Ngày 1/6, Phó Đại diện Thương mại Mỹ Bianchi và Đại diện Thương mại Đài Loan John Deng (Đặng Chấn Trung) đã công bố “Sáng kiến ​​Thương mại Thế kỷ 21 Mỹ-Đài Loan”.

p3159991a505468605
Đại diện Thương mại Đài Loan Đặng Chấn Trung (John Deng).

Ông John Deng gọi sáng kiến ​​này là “bước đột phá lịch sử trong phát triển kinh tế và thương mại Đài Loan – Mỹ”, mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và có thể thúc đẩy hiệp định thương mại tự do song phương.

Thông tin cho biết, thỏa thuận được công bố hôm thứ Tư thể hiện cam kết của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với Đài Loan, đặc biệt là về kinh tế. Và hiệp định thương mại này không cần Quốc hội thông qua vì không bao gồm cắt giảm thuế quan và các biện pháp mở cửa thị trường truyền thống khác.

Thông báo về động thái mới được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường can thiệp kinh tế với các nước châu Á – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và bổ sung cho các cam kết quân sự vốn đã mạnh mẽ của Washington trong khu vực.

Chuyến thăm châu Á gần đây của ông Biden nhằm khởi động khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua hợp tác trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và tiêu chuẩn kỹ thuật số. Có 12 nước đã tuyên bố tham gia, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand và 7 nước trong 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sau đó có thêm Fiji tham gia.

Cuộc đối thoại mới của Mỹ với Đài Loan thảo luận về các vấn đề cốt lõi của cạnh tranh Mỹ-Trung, chẳng hạn như chuỗi cung ứng chất bán dẫn, kiểm soát xuất khẩu và thực tiễn thương mại phi thị trường.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo còn có đối thoại riêng với phía Đài Loan để giải quyết các vấn đề đầu tư và thương mại công nghệ, lưu ý tầm quan trọng của Đài Loan với tư cách là nhà cung cấp chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với Đài Loan và chúng tôi đang đối thoại tích cực với Đài Loan”, ông Raimondo nói với các phóng viên hôm thứ Ba.

Thỏa thuận Mỹ-Đài hôm thứ Tư có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, báo cáo về chuỗi cung ứng của Nhà Trắng cho thấy 92% nguồn cung cấp chất bán dẫn tiên tiến trên thế giới vào năm 2021 đến từ công ty TSMC của Đài Loan. Mỹ mua hơn 70% chất bán dẫn tiên tiến ở Đài Loan.

Đài Loan đang là tâm điểm của những lo ngại ngày càng tăng của Mỹ về việc sản xuất chất bán dẫn tập trung cao độ ở Đông Á, một vấn đề ngày càng trở nên cấp thiết khi sự thiếu hụt chip do đại dịch gây ra đã ảnh hưởng đến một loạt các lĩnh vực từ điện tử đến sản xuất ô tô.

Sự gián đoạn thương mại do cuộc chiến ở Ukraine gây ra cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chuỗi cung ứng cho các sản phẩm quan trọng, đồng thời đưa ra những cảnh báo về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc và tác động của một cuộc xâm lược quân sự có thể xảy ra đối với Đài Loan.

Hiện nay Washington và Đài Bắc cũng đang hợp tác trong khuôn khổ có tên là Hợp tác Đầu tư và Thương mại Công nghệ (TTIC), khuôn khổ này được thúc đẩy vào tháng 12 sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tổ chức một cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Meihua (Vương Mỹ Hoa).

Ngoài ra, Quốc vụ viện Đài Loan còn tổ chức Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng (EPPD) để đối thoại kinh tế cấp cao giữa hai bên. Cuộc đối thoại đầu tiên đã diễn ra vào tháng 11/2020.

Các nhà lập pháp Mỹ hiện đang thảo luận về luật xây dựng lại ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ với khoản trợ cấp mới trị giá 52 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu.