Quan hệ Mỹ-Trung: Bắc Kinh vạch lằn ranh nhưng ‘không muốn soán ngôi siêu cường’
- Trần Minh
- •
Nhiều ngày sau bài phát biểu “tuyên chiến” của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra phản ứng trực tiếp, tuy có chừng mực trước biến chuyển mới trong chính sách ngoại giao của Washington. Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng nước ông không có ý định soán ngôi siêu cường của Mỹ, nhưng đồng thời vạch lằn ranh để xác lập quan hệ thân thiện giữa 2 nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã hôm thứ Tư, ông Vương nói về lập trường của Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ xúc tiến “chia tay” kinh tế và cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra.
Trước đó, hôm 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố đặt dấu chấm hết cho đường lối ngoại giao thân thiện với Trung Quốc đặt ra từ thời Richard Nixon, nói rằng đây là một thất bại và Mỹ phải rẽ sang một con đường mới, con đường kích phát sự thay đổi chế độ ở Trung Quốc
“Nếu thế giới tự do không thay đổi Trung Quốc Cộng sản, Trung Quốc cộng sản sẽ thay đổi thế giới”, ông Pompeo cảnh báo vào lúc đó.
Trong lời hồi đáp đầu tiên của mình về đe dọa từ người đồng cấp Mỹ, ông Vương Nghị bác bỏ chỉ trích, nhưng thừa nhận quan hệ Mỹ-Trung đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất trong hơn 4 thập kỷ.
Ông Vương cũng nói Bắc Kinh phản đối mọi âm mưu tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hoặc Chủ nghĩa chống cộng điên cuồng. Thay vào đó, Bắc Kinh sẵn sàng tái khởi động đối thoại với Washington ở mọi cấp độ để xoa dịu căng thẳng và “xây dựng một khuôn khổ rõ ràng trong mối quan hệ đôi bên”, ông Vương khẳng định.
“Trung Quốc hôm nay không phải là Liên Xô cũ. Chúng tôi không có ý định trở thành một nước Mỹ thứ hai. Trung Quốc không xuất khẩu ý thức hệ và không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”.
Trong một động thái hiếm thấy, Tân Hoa Xã đã đăng tải toàn bộ bản dịch tiếng Anh của cuộc phỏng vấn với ông Vương. Tờ Nhân Dân Nhật Báo, trang truyền thông của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đăng toàn bộ cuộc phỏng vấn này với tiêu đề: “Cần phải thiết lập một khuôn khổ rõ ràng trong quan hệ Trung – Mỹ”. Các động thái này cho thấy nội dung mà ông Vương nói chính là cột mốc và các nhà ngoại giao Trung Quốc và giới quan sát cần để ý, tờ SCMP nhận định.
Quan hệ Mỹ-Trung gần đây rơi xuống vực thẳm sau các động thái chưa có tiền lệ đóng cửa lãnh sự quán của nhau và đuổi phóng viên của đối phương về nước. Hai nước cũng lần lượt ra chế tài lẫn nhau về vấn đề Hồng Kong, Tân Cương và thúc đẩy cuộc đua chiến tranh công nghệ và quân sự. Đỉnh điểm của căng thẳng này là bài phát biểu của ông Pompeo, trong đó kêu gọi Mỹ và thế giới tự do thay đổi chế độ Trung Quốc.
“Thông điệp của chúng tôi là rõ ràng: Chúng tôi thúc giục Mỹ ngừng hành động với một thái độ hống hách và định kiến, mà hãy tiến vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với chúng tôi với tư cách ngang hàng”, ông Vương nói.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh đang tính toán xa hơn cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ khi gửi tín hiệu tới giới tinh hoa của cả 2 đảng ở Washington và cả thế giới rằng họ là một đối tác “biết phải trái” trong các cuộc tranh cãi và là một người bảo vệ có trách nhiệm đối với luật lệ quốc tế.
Chen Long, lãnh đạo hãng nghiên cứu độc lập Plenum, nói rằng Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn, gửi gắm hy vọng vào việc xuống thang căng thẳng ở chính quyền mới của Joe Biden, ứng viên Đảng Dân chủ. Ông Biden đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận.
“Phát biểu của ông Vương có thể là một thông điệp gửi tới Joe Biden, chiến dịch tranh cử của ông ta đã xây dựng được một đội ngũ rộng lớn bao gồm các chuyên gia chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia”, ông Chen nói, theo SCMP.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Vương nói về nhiều chủ đề, từ các đề xuất của ông để giải quyết tranh chấp tới cách để đưa quan hệ với Mỹ trở lại bình thường.
Nhưng ông cũng vạch ra “lằn ranh đỏ rõ ràng” của Bắc Kinh, khẳng định rằng Mỹ “phải từ bỏ giấc mơ viển vông là tái tổ chức Trung Quốc theo ý thích của Mỹ. Họ phải chấm dứt việc can thiệp và nội bộ của Trung Quốc, ngừng các hành động trấn áp phi lý lên quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc”.
“Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp vào bầu cử Mỹ cũng như công việc nội bộ của Mỹ”, ông Vương nói thêm.
Về Biển Đông, nơi Trung Quốc đang gặp áp lực nặng nề từ Mỹ và đồng minh, ông Vương nói đây là “ngôi nhà chung cho những nước trong khu vực” và nó không nên trở thành “sân đấu vật của chính trị quốc tế”.
“Tâm lý anh thắng tôi bại cần bị loại bỏ và hai bên nên làm việc cùng nhau về công tác phòng chống đại dịch và khôi phục kinh tế, cùng gánh vác trách nhiệm trong chủ nghĩa đa phương”, ông nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bảo vệ việc Trung Quốc phản ứng với đại dịch và khẳng định Hồng Hông là chuyện nội bộ của Trung Quốc.
“Bắc Kinh không thích xung đột ngoại giao, nhưng sẽ không ngại đánh trả”, ông cho biết.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định trong thời gian tới, trước cuộc bầu cử tháng 11, hai bên sẽ tiếp tục có khẩu chiến chứ chưa dừng lại.
“Thứ ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung trong ngắn hạn là liệu có tiếp tục thực hiện thỏa thuận thương mại và liệu việc Mỹ chế tài các ngân hàng Trung Quốc có vượt qua dự đoán về các vấn đề xung quanh luật an ninh quốc gia Hồng Hông hay không”, ông Chen từ Plenum nói.
Chỉ vài giờ trước khi cuộc phỏng vấn ông Vương lên sóng, Mỹ thông báo Bộ trưởng Y tế Alex Azar sẽ tới thăm Đài Loan, chuyến đi cấp cao chính thức của Washington lần đầu tiên tới hòn đảo này từ năm 1979.
Liu Weidong, chuyên gia quan hệ Mỹ-Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng Trung Quốc đã gửi “thông điệp thiện chí” tới chính quyền Mỹ, nhưng chính quyền Trump vẫn đơn phương làm gia tăng căng thẳng vì mục đích của chiến dịch vận động của ông Trump.
“Ông Vương cũng đang gửi thông điệp tới cử tri Mỹ… rằng Trung Quốc không phải là người chịu trách nhiệm cho việc phá hỏng quan hệ Mỹ-Trung”, ông Liu nói.
“Chúng ta cần giữ bình tĩnh và kiềm chế không trở nên quá tranh cãi hay tìm cách ăn miếng trả miếng ở mọi vấn đề, nếu không hình ảnh quốc tế của chúng ta sẽ bị tổn hại”, ông Liu nói về Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Shi Yinhong, cố vấn cho nội các Trung Quốc và giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân tại Bắc Kinh thừa nhận rằng chưa chắc việc ông Vương kêu gọi Mỹ quay lại đàm phán sẽ giúp giảm căng thẳng.
“Chúng ta không thể đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ trong thực hiện chính sách ngăn chặn hoàn toàn đối với Trung Quốc, và ta cũng không thể coi nhẹ tình trạng tệ hại của quan hệ song phương”, giáo sư Shi nói.
“Chúng ta cần tìm ra các điều kiện hoặc những sự thỏa hiệp thật rõ ràng chi tiết để đàm phán đối với các vấn đề quan trọng, và đưa nó ra trình bày với tân chính quyền Mỹ, chứ không chỉ là những cuộc nói chuyện xã giao thiện chí mà không có nội dung gì cả”.
Trần Minh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Quan hệ Mỹ - Trung Vương Nghị bầu cử tổng thống Mỹ 2020 Dòng sự kiện