Quên “made in China” đi, hãy nói lời chào “Made in Vietnam”
Quên “sản xuất tại Trung Quốc” đi, hãy nói lời chào “sản xuất tại Việt Nam” là dòng tiêu đề thú vị của tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) xuất bản tại Hong Kong ngày 3/8/2018.
Tờ báo đăng một ký sự về Nguyễn Bá Hội, tiến sĩ công nghệ từ Mỹ trở về quê hương để hiện thực hóa ước mơ sáng tạo cho người Việt. Hội được SCMP mô tả là người không sản xuất điện thoại thông minh hay thép – thế mạnh gia công xuất khẩu của Việt Nam – mà đang tìm cách mở đường cho con đường phát minh của đất nước.
Việt Nam, quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá đang nhanh chóng tự định vị trí là một trung tâm sản xuất quan trọng. Cứ 10 chiếc điện thoại thông minh (smartphone) trên thế giới xuất xưởng thì có 1 chiếc được sản xuất tại Việt Nam. Và bạn có thể đang đọc được những dòng này từ một chiếc điện thoại Made in Vietnam, tờ SCMP lưu ý.
Năm 2017, riêng các sản phẩm của Samsung chiếm tới 1/4 giá trị xuất khẩu 227 tỷ USD của Việt Nam, nơi thép và đồ nội thất cũng là điểm mạnh.
Nhưng người Việt Nam cũng đang gia tăng giá trị một cách gây ngạc nhiên, và điều này đặc biệt rõ ràng tại thành phố Đà Nẵng, tờ Tảo báo lưu ý.
Nguyễn Bá Hội không sản xuất smartphone hay thép cho xuất khẩu, thay vào đó, anh đang tập trung phát triển đất nước trở thành một trung tâm sáng tạo.
Bá Hội đang làm việc tại một khu tổ hợp công nghệ hiện đại mang tên “Maker Spaces” nơi người ta có thể phát triển các ý tưởng và thử nghiệm trên sản phẩm mới. Theo SCMP, các trung tâm như vậy đang mọc ra khắp Việt Nam.
“Sinh viên đại học đến đây để học về sự bù nhiệt hay lắp ráp một nhạc cụ trong vòng 2 giờ. Chúng tôi đang phát triển một thiết bị trợ giúp bệnh nhân bị đột quỵ, bây giờ mới đang là nguyên mẫu”, anh Hội nói.
Trung tâm Maker Innovation Space trong khuôn viên của Đại học Đà Nẵng, một trong 2 cơ sở được thành lập năm 2015, được lắp rất nhiều máy in 3D, máy cắt la-ze và có đầy đủ các loại “đồ chơi công nghệ” để thỏa mãn những “con nghiện công nghệ” hiện đại, SCMP mô tả.
Nhưng theo anh Hội, đối với anh, mọi việc trước đây khó khăn hơn nhiều.
“Cả cha mẹ tôi đều là giáo viên tiểu học, đồng thời là nông dân. Họ nuôi gia súc như lợn gà … thu nhập của họ rất là thấp”.
“Tôi được sinh ra tại một vùng rất nghèo … Tôi tới Đà Nẵng để học và đã làm việc rất chăm chỉ để có thể phụ giúp cha mẹ. Tôi chỉ nặng 38 cân và ngủ 4 tiếng mỗi ngày để học tiếng Anh … Tôi muốn đi ra nước ngoài để học xa hơn”.
Sau khi có một bằng cấp trong ngành kỹ thuật điện, điện tử tại Đại Học Đà Nẵng, Hội học tiếp Thạc sĩ vi điện tử tại Học viện Công nghệ Thái Lan. Sau đó anh tới Munich và giúp phát triển một hệ thống hộp đen cho những chiếc xe Mercedes-Benz.
Nay sau khi hoàn thành Tiến sĩ công nghệ y sinh tại Mỹ, anh rất vui vì đã quay trở về quê hương lập nghiệp.
“Khi tôi được nghe nói những công nghệ mới nhất, người phát minh ra chúng luôn là từ ai đó ở Đức hay ở Anh. Tại sao lần này không phải là người ở Việt Nam? Đó là điều mà những nơi như Maker Space có thể làm được: mang lại cơ hội cho người trẻ Việt Nam để tạo dựng tên tuổi cho chính mình”.
Đà Nẵng, một trong những thành phố lớn nhất của Việt Nam với 1 triệu người, nơi đây sẵn sàng đón nhiều sáng kiến kinh doanh và công nghệ như của anh Hội, thúc đẩy sự phát triển công nghệ và sáng tạo ở trong nước.
Công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn FPT, đang chuẩn bị thay đổi thành phố duyên hải này trở thành một “thành phố thông minh” trước năm 2020 đã đầu tư 658.000 USD vào một dự án thử nghiệm như quản lý đèn giao thông thời gian thực và hệ thống lưu bệnh án điện tử ở bệnh viện.
Sáng tạo công nghệ thậm chí còn giúp ích trong việc quản lý thành phố. Với mục tiêu trở thành thành phố xanh vào năm 2025, Đà Nẵng đã loại bỏ 12.000 tấn khí thải carbon bằng cách đưa các loại xe lai vừa điện vừa xăng và hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời.
Trong khi rất nhiều nền kinh tế trong vùng đang chậm lại – đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, GDP của Việt Nam tăng 7,38% trong quý đầu năm 2018, tờ SCMP lưu ý.
Trong năm nay, hơn 60 công ty Mỹ từ Microsoft tới IBM đã hội tụ tại Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội tại Vùng Kinh tế quan trọng gồm 7 tỉnh.
Nhưng vì chỉ có 9% lực lượng lao động ở Việt Nam có bằng đại học và Việt Nam có thể phải đối mặt với một rào cản trong nỗ lực mở rộng các ngành kinh tế của mình ra ngoài sản xuất.
Nhưng anh Hội vẫn lạc quan.
“Tôi yêu triết lý chúng tôi đang có tại Maker Space: Khi bạn tới đây, bạn có thể sáng tạo và thất bại rất nhanh. Nhưng sau đó bạn lại cố gắng và rồi sẽ thành công. Trước khi thành công, chúng ta phải thất bại rất nhiều”.
Trên bức tường của Maker Space chỉ có một tấm bảng đơn giản ghi: “Thiết kế tương lai (design the future).
“Nếu Việt Nam có thể nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, cắt bỏ rào cản hành chính quan liêu, tham nhũng, tạo ra nhiều những trường hợp như Hội hơn thì tương lai của nước này không nghi ngờ gì sẽ trở thành niềm cảm hứng có tác động mạnh mẽ cho cả người dân của họ lẫn toàn bộ khu vực”, tác giả Karim Raslan của SCMP kết luận.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa công nghệ Made in China sáng kiến Made inVietnam phát minh công nghệ