Hạ viện Nga đã chính thức phê chuẩn một hiệp ước song phương với Bắc Triều Tiên, đã được Tổng thống Nga Putin ký kết trong chuyến công du đến Bình Nhưỡng vào tháng Sáu và đệ trình hiệp ước lên Hạ viện Nga vào hồi đầu tháng Mười.

Kim Putin tai Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau trong buổi gặp mặt trực tiếp tại Sân bay vũ trụ Cosmodrome, ở khu vực Amur, Cực Đông, Nga vào ngày 13 tháng 9 năm 2023. (Nguồn ảnh: VLADIMIR SMIRNOV/POOL/AFP via Getty Images)

Vào ngày thứ Năm (24/10), Hiệp ước song phương với Bắc Triều Tiên được Hạ viện Nga chính thức thông qua, thiết lập các nguyên tắc hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Nội dung của hiệp ước tuyên bố rõ ràng rằng cả Nga và Bắc Triều Tiên sẽ từ chối tham gia vào bất kỳ hiệp ước nào với các quốc gia thứ ba mà có thể ảnh hưởng đến chủ quyền của bên kia. Trong trường hợp Nga hoặc Bắc Triều Tiên bị tấn công, bên còn lại cam kết cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả hỗ trợ quân sự, trong phạm vi cho phép của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Ông Andrey Rudenko, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, đã đồng ý cung cấp quan điểm chuyên môn về hiệp ước này cho các nghị sĩ tại Hạ viện Nga trong phiên họp, cho biết hiệp ước sẽ nâng bang giao Nga-Bắc Triều Tiên lên một tầm cao mới, đồng thời góp phần hỗ trợ Nga “xây dựng một hệ thống quốc tế đa cực công bằng”.

Hiệp ước này hoàn toàn minh bạch, sẽ được công bố [trước truyền thông quốc tế], không che dấu bất kỳ điều khoản bí mật nào. Tất cả mọi thứ đều được ghi rõ ràng“, ông Rudenko nói.

Ông Rudenko còn cho biết Moskva đang tìm cách “kiềm chế các mối đe dọa khu vực đang ngày càng gia tăng từ tập hợp [các quốc gia] phía Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo, vốn vẫn đang cố gắng theo đuổi [các chính sách đối ngoại giúp Hoa Kỳ] duy trì vị thế bá quyền và xây dựng các liên minh quân sự-chính trị khép kín tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. Ông Rudenko cảnh báo rằng các hoạt động quân sự của Washington có thể khiến Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược trong khu vực. 

Vào tháng Mười, truyền thông quốc tế đã đồn đoán rằng Bắc Triều Tiên đã điều động hàng nghìn binh sĩ đến Nga để có thể triển khai hỗ trợ quân đội Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky là chính trị gia đầu tiên đưa ra những cáo buộc này. Ông Zelensky cũng tuyên bố quân đội Ukraine đã tiêu diệt các binh sĩ Triều Tiên trên lãnh thổ Ukraine. 

Vào tuần trước, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc đã tuyên bố chính thức rằng Bình Nhưỡng có thể đã điều động bốn lữ đoàn, có tổng cộng 12.000 binh sĩ đến chiến trường Ukraine. Vào hôm thứ Tư (23/10), ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, tuyên bố chính thức trước truyền thông rằng khoảng 3.000 binh sĩ Bắc Triều Tiên đã được điều động đến Nga. Ông Austin lên tiếng cảnh báo Bắc Triều Tiên rằng những binh sĩ này sẽ trở thành “mục tiêu chính đáng” nếu được đưa ra tiền tuyến.

Vào tuần này, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết rằng thông tin Bắc Triều Tiên điều quân tham chiến cuộc chiến Nga-Ukraine từ Kiev và từ những đồng minh thân cận của Kiev mâu thuẫn với nhau. Đại diện của Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc cho biết đoàn đại biểu của ông “không thấy cần thiết phải đưa ra bất kỳ bình luận nào về những tin đồn vô căn cứ và rập khuôn” nhằm bôi nhọ hình ảnh quốc gia của ông.

Bà Kim Yo-jong, nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đồng thời là em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, đã không do dự chỉ trích các nhà lãnh đạo tại Ukraine và Hàn Quốc là “những kẻ điên” với thói quen đe dọa các quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, và cho rằng đó là hành vi thường thấy của “những con chó bẩn tính được Hoa Kỳ nuôi dưỡng”.

Thiên Vân (T/h)