Khoảng hơn 400.000 người Mỹ và 40 triệu người trên toàn thế giới đang sống trong “chế độ nô lệ hiện đại”, theo dữ liệu từ báo cáo mới nhất của Global Slavery Index. Đây là một vấn đề hàng ngày có tính toàn cầu bị ẩn dấu bên trong đời sống xã hội bình dị.

lao dong cuong buc
Lao động cưỡng bức tại Nepal. (Ảnh qua Lisa Kristine)

Chế độ nô lệ hiện đại” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến để đề cập tới nạn nhân của lao động cưỡng bức, lạm dụng tình dục, hôn nhân cưỡng ép và các vấn đề lạm dụng nhân quyền khác.

Số liệu về “chế độ nô lệ hiện đại” do Global Slavery Index (GSI – Chỉ số Nô lệ Toàn cầu) công bố hôm 19/7 sau khi thực hiện phỏng vấn trực tiếp hơn 70.000 đáp viên, tại 48 nước. GSI thuộc Quỹ Tư do Đi lại (Walk Free Foudation) – một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Úc.

Số liệu GSI công bố năm nay, năm thứ năm khảo sát về lịch vực này, ước tính hơn 40 triệu người trên toàn cầu vào năm 2016 là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, riêng tại Mỹ con số này được xác định là 403.000 nạn nhân. Con số nạn nhân tại các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu là “cao hơn suy nghĩ trước đây”. Điều này làm gia tăng thêm áp lực cho những nước này trong việc thúc đẩy những nỗ lực chiến đấu chống lại vấn nạn này.

Ông Andrew Forrest, sáng lập GSI, cho biết: “Trách nhiệm của các nước phát triển đối với chế độ nô lệ hiện đại, được tiết lộ bởi dữ liệu mới này, là một cuộc gọi thức tỉnh lớn.  Áp lực đối phó với tội ác con người kinh khủng này phải chuyển từ các nước nghèo sang các quốc gia thịnh vượng hơn với nguồn lực và thể chế để làm tốt hơn nhiều”.

Sản xuất hàng hóa là động lực chính của chủ nghĩa nô lệ hiện đại toàn cầu và Mỹ là nước mua hàng lớn nhất, trong đó có rủi ro được sản xuất thông qua chế độ lao động cưỡng bức. Hàng năm Mỹ nhập khẩu hơn 144 tỷ USD hàng hóa loại này. Top 5 mặt hàng có rủi ro về lao động cưỡng bức cao nhất là hàng điện tử (gồm máy tính xách tay, máy tính để bàn và điện thoại di dộng), dệt may, cá, ca cao và gỗ.

Tính đến nay, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các mặt hàng kể trên với hơn 122 tỷ USD xuất sang Mỹ hàng năm. Việt Nam là nước đứng thứ hai với 11,2 tỷ USD, tiếp đó là Ấn Độ với 3,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, đáng hứa hẹn hơn, khi báo cáo của GSI cho thấy Mỹ là nước có điểm số GRI (Chỉ số Phản ứng của Chính phủ) cao thứ hai trong việc giải quyết vấn nạn chế độ nô lệ hiện đại, thông qua các hoạt động như phản ứng pháp lý hình sự mạnh mẽ, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và bảo vệ những nhóm dân cư dễ tổn thương.

Các nước có chỉ số GRI thấp nhất gồm Bắc Hàn, Lybia, Eritrea, Iran, Cộng hòa Trung Phi và một số nước khác. Trong báo cáo về “Buôn người” của Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành hồi tháng trước cũng xác nhận số liệu về các quốc gia nêu trên.

Tổng thống Donald Trump coi việc đấu tranh với nạn buôn người là ưu tiên chính trong nhiệm kỳ của mình. Vào tháng Tư vừa qua, ông Trump đã ký thông qua luật chấm dứt bảo vệ các nhà điều hành các trang web khỏi việc bị kết án hình sự hoặc trách nhiệm dân sự nếu họ tạo điều kiện cho các quảng cáo về tình dục hoặc mại dâm. Cũng trong tháng này, trang web Backpage.com – cổng buôn người trực tuyến lớn nhất tại Mỹ – đã bị FBI ra lệnh đóng cửa.

Chỉ thời gian ngắn sau khi vào Nhà Trắng, ông Trump đã bắt đầu cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Tổng thống Trump vào tháng Hai năm ngoái đã ký lệnh hành pháp chỉ đạo chính phủ Mỹ “xác định, can thiệp, phá bỏ và giải giáp các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia tham gia vào buôn bán người”.

Tháng Chín năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo chi 25 triệu USD cho Quỹ Toàn cầu về Chấm dứt Chủ nghĩa nô lệ hiện đại. Theo tin tức truyền thông và công bố của chính phủ Mỹ, gần 3.300 nạn nhân của nạn buôn người trên toàn thế giới đã được giải cứu và hơn 5.300 nghi phạm buôn người đã bị bắt giữ kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.

Ước tính số lượng nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa nô lệ hiện đại rơi vào các nước như Ấn Độ (8 triệu người), tiếp sau là Trung Quốc, Pakistan, Bắc Hàn, Nigeria và Iran.

Hồi tháng Tư, ông Trump nói: “Nạn buôn người hiện tại là tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Ai nghĩ điều này xảy ra trong kỷ nguyên hiện đại này? Đó thực sự là một vấn đề lớn”.

Hùng Cường

Xem thêm: