các tổ chức cộng đồng đã được huy động, nhưng quân đội, những người thường được huy động để hỗ trợ trong một cuộc khủng hoảng như vậy, lại không thể thấy ở đâu cả”, Ông Horsey chỉ trích.
Gia Huy, theo Reuters
Từ khóa Myanmar quân đội Myanmar Dòng sự kiện Recommend nội chiến Myanmar
