Kênh đào Panama, vừa là một kiệt tác kỹ thuật vừa là huyết mạch chủ chốt trong thương mại toàn cầu, đã một lần nữa nổi lên trở thành tâm điểm trong những căng thẳng địa chính trị đầy biến động. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã yêu cầu  trả lại kênh đào này cho Hoa Kỳ, viện dẫn những lo ngại về cách thức quản lý hiện tại và vai trò chiến lược không thể thay thế của kênh đào đối với lợi ích quốc gia Hoa Kỳ.

Kenh dao Panama
Kênh đào Panama nhìn từ trên cao. (Ảnh: Shutterstock)

Những tuyên bố của ông Trump trên mạng xã hội Truth Social đã nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng gia tăng về hoạt động của kênh đào này và vai trò quan trọng của kênh đào đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. “Kênh đào Panama được coi là một Tài Sản Quốc Gia VÔ CÙNG quan trọng đối với Hoa Kỳ, do vai trò thiết yếu của nó đối với Kinh Tế và An Ninh Quốc Gia của nước Mỹ”, ông Trump tuyên bố.

Là một huyết mạch của chuỗi cung ứng toàn cầu, Kênh đào Panama chiếm 6% thương mại hàng hải toàn cầu đi qua các cửa khóa của nó. 

Khoảng 40% lưu lượng container của Hoa Kỳ hàng năm sử dụng kênh đào này, một minh chứng rõ ràng thể hiện sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào tuyến vận tải này. Đáng chú ý, Hoa Kỳ là quốc gia sử dụng kênh đào nhiều nhất. Vào năm 2021, hơn 73% số tàu thuyền qua lại kênh đào này cập bến hoặc xuất phát từ các cảng của Hoa Kỳ.

Kênh đào này lần đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 1914 sau nỗ lực xây dựng đầy gian nan do Hoa Kỳ lãnh đạo. Sau đó, kênh đào đã được Hoa Kỳ trao trả cho Panama vào năm 1999 theo các hiệp ước Torrijos-Carter. Các hiệp ước này, được đàm phán dưới thời chính quyền Carter, từ lâu đã trở thành tâm điểm tranh cãi giữa một số chính trị gia Hoa Kỳ, những người coi việc chuyển giao này là một sai lầm chiến lược.

Tỷ lệ phần trăm đáng kể (chỉ chiếm 6% thương mại hàng hải toàn cầu, nhưng 40% lưu lượng container của Hoa Kỳ) nhấn mạnh chức năng quan trọng của kênh đào giúp rút ngắn thời gian vận chuyển giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, qua đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của thương mại Hoa Kỳ. Do thương mại Hoa Kỳ phụ thuộc vào Kênh đào Panama, bất kỳ sự gián đoạn hay thay đổi quyền kiểm soát nào cũng có thể để lại những tác động sâu sắc đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp dựa vào các tuyến vận chuyển đúng giờ và hiệu quả về chi phí.

Tuy nhiên, những tuyên bố sắc bén của ông Trump không chỉ nhằm chỉ trích mạnh mẽ quyết định chuyển giao của chính quyền tiền nhiệm mà còn cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ đòi lại toàn bộ quyền kiểm soát Kênh đào Panama nếu các nguyên tắc đạo đức và pháp lý nhất định không được tuân thủ. Ông Trump tuyên bố: “Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý, của động thái cao thượng khi [Hoa Kỳ] chuyển giao [Kênh đào Panama] không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu Kênh đào Panama phải được trả lại, hoàn toàn và không được thắc mắc”. Mối quan tâm của ông Trump dường như xoay quanh động thái đối xử không công bằng của chính quyền Panama đối với lợi ích của Hoa Kỳ, đặc biệt là về mức phí cao mà các tàu thuyền của Hoa Kỳ phải gánh chịu.

Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ đơn thuần dừng lại ở khía cạnh kinh tế. Những phát biểu của ông Trump còn phản ánh mối lo ngại rộng hơn trước ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này. Kể từ khi Panama chính thức công nhận Trung Quốc thay vì Đài Loan vào năm 2017, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động kinh tế, bao gồm các khoản đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng xung quanh kênh đào.

Bộ Tư lệnh Miền Nam Hoa Kỳ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc. Tướng Laura Richardson cảnh báo trước một uỷ ban của Thượng viện rằng những dự án đầu tư này đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích của Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc kiểm soát các cảng ở cả hai đầu kênh đào thông qua Hutchison Ports PPC, một công ty có trụ sở tại Hồng Kông sở hữu mối liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, chỉ làm gia tăng thêm những lo ngại. Quyền kiểm soát các cảng ở cả hai đầu kênh đào mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng đáng kể đối với các hoạt động hậu cần quan trọng đối với hiệu quả của kênh đào.

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đặt ra những nghi vấn về tính trung lập của kênh đào, một nguyên tắc cốt lõi được đảm bảo bởi Hiệp ước Trung Lập, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả các quốc gia. Hơn nữa, sự tham gia của Trung Quốc, bao gồm việc quản lý các cảng Balboa và Cristobal, có thể cho phép Trung Quốc chi phối hoặc thậm chí thao túng hoạt động của kênh đào, gây rủi ro cho thương mại Hoa Kỳ vốn phụ thuộc nhiều vào tuyến đường này.

Ngoài ra, một mối lo an ninh nhức nhối khác là khả năng Trung Quốc có thể cài đặt công nghệ giám sát vào cơ sở hạ tầng của kênh đào, nhằm theo dõi các hoạt động thương mại và quân sự của Hoa Kỳ. Nguy cơ gián điệp khiến rủi ro chiến lược gia tăng, vì nó có thể cung cấp cho Trung Quốc những thông tin quan trọng về hậu cần và hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.

Ông Trump có thể vấp phải rất nhiều trở ngại pháp lý và ngoại giao nếu quyết tâm giành lại Kênh đào Panama. Hiệp ước Trung Lập, không có thời hạn chấm dứt, cam kết Hoa Kỳ tôn trọng tính trung lập của kênh đào, và bất kỳ động thái nào nhằm cưỡng chế giành lại quyền kiểm soát đều sẽ bị coi là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, làm tổn hại đến quan hệ của Hoa Kỳ tại khu vực Mỹ Latinh.

Kể từ khi Panama tiếp quản kênh đào, họ đã chứng minh năng lực quản lý hiệu quả tuyến đường thuỷ này, thậm chí mở rộng kênh đào vào năm 2016 để đáp ứng nhu cầu vận tải của các tàu thuyền lớn hơn, qua đó tăng gấp đôi công suất. Dẫu vậy, những tuyên bố của ông Trump nhấn mạnh giá trị chiến lược bền vững của kênh đào đối với lợi ích của Hoa Kỳ, đồng thời nhấn mạnh Hoa Kỳ cần phải cảnh giác trong việc duy trì quyền tiếp cận an toàn và đáng tin cậy đối với tuyến đường hàng hải quan trọng này.

Khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục phát triển, Kênh đào Panama sẽ vẫn tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa việc khẳng định lợi ích của Hoa Kỳ cũng như tôn trọng chủ quyền của Panama. Sự tương tác của các động lực địa chính trị, kinh tế, và các thay đổi trong khu vực sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các tuyến thương mại toàn cầu, sự ổn định của chuỗi cung ứng và các mối quan hệ quốc tế trong khu vực.

Tác giả: Craig Fuller, Tổng giám đốc điều hành tại FreightWaves

Thiên Vân biên dịch

(Ông Craig Fuller là Tổng giám đốc điều hành và Nhà sáng lập của FreightWaves, tổ chức duy nhất tập trung vào vận tải hàng hóa cung cấp góc nhìn toàn diện và đầy đủ về thị trường vận tải hàng hóa và hậu cần. Trước khi thành lập FreightWaves, ông Fuller là nhà sáng lập và Tổng giám đốc điều hành của TransCard, một bộ xử lý thanh toán cho đội xe đã được bán cho US Bank. Ông cũng là người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành vận tải đường bộ, đã thành lập và quản lý bộ phận Xpress Direct của US Xpress Enterprises, nhà cung cấp dịch vụ vận tải theo yêu cầu lớn nhất tại Bắc Mỹ.)