Tối 26/09 (sáng 27/9 theo giờ Việt Nam) dự kiến hàng trục triệu người trên khắp nước Mỹ sẽ theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump diễn ra tại hội trường đại học Hofstra, ngoại ô New York.

clinton-trump

Trong thời gian chờ đợi cuộc tranh luận diễn ra, báo giới không tiếc giấy mực với những bài viết dài giới thiệu tổng quát buổi tranh luận giữa hai ứng viên của hai chính đảng lớn nhất tại Hoa Kỳ. Đây là buổi tranh luận tay đôi đầu tiên giữa hai ứng viên, được truyền hình trực tiếp trên tất cả các kênh truyền hình lớn của Mỹ.

Cách đây vài ngày, ông Trump và bà Clinton đã ký một thỏa thuận mật, cam kết tuân thủ các quy định cụ thể của chương trình. Hai ứng viên bị cấm mang theo điện thoại, các thiết bị điện tử hỗ trợ, các tấm bảng, biểu đồ. Họ chỉ được phép mang theo các bản ghi chép trên giấy, bằng bút chì hoặc bút bi.

Buổi tranh luận liên quan tới ba chủ đề. Mỗi chủ đề gồm hai câu hỏi. Cuộc tranh luận tối nay tại Mỹ liên quan tới chính sách đối nội, ba chủ đề cụ thể là “Quản lý tại Mỹ, phát triển thịnh vượng và đảm bảo an ninh”. Mỗi ứng viên có hai phút trả lời, sau đó họ có quyền phản bác lại câu trả lời của đối thủ.

Một phóng viên đài RFI (Pháp) có mặt tại hiện trường mô tả: “Trong giảng đường đại học Hofstra – New York, các cộng tác viên của ông Donald Trump vẫn còn có mặt cho đến tận tối khuya ngày hôm qua và họ còn tiếp tục làm việc sáng nay để chuẩn bị cho cuộc tranh luận.

Cho đến giờ phút chót, mỗi chi tiết đều được rà soát lại một cách tỷ mỉ, từ ánh sáng đến bục diễn thuyết của hai ứng viên. Các nhóm cộng tác viên của ông Trump và bà Clinton sẽ không giáp mặt nhau cho đến khi cuộc tranh luận mở màn.

Một ngàn người được tuyển chọn để vào giảng đường dự buổi tranh luận tối nay. Số chỗ ngồi được phân chia đồng đều cho cả hai phe. Một số sinh viên cũng được mời tham dự sau một cuộc bốc thăm.”

Nhiều nhà quan sát cho rằng tính cách khó lường của ông Trump sẽ là điều bất lợi cho bà Clinton. Chính bà Clinton đã thừa nhận: “Tôi không biết ông Trump sẽ thể hiện thế nào. Có thể ông ấy sẽ cố làm ra vẻ có phong thái của một tổng thống, với một tác phong nghiêm trang, điều mà đến giờ ông ấy vẫn chưa thể hiện. Cũng có thể ông ấy sẽ tiếp tục chửi bới và cố ghi điểm”.

Còn ông Donald Trump thì trấn an dư luận hôm thứ Năm tuần trước: “Tôi sẽ giữ thái độ tôn trọng, và nếu bà ấy cũng thế thì mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp thôi”.

Rõ ràng là bà Clinton có nhiều kinh nghiệm đối mặt với những cuộc tranh luận tay đôi căng thẳng hơn ông Trump. Trong quá trình vận động tranh cử lần này, bà đã đối mặt 5 lần với thượng nghĩ sĩ Bernie Sanders trong và năm 2008, bà đã 6 lần tranh luận trực tiếp với ông Obama. Tuy nhiên, khán giả đã quen với việc ông Trump có thể gây ra những điều ngạc nhiên không ngờ tới, và ông sẽ dùng mọi cách để khẳng định bản thân trong buổi tranh luận này.

Hôm thứ Ba tuần trước, ông Trump đã mỉa mai vấn đề sức khoẻ của bà Clinton: “Hillary Clinton lại nghỉ phép. Bà ấy cần nghỉ ngơi. Hãy ngủ ngon, Hillary nhé. Chúng ta sẽ gặp nhau tại buổi tranh luận”.

Gần 7.000 phóng viên quốc tế được cấp giấy phép đến đại học Hofstra đưa tin. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của báo giới đối với cuộc tranh luận hôm nay. Dự kiến sẽ có khoảng 100 triệu khán giả theo dõi sự kiện này.

Trọng Đức