Đệ đơn gia nhập BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đầu tiên của NATO chính thức tỏ ý muốn tham gia khối liên minh do Trung Quốc và Nga đứng đầu này, theo Bloomberg đưa tin hôm Thứ Hai, và dẫn nguồn rằng đó là do Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn vì tiến trình gia nhập EU hầu như không tiến triển, cộng với những “rạn nứt” trong quan hệ với các thành viên NATO khác trong vấn đề chiến tranh Ukraine.

240903erdoganputin
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung tại Sochi, Nga vào ngày 4/9/2023. (Ảnh: Contributor/Getty Images)

Theo Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhìn nhận rằng trọng tâm địa chính trí đang dần dần rời khỏi các nước đã phát triển. Gia nhập BRICS, khối liên minh các nước mà kinh tế đang phát triển và mới nổi, sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình, tạo dựng các mối qua hệ đồng minh vượt khỏi phạm vi các đồng minh phương Tây theo cách truyền thống.

Nỗ lực ngoại giao mới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là phản ánh nguyện vọng của nước này trong việc phát triển trung lập, giữ mối quan hệ với tất cả các bên trong thế giới đa cực, với tư cách là một trong những thành viên chủ chốt của NATO (khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), cũng theo nguồn tin cho biết.

Vẫn theo Bloomberg, đơn gia nhập đã được đệ trình “vài tháng trước” khi ông Erdogan từ lâu vẫn bất mãn về tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu EU kéo dài từ hàng thập kỷ về trước, ngoài ra, đó cũng là vì những “rạn nứt” trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều thành viên trong NATO, khi các đồng minh của ông phàn nàn rằng ông Erdogan đi lại quá gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngoại trưởng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối bình luận về việc này với tờ báo.

Cuối tuần trước, ông Erdogan, vị tổng thống của quốc gia nối cả với Châu Âu và Châu Á này, đã nói ở Istanbul, “Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành quốc gia mạnh mẽ, thịnh vượng, uy tín, và hiệu quả, nếu có thể cải thiện quan hệ đồng thời với cả phương Tây và phương Đông,” và nhấn mạnh rằng “Bất kỳ phương án nào khác với điều ấy đều sẽ không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, mà là có hại.”

‘BRICS’ là chữ đầu của tên các quốc gia ban đầu của khối (2006): Brazil, Russia (Nga), India (Ấn), và China (Trung), cộng với South Africa (Nam Phi) (2011). Là khối được dẫn đầu bởi các quốc gia có nền kinh tế mới nổi. Tiếp đó có Iran, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ethitopia, và Ai-cập đã gia nhập khối này. Ả-rập Xê-út đã được mời, nhưng chưa gia nhập. Hiện nay Nga nắm ghế chủ tịch luân phiên.

Triển vọng mở rộng BRICS rất có thể sẽ là một trong những chủ đề trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của khối này tại Kazan, Nga, vào ngày 22/10. Malaysia, Thái Lan, và Azerbaijan (một đồng minh thân cận của Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đang là những quốc gia nằm trong kỳ vọng sẽ gia nhập.

BRICS tự quảng cáo mình là một giải pháp thay thế cho những tổ chức mà được miêu tả là do phương Tây thống trị, ví dụ như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các thành viên của khối có thể có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính thông qua ngân hàng phát triển cũng như mở rộng mối quan hệ chính trị và thương mại của họ.

Đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan từ lâu đã cáo buộc các quốc gia phương Tây cản trở khát vọng của Thổ Nhĩ Kỳ về một ngành công nghiệp quốc phòng tự cung tự cấp và nền kinh tế vững mạnh. Tổng thống đã nhiều lần kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để mở rộng giới hạn chỉ có 5 thành viên thường trực, và bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, do Nga và Trung Quốc thành lập với tư cách là đối thủ của NATO.

“Không phải là chúng tôi lựa chọn giữa Liên minh châu Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải như một số người bình luận,” ông Erdogan nói. “Ngược lại, chúng tôi là đang phát triển mối quan hệ của mình với cả các tổ chức này và các tổ chức khác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.”

Việc mở rộng BRICS phần lớn được thúc đẩy bởi Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của mình bằng cách lôi kéo các quốc gia vốn đã có quan hệ với Mỹ. Đây là nằm trong xu thế một thế giới đơn cực (Mỹ) đang chuyển mình để trở thành một thế giới đa cực (Mỹ Trung Nga).

Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán để gia nhập EU từ năm 2005, nhưng đã gặp phải một loạt trở ngại, bao gồm cả những gì mà EU miêu tả là những thiếu sót về dân chủ của đất nước.

Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2012 và ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cũng như các quan chức khác.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tham dự các hội nghị thượng đỉnh BRICS trước đây. Hồi tháng 6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva hoan nghênh khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức gia nhập và tư cách thành viên của nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc gia nhập BRICS có thể giúp nước này cải thiện hợp tác kinh tế với Nga và Trung Quốc, đồng thời trở thành cầu nối thương mại giữa EU và Châu Á. Người dân cho biết nước này muốn trở thành trung tâm xuất khẩu khí đốt ra khỏi Nga và Trung Á. Chính quyền của Erdogan đang cố gắng thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, vốn có khả năng tận dụng liên minh hải quan của Thổ Nhĩ Kỳ với EU để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của họ.

Nhật Tân (theo Bloomberg, Newsweek)