Vào hôm thứ Sáu (6/12), Tòa án Hiến pháp Romania đã đảo ngược quyết định của tòa, tuyên bố chính thức hủy bỏ kết quả vòng bầu cử tổng thống vòng một do các cáo buộc nghiêm trọng về gian lận, số liệu bất thường đằng sau thành tích của ông Georgescu và sự can thiệp từ Nga.

Calin Georgescu
Ứng cử viên tổng thống Calin Georgescu nói chuyện với những người ủng hộ và giới truyền thông trước một trạm bỏ phiếu đóng cửa, nơi ông được cho là sẽ bỏ phiếu vào ngày 8 tháng 12 năm 2024 tại Mogosoaia, Romania. Hôm nay lẽ ra sẽ là ngày bỏ phiếu vòng hai trong cuộc bầu cử tổng thống Romania, nhưng Tòa án Hiến pháp của nước này đã hủy bỏ vòng bỏ phiếu đầu tiên vào đầu tuần này với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. (Ảnh: Andrei Pungovschi/Getty Images)

Quá trình bầu cử, vốn dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tuần này, sẽ phải tổ chức lại mới hoàn toàn, với lịch trình và các bước cụ thể sẽ do chính phủ quyết định trong thời gian sắp tới. 

Toàn bộ quá trình bầu cử tổng thống Romania sẽ được tổ chức lại hoàn toàn, và chính phủ sẽ ấn định một ngày mới cùng lịch trình cho các bước cần thiết [để thực hiện điều này]“, tòa án tuyên bố trong một thông cáo. Mặc dù, trước đó vào hôm thứ Hai (2/12), Tòa án Hiến pháp đã công nhận kết quả vòng bầu cử tổng thống đầu tiên. 

Cuộc bầu cử bị hủy bỏ xoay quanh vòng đối đầu thứ nhất giữa ông Calin Georgescu (ứng cử viên cực hữu, thân Nga) và bà Elena Lasconi (lãnh đạo ôn hòa ủng hộ Liên minh châu Âu – EU).

Ông Georgescu, một nhà dân tộc chủ nghĩa tôn giáo, thẳng thừng chỉ trích cả NATO và EU, đồng thời phản đối vai trò của Romania trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Ông Georgescu cam kết chấm dứt toàn bộ viện trợ quân sự và chính trị đối với Kiev nếu đắc cử trở thành Tổng thống.

Trong vòng bầu cử thứ nhất vào tháng Mười Một, ông Georgescu giành được 22,94% số phiếu, vượt qua ứng cử viên tự do cánh tả Elena Lasconi, chính trị gia chỉ nhận được 19,18%. Trước khi có phán quyết của toà án, theo lịch ban đầu, hai ứng cử viên dự kiến sẽ đối đầu trong vòng bầu cử thứ hai vào hôm Chủ Nhật (8/12).

Cáo buộc về can thiệp bầu cử từ Nga

Ông Georgescu, ban đầu chỉ nhận được tỉ lệ ủng hộ rất thấp, một chữ số trong các cuộc thăm dò trước vòng bầu cử thứ nhất vào ngày 24 tháng 11, bất ngờ vươn lên dẫn đầu trong vòng một, làm ngoại giới dấy lên nhiều nghi vấn và tranh cãi. 

Chiến dịch vận động tranh cử của ông Georgescu được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội TikTok thông qua các tài khoản phối hợp, thuật toán tối ưu hóa và quảng cáo trả phí, mặc dù ông Georgescu không ngần ngại tuyên bố rằng chiến dịch tranh cử của ông không chi tiêu ngân sách cho vận động tranh cử. 

TikTok phủ nhận đã dành ưu ái đặc biệt cho ông Georgescu, tuyên bố rằng tài khoản của ông được gắn nhãn tài khoản chính trị và được xử lý như mọi tài khoản khác.

Nga đã thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc, gọi những cáo buộc là “vô căn cứ“.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin cũng bác bỏ các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tại Romania, tuyên bố rằng việc Bucharest đổ lỗi cho Moskva là “bắt chước xu hướng phổ biến hiện đang tồn tại ở phương Tây đối với vấn đề [bầu cử]“.

Trong một tuyên bố với đài Realitatea, ông Georgescu nhận xét rằng phán quyết của tòa là “một cuộc đảo chính chính thức”, bằng chứng cho thấy hệ thống tham nhũng tại Romania đang phơi bày bản chất thật sự của nó.

Đồng thời, ông Georgescu cũng nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông thông đồng với nước ngoài trong quá trình vận động tranh cử, không ngần ngại tuyên bố rằng các đối thủ chính trị của ông “không thể chấp nhận rằng người dân Romania cuối cùng đã nói ‘chúng tôi muốn lấy lại cuộc sống của mình’“.

Bà Lasconi cũng lên án phán quyết của tòa: “Quyết định của Tòa án Hiến pháp là bất hợp pháp, phi đạo đức và phá hủy bản chất của nền dân chủ – quyền bỏ phiếu“.

Trong khi đó, Thủ tướng Xã hội Dân chủ Marcel Ciolacu lên tiếng ủng hộ phán quyết hủy bỏ kết quả bầu cử của Tòa án Hiến pháp Romania, gọi đây là “giải pháp duy nhất đúng đắn”:

Nhiều chuyên gia dự đoán rằng ông Georgescu có thể sẽ bị tòa án loại khỏi danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử mới.

Rất có khả năng tòa án sẽ không cho phép Calin Georgescu tham gia tranh cử lần nữa“, ông Sergiu Miscoiu, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Babes-Bolyai, nhận định.

Hiện chưa rõ liệu ông Georgescu có được phép tham gia cuộc bầu cử được tổ chức lại hay không.

Trong bối cảnh hiện tại, Tổng thống đương nhiệm Klaus Iohannis sẽ vẫn tiếp tục nắm giữ chức vụ cho đến khi một người kế nhiệm được bầu chọn, mặc dù nhiệm kỳ của ông dự kiến kết thúc vào ngày 21 tháng 12. Ông Iohannis nói rằng ông sẽ bổ nhiệm thủ tướng sau cuộc bầu cử quốc hội. 

Vào tháng  Mười, tòa án cũng đã đưa ra phán quyết ngăn cấm lãnh đạo đảng cực hữu và thành viên Nghị viện châu Âu Diana Sosoaca tranh cử chức vị tổng thống, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng vượt quá thẩm quyền của tòa án.

Những hậu quả đối với chính trường, thể chế, và nền kinh tế Romania

Nếu ông Georgescu đắc cử tổng thống, điều này sẽ đảo lộn chính sách thân phương Tây của Romania, một thành viên của EU và NATO, gia nhập nhóm những quốc gia Trung và Đông Âu có xu hướng thân Nga như Hungary và Slovakia và Áo. 

Phán quyết của tòa án vào hôm thứ Sáu (6/12) đã đẩy Romania vào tình trạng hỗn loạn thể chế.

Phán quyết của Tòa án Hiến Pháp Romania có nguy cơ làm suy yếu lòng tin của nhân dân Romania vào thể chế quốc gia, cũng như làm suy yếu các cơ quan nhà nước, châm ngòi cho các cuộc biểu tình cũng như đẩy đất nước với định hướng thân phương Tây vào tình trạng bất ổn chính trị. 

Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng phán quyết của tòa án có thể khuyến khích các phong trào cực hữu, đe dọa sự ổn định và tính toàn vẹn của nền dân chủ Romania.

Sẽ có các cuộc biểu tình trên đường phố. Người dân sẽ trở nên cực đoan hơn và tùy thuộc vào ứng cử viên nào của phe cực hữu vẫn còn trong cuộc chạy đua [cho chức vị tổng thống Romania], họ [người dân] sẽ tập hợp xung quanh người đó“, ông Sergiu Miscoiu nhận xét.

Đồng thời, phán quyết này bộc lộ rõ những lỗ hổng trong thể chế của Romania trước các cuộc tấn công kết hợp và nỗ lực can thiệp từ nước ngoài.

Phán quyết này cho thấy sự yếu kém của nhà nước Romania, những cơ quan với [những lỗ hổng] dễ bị tổn thương không thể nhận biết sớm sự can thiệp của Nga trong quá trình bầu cử“, bà Laura Stefan, một chuyên gia pháp lý tại tổ chức nghiên cứu Expert Forum, nhận định.

Tuy nhiên, thị trường tài chính Romania lại phản ứng tích cực với phán quyết này, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư rằng nguy cơ bang giao giữa EU và NATO và Romania trở nên xấu đi đã giảm bớt.

Trái phiếu ngoại tệ của Romania đã tăng giá sau phán quyết của tòa án.

Các khoản phát hành bằng USD ghi nhận mức tăng lớn nhất, với trái phiếu đáo hạn năm 2048 tăng 0,7 cent, được chào giá ở mức 81,15 cent trên mỗi USD, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11, theo dữ liệu từ Tradeweb.

Phán quyết của tòa án “đã được thị trường tài chính Romania đón nhận tích cực, có lẽ phản ánh việc các nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về nguy cơ bang giao với EU và NATO trở nên xấu đi. Tuy nhiên, nếu quan sát [bức tranh] toàn cảnh, chúng tôi vẫn nhận thấy còn nhiều điều đáng lo ngại, điều này cho thấy sự phục hồi ngắn hạn [của thị trường tài chính] có thể không kéo dài lâu“, công ty Capital Economics nhận định.

Thiên Vân (T/h)