Trong 22 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công cho đến nay, nhiều người thuộc giới tinh hoa trong nhiều ngành nghề đã bị bức hại tàn khốc vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong đó, các giám đốc, doanh nhân, các nhà quản lý, doanh nhân các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong hệ thống thương mại đã bị ép phải cải tạo lao động phi pháp, kết án phi pháp, và thậm chí bị bức hại cho đến chết .

id13121705 64c1bbb76668045363bac0bf67949e86
Các học viên Pháp Luân Công: Thành Hải Yến, Đổng Phượng Sơn, Lý Kiến Hầu (từ trái sang) bị bức hại đến chết đều thuộc tầng lớp tinh anh trong giới thương mại. (Nguồn: Epoch Times)

Theo thống kê từ trang web Minh Huệ (minghui.org) của Pháp Luân Công, trong 22 năm qua, ít nhất 26 học viên Pháp Luân Công trong số các quan chức cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc Đại Lục đã bị bức hại đến chết, 66 người bị kết án phi pháp hoặc bị xét xử không qua tòa án, 20 người bị lao động cải tạo bất hợp pháp, và 179 người bị bắt cóc.

Giới tinh hoa xã hội tu luyện Pháp Luân Công luôn bị coi là “cái gai trong mắt” ĐCSTQ. Bởi vì họ vốn là trụ cột của xã hội, hơn nữa khi họ tu luyện theo các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn” thì càng có danh tiếng tốt, có tầm ảnh hưởng và đóng góp lớn cho xã hội. Vì lý do này, họ trở thành mục tiêu chính trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ.

Theo thống kê do Minh Huệ báo cáo, chỉ trong nửa đầu năm 2021, ít nhất 209 người thuộc giới tinh hoa từ nhiều ngành nghề khác nhau tu luyện Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại.

Họ bao gồm các quan chức cấp cao của chính phủ, sĩ quan quân đội, thạc sĩ của Học viện Khoa học Trung Quốc, giảng viên đại học, phóng viên, biên tập viên, thanh tra cảnh sát, tiến sĩ, kỹ sư, kế toán, nhà kinh tế, kiểm toán, doanh nhân thành đạt, v.v.

Sau đây là một vài trường hợp đã bị bức hại đến chết:

Nữ doanh nhân Ngô Bạch Mai ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông bị tra tấn đến chết

Bà Ngô Bạch Mai, Tổng giám đốc Lecong International Furnishing City Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, sinh năm 1963 tại Nhạc Dương, Hồ Nam.

Từ ngày 20/7/1999, khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, bà đã thu nhận và giúp đỡ rất nhiều học viên Pháp Luân Công vì cuộc bức hại mà phải sống lưu lạc khắp nơi.

Vào ngày 9/11/2011, bà Ngô bị bắt cóc đến Trung tâm tẩy não thành phố Tam Thủy. Sau hơn 130 ngày bị bức hại, bà được thả và trở về nhà vào ngày 27/3/2012.

Nhưng khi trở về nhà, khuôn mặt bà Ngô trở nên tái nhợt. Ngày 28/11/2012, bà bắt đầu cảm thấy tức ngực, sang ngày hôm sau, khi cùng chồng đến siêu thị mua đồ, hai chân bà đột nhiên bị mềm nhũn, không thể nhấc lên được và bất tỉnh ngay sau đó. Mặc dù đã được người nhà đưa đi cấp cứu, nhưng không thể qua khỏi. Bà qua đời lúc 9:00 tối cùng ngày, lúc mới 48 tuổi.

Bệnh viện chẩn đoán bà qua đời do nhồi máu cơ tim, nhưng bà Ngô trước nay luôn rất khỏe mạnh. Di thể bà trông rất lạ, môi tím tái, móng tay tím tái, bụng sưng căng, người bên ngoài cũng không thể biết bà đã bị trung tâm tẩy não bức hại như thế nào.

Ông Đồng Phượng Sơn bị đánh chết bởi nhà tù ở Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm

Ông Đổng Phượng Sơn, một học viên Pháp Luân Công đến từ thành phố Tùng Nguyên, tỉnh Cát Lâm, và là người đứng đầu chi nhánh của trang trại Liên Hoa Bào ở huyện Tiền Quách, tỉnh Cát Lâm. Ông Đổng đã bị ĐCSTQ kết án bí mật 9 năm tù giam. Vào ngày 23/10/2008, ông bị đưa đến nhà tù thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm. Chỉ trong vòng 6 ngày giam giữ, ông đã bị đánh chết với một vết xẻ trên ngực phải do bị xẻng đâm vào.

id13121562 2021 7 27 i084020 03
Ông Đổng Phượng Sơn (Nguồn: Minghui.org)

Ngày 23/10/2008, ông Đổng Phượng Sơn bị đưa đến nhà tù Thạch Lĩnh ở Tứ Bình. Vào lúc 8:00 tối ngày 28/10, quản giáo đã cho 8 phạm nhân đưa ông vào phòng lấy nước và dùng thắt lưng quất vào người ông. Khoảng một giờ sau, màn tra tấn mới dừng lại khi ông Đổng đã không thể bước đi được nữa.

Sáng hôm sau, mặc dù ông Đổng không thể ra khỏi giường nhưng vẫn bị bắt đi làm và bị đánh đập, mắng chửi tại chỗ làm. Sau đó, khi quản giáo thấy rằng tình hình của ông thực sự đã rất không ổn, họ bèn chuyển ông đến bệnh viện nhà tù, ông Đổng đã qua đời trên đường đến bệnh viện.

Quản giáo từ trên xuống dưới sau đó đều bịa đặt các câu chuyện để che đậy sự thật.

Ông Lý Thượng Thi, giám đốc Công ty Công nghiệp Lâm sản Bàn Cẩm, bị giết trong tù

Ông Lý Thượng Thi, cựu giám đốc Công ty Công nghiệp Lâm sản Bàn Cẩm, Liêu Ninh, sống ở quận Hưng Long Đài, thành phố Bàn Cẩm. Vào ngày 20/7/1999, ông Lý Thượng Thi với tư cách là người đứng đầu Trạm tư vấn tình nguyện Pháp Luân Công Bàn Cẩm, ngay lập tức bị giám sát toàn diện. 

Vào chiều ngày 20/4/2004, khi đang đi xe đạp trên đường, thì ông Lý bị cảnh sát thuộc Sở Công an quận Song Đài Tử, thành phố Bàn Cẩm, tỉnh Liêu Ninh bắt cóc và đưa về giam giữ phi pháp. Ông bị kết án phi pháp 14 năm tù.

Vào ngày 28/9 cùng năm, ông Lý bị đưa đến nhà tù Thanh Đài Tử ở quận Phủ Thuận, sau đó bị chuyển đến nhà tù Thẩm Dương. Trong thời gian này, ông đã phải chịu đựng đủ loại tra tấn tàn khốc và cưỡng chế lao động quá tải. Ông từng tuyệt thực trong 28 ngày để chống lại cuộc bức hại. Ông bị buộc cố định trên một chiếc “giường chết” để bức thực, dạ dày của ông bị tổn thương bởi ống nội khí quản.

Vào tháng 6/2010, các quản giáo của nhà tù số 1 Thẩm Dương đã tra tấn ông Lý bằng sốc điện, bỏ đói và kiềm hãm thân thể trong thời gian dài. Vợ ông Lý đã nhiều lần vượt hàng trăm dặm đường đến yêu cầu quản giáo cho thăm tù, nhưng luôn bị từ chối, quản giáo trả lời rằng: ông ấy “không chịu chuyển hóa” (tức từ bỏ tu luyện).

Vào ngày 22/11/2013, tại nhà tù, ông Lý Thượng Thi đột nhiên nôn ra máu và qua đời ở tuổi 66.

Ông Lý Kiến Hầu, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Thành phố Nam Sung, bị tra tấn đến chết trong tù

id13121594 2021 7 27 i084020 07 ss
Ông Lý Kiến Hầu (Nguồn: Minghui.org)

Ông Lý Kiến Hầu, 66 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, từng được tặng thưởng nhiều công lao trong quân đội, sau đó được điều động về Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Thành phố Nam Sung làm Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc và Ủy viên Ủy ban Hiệp thương Chính trị Nhân dân của thành phố.

Ông Lý Kiến Hầu đã bị bắt cóc và giam giữ 5 lần bởi “Phòng 610” (một tổ chức bất hợp pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công), và một lần bị cải tạo lao động phi pháp. Ông bị tra tấn đến chết trong nhà tù Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 27/3/2003.

Khi đang ở trong trại tạm giam thành phố Nam Sung, ông Lý Kiến Hầu đã tuyệt thực trong 40 ngày để phản đối bức hại. Ngay cả khi ông Lý đang nằm thoi thóp, “Phòng 610” quận Thuận Khánh vẫn ra lệnh “chỉ cần uống được một ngụm nước thì phải đưa ngay (vào nhà tù)”. Vào ngày 4/1/2003, ông bị đưa đến khu vực tù thứ hai của nhà tù Đức Dương.

Nơi giam giữ thứ hai này của nhà tù Đức Dương là hang ổ hắc ám tẩy não và bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ông Lý Kiến Hầu đã qua đời chỉ sau 2 tháng 22 ngày sau khi bị đưa đến đây.

Vợ của ông Lý, học viên Pháp Luân Công Trương Thanh Phấn, bị bắt cóc 3 lần bởi “Phòng 610” và bị bắt cóc đến trung tâm giam giữ thành phố vào ngày 23/12/2002. Dưới áp lực của cuộc bức hại, con trai lớn của họ bắt buộc phải tha hương. Người con trai út 30 tuổi Lý Lượng đã qua đời tại nhà vào tháng 7/2003 vì tiếc thương và phẫn uất khi biết được những bất hạnh mà cha mẹ mình phải gánh chịu.

Bà Thành Hải Yến, Tổng giám đốc công ty dệt ở Giang Tô, qua đời do bị bức hại

id13121667 2013 6 11 minghui pohai chenghaiyan 1
Bà Thành Hải Yến (Nguồn: Minghui.org)

Bà Thành Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty Dệt may thuộc Tổng công ty Tập đoàn Vật tư Giang Tô, lấy bằng kép của Đại học Dược Trung Quốc và Đại học Giao thông Thượng Hải. Bà từng đảm nhiệm chức phó giáo sư tại Đại học Dược Trung Quốc và là Tổng giám đốc của Công ty Xuất nhập khẩu Thuốc và Sản phẩm Y tế Từ Châu. Năm 1995, do chồng bà chuyển về làm việc tại Quân khu Nam Kinh, bà giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Dệt may thuộc Tổng công ty Tập đoàn Vật tư Giang Tô. Với những thành tích xuất sắc, hàng năm bà đều được bình chọn là nhân vật điển hình tiên tiến.

Người phụ nữ ưu tú tài đức vẹn toàn này với mong muốn được chiểu theo các giá trị “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Đại Pháp để trở thành người tốt hơn nữa, đã bị bức bách phải ly hôn với người chồng quân nhân, bị hủy hoại trong bệnh viện tâm thần, bị kết án phi pháp 10 năm, bị giam giữ hình sự 3 lần, bị lục soát nhà 5 lần, bị giam trong trung tâm tẩy não nhiều lần, và liên tục bị triệu tập phi pháp, theo dõi, giám sát, v.v.

Vào tháng 8/2002, sau khi bị kết án phi pháp với bản án nặng nề 10 năm, bà Thành Hải Yến đã phải chịu đủ loại tra tấn trong nhà tù Nam Thông. Để buộc bà từ bỏ niềm tin của mình, quản giáo bắt bà phải đọc sách phỉ báng Pháp Luân Công, vào mùa đông dưới bảy tám độ C không được mặc áo ấm, không cho phép người khác nói chuyện cùng, không được phép mua các đồ dùng hàng ngày, không được tắm… Ngay cả khi huyết áp của bà tăng đến hơn 240, bà vẫn bị buộc phải lao động nô lệ, thêm vào đó còn có những nắm đấm…

Vào một đêm, khi đang tập các bài công pháp trong nhà vệ sinh và bị quản giáo phát hiện, bà lập tức bị còng chân tay và đeo xiềng xiếc nặng nề, không được phép ngủ trong nhiều ngày đêm.

Sau khi mãn hạn tù, bà Thành Hải Yến trở thành người vô gia cư, phải sống tạm nhờ nhà chị gái, dựa vào công việc bán thời gian trong tiệm thuốc để kiếm sống. Bà đã kiên trì với niềm tin của mình, truyền bá sự thật về Pháp Luân Công cho thế giới, nhiều lần bị bắt cóc và giam giữ.

Sau khi bị bức hại trong một thời gian dài và chịu sự tra tấn khủng khiếp về thể chất lẫn tinh thần, bà Thành Hải Yến đã qua đời vào ngày 28/3/2018, ở tuổi 63.

Mời xem tiếp Phần 2.

Theo Minh Huệ

Xem thêm: