Robert Farley: Căn cứ quân sự của TQ ở Biển Đông chỉ như hổ giấy đối với Mỹ
- Robert Farley
- •
Trung Quốc đã xây dựng một số đảo ở Biển Đông, nhưng liệu họ có thể bảo vệ được không? Gần đây, nhà ngoại giao Mỹ Robert Farley đã viết trên tạp chí National Interest rằng các hòn đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc xây dựng có ý nghĩa quân sự nhất định, nhưng vai trò quan trọng hơn của chúng là ý nghĩa chính trị hàng hải và vấn đề tài nguyên biển. Còn về quân sự thì chúng chỉ là lớp vỏ mỏng trong hệ thống A2/AD của Trung Quốc, dù ở mức độ nhất định cũng gây cản trở việc người Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải. Tuy vậy, nếu không quân và hải quân Mỹ muốn xử lý thì không phải chuyện khó khăn.
Vũ khí A2/AD mà chuyên gia Farley đề cập là một thuật ngữ mới do Lầu Năm Góc đặt ra để chỉ các vũ khí của Trung Quốc như tàu ngầm tiên tiến, tên lửa đất đối không, vũ khí chống vệ tinh và công nghệ chiến tranh mạng.
Chuyên gia Farley nhận định, thời Thế chiến thứ Hai Nhật Bản đã ý thức có được một số lợi thế chiến lược nếu kiểm soát một số hòn đảo, nhưng không đủ để gây được áp lực với Mỹ. Ngoài ra, theo thời gian thì những hòn đảo này lại trở thành gánh nặng chiến lược khi phải cố gắng duy trì nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và thiết bị. Trường hợp tương tự, các đảo ở Biển Đông rất thuận lợi cho Trung Quốc, nhưng chúng có thực sự giúp Trung Quốc tăng sức mạnh quân sự trong kiểm soát vùng hải phận này? Câu trả lời là có, nhưng giá trị sẽ giảm nhanh chóng trong xung đột thực tế.
Căn cứ quân sự
Trung Quốc đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự ở Biển Đông, chủ yếu ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng các sân bay tại Đá ngầm Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập; ngoài ra ở một số khu vực nhỏ hơn khác cũng xây dựng các cơ sở hạ tầng gồm hệ thống tên lửa, radar và máy bay trực thăng. Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ quân sự quan trọng trên đảo Phú Lâm, đồng thời thiết lập các căn cứ radar và máy bay trực thăng ở một số khu vực khác.
Hoạt động liên tục xây dựng căn cứ quân sự trên khắp khu vực Biển Đông của Trung Quốc cho thấy những tham vọng không ngừng mở rộng sự hiện diện quân sự của họ. Các căn cứ lớn hơn (đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, và đảo Phú Lâm) có cơ sở hạ tầng cần thiết để quản lý máy bay quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu và tàu tuần tra cỡ lớn. Những tên lửa, radar và máy bay này mở rộng khả năng sát thương của quân đội Trung Quốc trên phạm vi rộng ở Biển Đông.
Hỏa tiễn
Tại một số đảo Trung Quốc bố trí hệ thống phòng thủ (tầm bắn 125 dặm Anh như Hồng Kỳ-9 và có thể có cả S-400 của Nga), và căn cứ tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCMs). Vai trò của những tên lửa này rất nguy hiểm đối với tàu chiến và máy bay Mỹ nếu đi vào Biển Đông mà không trang bị khả năng tàng hình hoặc hệ thống phòng không nhiều lớp.
Ngoài ra, với hỗ trợ của mạng lưới radar, các cơ sở tên lửa phòng không có thể hạn chế hiệu quả khả năng máy bay đối phương xâm nhập. Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có thể bổ sung một bộ bệ phóng khác vào mạng A2/AD của Trung Quốc, cho dù chưa hẳn chúng hiệu quả hơn tên lửa phóng từ tàu ngầm, tàu thủy hoặc máy bay.
Dù vậy trong thực chiến, khả năng sống sót của thiết bị tên lửa thế nào vẫn là ẩn số. Tên lửa liên lục địa với khả năng ẩn náu trong đồi, rừng và các lớp phủ tự nhiên khác nên có thể vượt qua được các cuộc không kích. Nếu trên các đảo do Trung Quốc thiết lập không có lớp che chắn tự nhiên hiệu quả thì các cơ sở quốc phòng nhân tạo rất khó tồn tại được trong một cuộc tấn công phối hợp tổng lực. Ngoài ra, chí ít các bệ phóng tên lửa phải dựa vào mạng lưới hậu cần mạnh mẽ để cung cấp nhiên liệu, điện và đạn dược, đây là vấn đề sẽ có thể là gánh nặng không nhỏ trong thực chiến.
Phi trường
Bốn căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông được trang bị căn cứ điều hành máy bay quân sự. Những căn cứ này bảo đảm cho hoạt động của cả máy bay chiến đấu tiên tiến, nhưng quan trọng hơn là máy bay tuần tra, tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo sớm tiên tiến. Khả năng sử dụng các sân bay này một cách hiệu quả sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của vũ khí A2/AD của Trung Quốc, giúp truyền dữ liệu mục tiêu tới các bệ phóng tên lửa trên biển và ở đất liền. Vai trò của các máy bay chiến đấu mang lại cho Trung Quốc khả năng kiểm soát vùng trời Biển Đông gia tăng, còn tên lửa hành trình tạo thế răn đe tàu Mỹ từ xa.
Tuy nhiên trong thực chiến, độ bền của một sân bay phụ thuộc vào việc có vật liệu và thiết bị để sửa chữa sau cuộc tấn công hay không. Không rõ liệu các đảo do Trung Quốc thiết lập ở Biển Đông có đủ mạnh để tiếp tục hoạt động sau các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom của Mỹ hay không. Mặc dù các đảo tương đối lớn đều có boongke dành cho máy bay, nhưng chưa rõ khả năng chịu đựng của những boongke này trước tấn công phối hợp tổng lực của Mỹ là như thế nào.
Radar
Hiệu quả của tên lửa phòng không, tên lửa đạn đạo tầm cao và máy bay chiến đấu phụ thuộc vào dữ liệu định vị mục tiêu chính xác. Đóng góp quan trọng nhất mà quân đội Trung Quốc có được từ các đảo ở Biển Đông là các căn cứ radar được Trung Quốc xây dựng trên nhiều đảo. Dù những căn cứ này rất mong manh, nhưng chúng thể hiện đầy đủ hơn bức tranh không gian chiến đấu mà Trung Quốc tạo dựng, tất cả kết hợp giúp nâng cao đáng kể khả năng sát thương của mạng lưới phòng thủ được Trung Quốc xây dựng.
Nói cách khác, không khó để Mỹ tấn công phá hủy các hệ thống radar. Hoạt động tấn công này có thể thực hiện bằng nhiều cách thông qua tên lửa (phóng từ tàu ngầm, máy bay tàng hình hoặc các nền tảng khác), tác chiến điện tử, tấn công mạng và thậm chí cả các cuộc đột kích của lực lượng đặc biệt; trong tình trạng như vậy nếu xảy ra thực chiến thì không khó để Mỹ vô hiệu hóa mạng lưới radar của Trung Quốc. Nhưng có lẽ vấn đề chủ yếu từ mạng lưới này là chỉ với chi phí tương đối thấp lại làm phức tạp thêm công việc mà quân đội Mỹ phải đối mặt trong việc thâm nhập Biển Đông.
Hậu cần
Các khả năng quân sự của các đảo ở Biển Đông đều phụ thuộc vào thông tin liên lạc an toàn với đất liền ở Trung Quốc. Hầu hết các đảo do Trung Quốc xây dựng đều không thể hỗ trợ các nguồn dự trữ hậu cần lớn, cũng như không thể đảm bảo rằng các nguồn dự trữ này sẽ không bị tấn công. Trong thực chiến, nhu cầu duy trì nguồn cung cấp nhiên liệu, trang thiết bị và đạn dược cho các đảo sẽ sớm trở thành gánh nặng của Trung Quốc.
Giả sử rằng quân đội Trung Quốc không hứng thú đối với cuộc phiêu lưu tốn kém và mạo hiểm trong cung ứng cho các đảo chống chọi các làn đạn pháo [từ đối thủ], nếu vậy thì giá trị quân sự của các đảo ở Biển Đông sẽ trở nên quá lãng phí trong xung đột. Thật không may cho Trung Quốc, bản chất của tác chiến đảo, và bản chất của đội hình cụ thể mà Trung Quốc đã quyết định hỗ trợ, khiến cho việc duy trì hoạt động bền vững của các căn cứ này trở nên khó khăn, chỉ có thể bảo đảm trong khoảng thời gian rất ngắn.
Tàu chiến và pháo đài
Như đô đốc Horatio Nelson người Anh nổi tiếng trong cuộc chiến với Napoleon từng nói vui đại ý rằng: một tàu chiến đấu với một pháo đài thì thật xuẩn ngốc. Dù vậy trong một số trường hợp con tàu cũng có lợi thế hơn pháo đài. [Vấn đề ở đây là] các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông không thể di động, cũng không đủ lớn để cất giấu nhiều thiết bị và vật liệu quân sự.
Mỹ có thể lập bản đồ chi tiết các căn cứ quân sự trên mọi hòn đảo ở Biển Đông và có thể theo dõi các thiết bị quân sự được vận chuyển đến các đảo này. Điều đó sẽ giúp Mỹ dễ dàng dùng tàu, tàu ngầm và máy bay để tấn công những hòn đảo này, vì tên lửa sẽ không yêu cầu dữ liệu nhắm mục tiêu theo thời gian thực.
Một bước đi tích cực của Mỹ là đảo ngược quyết định cho “nghỉ hưu” hệ thống pháo tiên tiến trên các tàu khu trục lớp Zumwalt. Hệ thống pháo này cung cấp đạn dược cho phép Zumwart tấn công các cơ sở trên đảo của Trung Quốc ở khoảng cách xa, chỉ với chi phí tương đối thấp nhưng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các căn cứ của Trung Quốc.
Robert Farley – tác giả sách The Battleship Book, ông là giảng viên cao cấp tại Trường Ngoại giao và Kinh doanh Quốc tế Patterson thuộc Đại học Kentucky, thường xuyên công bố bài trên tờ National Interest.
Xem thêm:
Từ khóa Hoàng Sa Trường Sa đảo Phú Lâm Căn cứ quân sự Dòng sự kiện áp thấp nhiệt đới biển Đông Đá ngầm Subi Đá Vành Khăn Đá Chữ Thập