Quan ngại việc Nhật Bản tài trợ cho nghiên cứu sinh khi sinh viên Trung Quốc chiếm 30%
- Trình Công, Ninh Tâm
- •
Chính phủ Nhật Bản vào năm ngoái đã cấp khoản hỗ trợ 2,9 triệu yên mỗi năm cho mỗi nghiên cứu sinh tiến sĩ, trong đó gần 30% người nhận là du học sinh Trung Quốc. Điều này đã thu hút sự quan tâm của công chúng Nhật Bản, trong bối cảnh số lượng du học sinh Trung Quốc tại Nhật tăng mạnh trong thập kỷ qua, cạnh tranh với sinh viên Nhật Bản về nguồn lực giáo dục.
Các nghị sĩ Nhật Bản đã kêu gọi thay đổi quy định hiện hành để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả sinh viên. Trong khi đó, cộng đồng người Hoa ở nước ngoài kêu gọi du học sinh Trung Quốc trân trọng cơ hội này và thoát khỏi ảnh hưởng của “văn hóa Đảng” (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ).
Ngày 24/3, quan chức Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã điều trần trước Ủy ban Ngoại giao và Quốc phòng của Thượng viện Nhật Bản, tiết lộ rằng trong năm tài khóa 2024, sinh viên Trung Quốc chiếm 30% trong số những người nhận được 2,9 triệu yên mỗi năm cho mỗi chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, bà Haruko Arimura, đã đặt vấn đề về tình trạng này trong cuộc họp và cho rằng đây là một hiện tượng bất thường. Bà nhấn mạnh rằng để đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia, các trường đại học Nhật Bản không nên quá phụ thuộc vào du học sinh nước ngoài. Bà cũng cảnh báo rằng nếu chính phủ không đưa ra các chính sách rõ ràng để ưu tiên hỗ trợ sinh viên Nhật Bản, thì sẽ không thể nhận được sự ủng hộ từ công chúng.
Từ năm 2021, Cơ quan Xúc tiến Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST), trực thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã triển khai chương trình “Dự án nghiên cứu thách thức dành cho các nhà nghiên cứu tương lai” (SPRING). Chương trình này cung cấp hỗ trợ tối đa 2,9 triệu yên/năm/người (tương đương khoảng 497 triệu VNĐ) trong 3 năm cho nghiên cứu sinh tiến sĩ. Khoản tài trợ này không cần hoàn trả và không có giới hạn về quốc tịch, độ tuổi hay các điều kiện khác.
Mức lương trung bình hàng năm ở Nhật Bản vào năm 2024 là 4,24 triệu yên, trong khi thu nhập khởi điểm hàng năm của sinh viên tốt nghiệp đại học là 2,4 triệu đến 3 triệu yên.
Thượng nghị sĩ Haruko Arimura đã đưa ra ví dụ trong cuộc họp rằng: Tại Canada, học phí của du học sinh tại các trường đại học công lập, quốc lập cao gấp 5,5 lần so với sinh viên bản địa; tại Mỹ, mức chênh lệch này là 2,9 lần. Bà kêu gọi Nhật Bản cũng nên coi trọng sinh viên trong nước, đồng thời xây dựng chính sách học phí hợp lý dành cho du học sinh.
Bà nhấn mạnh rằng: “Sinh viên Nhật Bản mới là tài sản quý giá của đất nước. Cần phải có quy định rõ ràng về chính sách hỗ trợ sinh viên trong nước.”
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, trong năm tài khóa 2024, tổng cộng 10.564 nghiên cứu sinh tiến sĩ đã nhận được hỗ trợ từ chương trình SPRING. Trong đó có 2.904 du học sinh Trung Quốc, chiếm khoảng 30% tổng số người nhận. Tổng số du học sinh nước ngoài nhận hỗ trợ là 4.125 người, chiếm 40%; sinh viên Nhật Bản nhận hỗ trợ là 6.439 người, chiếm 60%.
Bà Haruko Arimura đã chia sẻ lại bài báo về vấn đề này trên nền tảng X. Bài đăng nhanh chóng thu hút nhiều bình luận từ cư dân mạng, trong đó đa số bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của bà. Nhiều người khuyến khích bà tiếp tục theo đuổi vấn đề này, kêu gọi chính phủ ưu tiên hỗ trợ sinh viên Nhật Bản và xem xét lại chính sách học phí dành cho du học sinh nước ngoài.
Một cư dân mạng bình luận: “Người Trung Quốc dùng tiền thuế của chúng ta để đi học với chi phí rẻ, cạn lời. Họ đã cướp mất nguồn tài trợ đáng lẽ dành cho sinh viên Nhật Bản. Đây cũng là hồi chuông báo tử cho Đảng Tự do Dân chủ.”
Có cư dân mạng bình luận rằng: “Học phí của du học sinh ở các trường đại học Úc cũng cao gấp 3-4 lần so với sinh viên bản địa. Việc người nước ngoài được ưu đãi hơn người trong nước là điều không bình thường.”
Còn có người khác lo ngại và viết: “Chẳng lẽ Đảng Tự do Dân chủ muốn để Nhật Bản và người Nhật bị Trung Quốc (ĐCSTQ) thâu tóm sao?”
Có cư dân mạng tiết lộ rằng: “Một du học sinh Trung Quốc nhận học phí do Nhật Bản tài trợ, nhưng lại lấy lý do sức khỏe kém để không đến phòng nghiên cứu. Trong khi đó, người này vẫn tham gia kỳ thi chứng chỉ bác sĩ quốc gia của Nhật. Mục đích du học đáng lẽ là để nghiên cứu, nhưng người này thì không. Tôi thật sự không hiểu tại sao tiền thuế của chúng ta lại bị dùng để hỗ trợ họ sinh sống.”
Thậm chí, có người kêu gọi chấm dứt hoàn toàn việc hỗ trợ du học sinh Trung Quốc, cho rằng: “Việc Nhật Bản tài trợ giáo dục bậc cao cho thanh niên đến từ một quốc gia đối địch là điều hết sức bất thường và đi ngược lại lợi ích quốc gia. Tôi mong rằng chính phủ sẽ cấm hoàn toàn du học sinh Trung Quốc.”
Những ý kiến và quan điểm phản ánh thực trạng dư luận Nhật Bản như trên chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội, trong khi đó, các phương tiện truyền thông chính thống, đặc biệt là những hãng tin lớn, ít khi đưa tin về vấn đề này.
Ông Lý Nguyên Hoa, cựu phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, trả lời The Epoch Times rằng: “Xét từ góc độ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, đề xuất của các nghị sĩ Nhật Bản có lý do chính đáng. Trong quá khứ, ngay cả ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu công nghệ cao gốc Trung Quốc bị phát hiện có vấn đề. Khi trở về nước, họ mang theo toàn bộ kết quả nghiên cứu, gây tổn thất nghiêm trọng cho các cơ quan nghiên cứu và thậm chí cả quốc gia.”
Tuy nhiên, việc xác định ai là mối đe dọa tiềm tàng đối với Nhật Bản, đặc biệt là những người mang nhiệm vụ đặc biệt hoặc có ý định phục vụ chính quyền ĐCSTQ, là một thách thức lớn đối với giới giáo dục Nhật Bản.
Có hơn 3.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Đại học Tokyo, chiếm 60% sinh viên nước ngoài
Trường đại học danh tiếng nhất Nhật Bản – Đại học Tokyo – là mục tiêu lý tưởng của nhiều du học sinh Trung Quốc và cũng là một trong những trường có số lượng du học sinh Trung Quốc đông đảo nhất tại Nhật.
So với bậc đại học, bậc sau đại học tại Đại học Tokyo có tỷ lệ tuyển sinh dễ dàng hơn đối với du học sinh, do trường chú trọng quốc tế hóa và nghiên cứu. Hơn nữa, chế độ đãi ngộ dành cho du học sinh cũng hấp dẫn hơn, từ học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí đến cơ hội nghiên cứu. Chính vì thế, nhiều sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học đã từ bỏ “giấc mơ Mỹ” – vốn ngày càng trở nên khó khăn hơn do chính sách hạn chế thị thực của Mỹ – để chuyển hướng sang Nhật Bản, đặc biệt là Đại học Tokyo, nhằm tiếp tục con đường học thuật hoặc tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.
Theo thống kê của nghị sĩ Arimura Haruko, số lượng du học sinh Trung Quốc tại Đại học Tokyo đã tăng mạnh trong 16 năm qua với mức tăng 4,7 lần:
- Năm 2008: 727 sinh viên;
- Năm 2014: 1.136 sinh viên;
- Năm 2024: 3.396 sinh viên;
Ngoài ra, tỷ lệ du học sinh Trung Quốc trong tổng số sinh viên quốc tế tại Đại học Tokyo cũng tăng đáng kể:
- Năm 2009: chiếm 30%;
- Năm 2024: chiếm 61%.
Điều đáng chú ý là trong khi số lượng sinh viên Trung Quốc liên tục tăng, thì số lượng du học sinh từ các quốc gia khác lại duy trì ổn định trong suốt 16 năm qua: Năm 2008 là 1.717 sinh viên, năm 2024 là 1.708 sinh viên, duy trì ở trạng thái tương đối ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ du học sinh không phải người Trung Quốc trong tổng số sinh viên quốc tế lại giảm dần theo thời gian, do sự gia tăng mạnh mẽ của du học sinh Trung Quốc.
Ngoài ra, theo thống kê của truyền thông Nhật Bản, hiện có khoảng 5.200 sinh viên nước ngoài theo học tại Đại học Tokyo, trong đó có 3.500 sinh viên Trung Quốc, chiếm gần 70%; trong số nghiên cứu sinh, bao gồm cả sinh viên Nhật Bản, cứ 5 sinh viên thì có 1 người là người Trung Quốc.
Tình trạng này không chỉ giới hạn ở Đại học Tokyo. Số lượng sinh viên quốc tế Trung Quốc tại Đại học Kyoto tăng từ 528 năm 2008 lên 1.674 vào năm 2024; tỷ lệ sinh viên Trung Quốc trong tổng số du học sinh cũng tăng từ 40% vào năm 2009 lên 57% vào năm 2024. Tình hình tại các trường đại học khác cũng tương tự.
Tại các trường đại học mỹ thuật và nghệ thuật ở Nhật Bản, số lượng du học sinh Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, hiện chiếm khoảng 70% tổng số du học sinh nước ngoài. Ví dụ:
- Đại học Kyoto Seika: Tổng số du học sinh nước ngoài là 1.273 người, trong đó 909 người là sinh viên Trung Quốc, chiếm 71%;
- Đại học Nghệ thuật Kyoto: 79% là sinh viên Trung Quốc;
- Đại học Mỹ thuật Musashino: 65%;
- Đại học Mỹ thuật Tama: 74%;
- Đại học Bunka Gakuen: 75%;
- Đại học Nghệ thuật Kyoto: 70%;
- Đại học Nghệ thuật Nagoya: 72%.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng lý do đằng sau xu hướng này là do nhiều du học sinh Trung Quốc muốn tận dụng con đường này để có được quyền cư trú vĩnh viễn tại Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, họ dựa vào kỹ năng đặc biệt của mình và tận dụng các chính sách thu hút nhân lực có tay nghề cao của Nhật Bản để tìm việc làm tại đây, từ đó đủ điều kiện xin thẻ cư trú vĩnh viễn. Đây được xem là một con đường tắt để có thể định cư lâu dài ở Nhật Bản.
Văn phòng DNR của Cơ quan quản lý hành chính Nhật Bản, vốn nắm rõ tình hình liên quan, đã xuất bản một bài viết và tiết lộ sự ưu đãi mà một số sinh viên Trung Quốc tại Nhật Bản nhận được,và gọi đó là “động không đáy”.
Bài viết cho biết một số sinh viên Nhật Bản nợ tiền học phí hàng triệu yên để đi học và phải chật vật trả nợ sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc không cần phải trả nợ và nhiều người đã được miễn học phí và trợ cấp sinh hoạt. Khi một sinh viên quốc tế Trung Quốc tốt nghiệp thì bèn khoe khoang trên mạng xã hội rằng mình đã nhận được hỗ trợ tài chính, nói rằng “học lên bậc học cao hơn và nhận được học bổng dễ như câu cá”.
Bài viết phê bình rằng hệ thống của Nhật Bản cho phép một số sinh viên nước ngoài “đi học miễn phí ở Nhật Bản, khi tốt nghiệp còn nhận được tiền”.
Vì sao có nhiều sinh viên Trung Quốc ở Nhật Bản? Bài viết cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau như chính trị, kinh tế, chiến lược, xã hội và môi trường quốc tế do các chính sách liên quan của Chính phủ Nhật Bản gây ra. Ví dụ, các trường đại học chấp nhận sinh viên quốc tế có thể nhận được trợ cấp của chính phủ. Đối với sinh viên Trung Quốc, mục đích là để tranh thủ miễn học phí và lấy học bổng đi du học “miễn phí”.
Ngoài ra, bài viết còn nêu một số vấn đề nảy sinh trong sinh viên Trung Quốc đi du học. Ví dụ, một sinh viên Trung Quốc kiếm được 13 triệu yên (tương đương khoảng 221.884.000 đồng) nhờ lợi dụng hệ thống y tế của Nhật Bản, v.v.
Bài viết kết luận bằng lời kêu gọi rằng để thực hiện sự bình đẳng trong cơ hội giáo dục và đảm bảo tính công bằng của hệ thống, hiện tại cần xem xét lại và điều chỉnh các quy định.
Giáo sư danh dự của Đại học Tokyo, ông Masayuki Yamauchi, phát biểu với truyền thông rằng: “Đại học Tokyo là cơ quan nghiên cứu tiên tiến nhất của Nhật Bản và tham gia vào các nghiên cứu liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này không thể không khiến người ta lo ngại về các rủi ro.”
Ông Lý Nguyên Hoa cho rằng những sinh viên trưởng thành trong môi trường giáo dục của ĐCSTQ đã được nhồi nhét tư tưởng “yêu nước” theo quan điểm của Đảng. Dưới sự ảnh hưởng của nền văn hóa không coi trọng đạo đức của ĐCSTQ, họ thiếu ý thức về đạo đức học thuật và chuẩn mực đạo đức, do đó dễ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhà truyền thông văn hóa Nhật Bản, Trương Bản Chân (Shin Harimoto), người đã đến Nhật du học cách đây 30 năm và từng theo học cao học tại Đại học Tokyo, đã chia sẻ với tờ Epoch Times rằng: Sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc khi bước vào thế giới dân chủ và tự do thường gặp khó khăn trong việc hòa nhập với các giá trị phổ quát, và biểu hiện của họ chưa giống một công dân trưởng thành thực sự.
Xã hội Nhật Bản rất coi trọng nhân văn, pháp luật và các quy tắc thể chế. Ông hy vọng rằng những sinh viên Trung Quốc đến Nhật Bản du học, khi đã may mắn nhận được sự hỗ trợ từ Nhật, cần phải tuân thủ pháp luật, xóa bỏ những tư tưởng đã bị ĐCSTQ tẩy não. Ít nhất, họ nên sống và học tập một cách nghiêm túc, trong sạch.
Từ khóa sinh viên Trung Quốc du học sinh Trung Quốc Đại học Nhật Bản Nhật Bản Giáo dục Nhật Bản
