Theo thống kê mới nhất của cảnh sát và bệnh viện, các cuộc đụng độ dữ dội giữa những người phản đối Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, cảnh sát, và những người ủng hộ đảng cầm quyền ngày càng gia tăng, khiến ít nhất 55 người thiệt mạng vào Chủ nhật. Khởi đầu là một cuộc khủng hoảng xã hội phản đối các đặc quyền tuyển dụng đã biến thành một cuộc khủng hoảng chính trị kêu gọi Thủ tướng Hasina từ chức.

Bangladesh
Người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức sau khi phản đối hệ thống hạn ngạch tuyển dụng ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh, vào ngày 4/8/2024. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Theo AFP đưa tin tại Dhaka ngày 4/8 rằng người phát ngôn cảnh sát – ông Kamrul Ahsan, cho biết trong số người thiệt mạng có ít nhất 14 sĩ quan cảnh sát.

Các bên đối lập xô xát bằng gậy, dao, cảnh sát bắn đạn thật.

Tính cả số người chết vào Chủ nhật, ngày 4/8, ít nhất 261 người đã chết ở nước này kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Bảy.

Cảnh sát cho biết những người biểu tình đã tấn công một đồn cảnh sát ở thị trấn Enayetpur, huyện Sirajganj.

Phó Tổng thanh tra Bijoy Basak cho biết: “Những kẻ khủng bố đã tấn công một đồn cảnh sát và giết chết 11 cảnh sát”.

Đối mặt với những cuộc đụng độ này ở một số thành phố, đặc biệt là Dhaka, thủ đô với 20 triệu dân, một cựu chỉ huy quân đội đã kêu gọi rút quân khỏi đường phố.

Trước đó cùng ngày, hàng ngàn người Bangladesh đã tập trung tại một quảng trường ở Dhaka để yêu cầu bà Hasina từ chức, sau hơn một tháng biểu tình ban đầu tập trung vào đặc quyền hạn ngạch đối với các công việc phục vụ công vụ.

Video đăng trên mạng xã hội và được AFP xác minh cho thấy, một số người vẫy cờ Bangladesh trên xe bọc thép khi binh lính đứng nhìn. Những người đàn ông này đang hưởng ứng lời kêu gọi từ liên minh Sinh viên Chống Phân biệt đối xử, tổ chức đã kêu gọi “bất tuân dân sự” trước đó một ngày.

Thanh tra cảnh sát Al Helal nói với AFP: “Đã có những cuộc đụng độ giữa sinh viên và những người thuộc đảng cầm quyền”.

Những cái chết được báo cáo ở các quận thủ đô Dhaka, Bogra, Pabna và Rangpur ở phía bắc đất nước, cũng như Magura ở phía tây, Comilla ở phía đông, Barisal và Feni ở phía nam.

Theo nguồn tin cảnh sát, toàn bộ Dhaka đã biến thành một “chiến trường”, hàng ngàn người biểu tình đốt ô tô và xe máy gần một bệnh viện.

Một trong những thủ lĩnh sinh viên, Asif Mahmud, đã cảnh báo đồng bào của mình vào Chủ nhật rằng họ nên “sẵn sàng chiến đấu”. Anh viết trên Facebook: “Hãy chuẩn bị sẵn gậy tre và giải phóng Bangladesh”.

Obaidul Quader, Tổng thư ký của Liên đoàn Awami cầm quyền, đã kêu gọi người dân Bangladesh biểu tình vào Chủ nhật tại “tất cả các quận của Dhaka”“tất cả các khu vực” trên khắp đất nước.

Quân đội đứng về phía nhân dân

Đây là một trong những cuộc xung đột nguy hiểm nhất kể từ khi bà Hasina lên nắm quyền cách đây 15 năm. Trong nỗ lực lập lại trật tự, chính quyền Hasina đã cắt quyền truy cập internet, áp đặt lệnh giới nghiêm và huy động quân đội.

Các cựu sĩ quan quân đội kể từ đó đã ủng hộ phong trào biểu tình. Cựu Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh Ikbal Karim Bhuiyan nói với phóng viên AFP hôm Chủ nhật rằng chúng tôi quan ngại sâu sắc về các vụ giết người, tra tấn, mất tích và bắt giữ hàng loạt đã gây đau khổ cho Bangladesh trong 3 tuần qua.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ hiện tại ngay lập tức loại rút các lực lượng vũ trang khỏi đường phố”, ông nói trong một tuyên bố chung với các cựu sĩ quan quân đội cấp cao khác, đồng thời nhấn mạnh rằng người dân giờ đây “không còn sợ phải hy sinh mạng sống của mình nữa”.

Ông nói thêm: “Những người đã khiến người dân đất nước này phải chịu đau khổ cùng cực phải bị đưa ra công lý”.

Hôm thứ Bảy, Tướng Waker-uz-Zaman, người đứng đầu quân đội nước này hiện nay, đã đưa ra tuyên bố rằng quân đội “luôn sát cánh với nhân dân và sẽ luôn sát cánh cùng nhân dân”.

“Cuộc sống tự do”

Tại quốc gia Hồi giáo có 170 triệu dân, nơi nhiều sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp, các sinh viên đang yêu cầu chấm dứt hệ thống tuyển dụng (công chức) phân biệt đối xử vốn bị cáo buộc tuyển dụng những người thân cận với chính phủ.

Hệ thống này đã bị bãi bỏ một phần vào năm 2018 nhưng đã được tòa án khôi phục vào tháng 6 năm nay, một động thái đã gây ra sự phản đối của sinh viên trước khi Tòa án Tối cao hủy bỏ nó một lần nữa vào cuối tháng 7.

Nhưng kể từ khi cuộc đàn áp lần đầu tiên gây chết vào ngày 16/7, cuộc khủng hoảng xã hội đã chuyển sang chính trị, với những người biểu tình yêu cầu bà Hasina, 76 tuổi, người nắm quyền từ năm 2009, từ chức. 

Tại thủ đô Dhaka, cô Sakhawat đã vẽ bậy lên tường gọi Thủ tướng Hasina là “kẻ sát nhân”. Cô nói với AFP rằng vấn đề không còn chỉ là về hạn ngạch việc làm: “Chúng tôi muốn thế hệ tương lai có thể sống trong tự do”.

47 công ty dệt may “lên tiếng ủng hộ” với phong trào biểu tình hôm Chủ nhật. Họ viết trong một tuyên bố chung: “Chúng ta không thể im lặng và nhìn những sinh mạng vô tội bị mất đi trong khi yêu cầu của người dân không được đáp ứng”.